Chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Thay đổi cách quản trị truyền thống bằng phương pháp quản trị mới dựa trên nền tảng CÐS nhằm thích nghi với xu hướng công nghiệp 4.0 đã giúp nhiều DN Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đạt kết quả tốt trong SXKD, mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu. Nhiều DN đã có cách làm hiệu quả, thích ứng tốt với tình hình thực tế…

Chuyển đổi số giúp cảng nước sâu Gemalink tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) của Tập đoàn Gemandept tương thích với hoạt động của khách hàng và đối tác trên toàn thế giới.
Chuyển đổi số giúp cảng nước sâu Gemalink tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) của Tập đoàn Gemandept tương thích với hoạt động của khách hàng và đối tác trên toàn thế giới.

Bài 1: Chủ động chuyển đổi số

Ðể thích ứng với tình hình thực tế và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã chủ động chuyển đổi số (CÐS), ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Nhờ đó, không ít DN uyển chuyển ứng phó hiệu quả với sự tác động tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra, giữ được nhịp độ phát triển ổn định. Từ thực tế, nhiều địa phương trong vùng đã đề ra kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ DN thực hiện CÐS, xu thế phát triển tất yếu hiện nay và cũng là khát vọng chung của nhiều DN…

Ði trước để thích ứng

Công ty TNHH liên kết thương mại Toàn Cầu ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh là một trong những DN tiên phong CÐS để quản trị nhân sự cũng như vận hành SXKD. Hoạt động ở nhiều lĩnh vực cộng với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, Toàn Cầu quyết định thay đổi cách quản trị truyền thống bằng phương pháp quản trị mới dựa trên nền tảng CÐS trong các khâu quản trị nhân sự, quản lý SXKD và tương tác với khách hàng.

Cũng tại TP Hồ Chí Minh, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng đến giữa tháng 6, các nhà máy của Công ty cổ phần Cao-su Thái Dương trong các khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo, Tân Phú Trung vẫn sản xuất, xuất khẩu ổn định các loại gioăng cao-su kỹ thuật đến các thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Trung Ðông… Ông Hoàng Ngọc Yến, Thành viên HÐQT công ty cho biết, gần 10 năm qua, từ quản trị nhân sự đến điều hành SXKD, đầu vào nguyên liệu, đầu ra xuất khẩu sản phẩm đều được xử lý thông qua công nghệ số. Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động của công ty vẫn ổn định, bảo đảm nhịp tăng trưởng 20% như kế hoạch đưa ra từ đầu năm.

Nhờ CÐS, ngoại trừ hơn 300 công nhân sản xuất trực tiếp làm việc, tại nhiều bộ phận khác, công ty cho phép 50% nhân sự làm việc trực tuyến tại nhà để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định chung.

Trên cơ sở sớm thực hiện CÐS, việc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các nước là giải pháp thu hút đầu tư hiệu quả của Bình Dương trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhờ vậy, Tổng công ty Becamex IDC và đối tác Hàn Quốc đã hoàn tất việc ký kết thỏa thuận điều hành Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương; ký hợp tác với DN Thái Lan phát triển Trung tâm thương mại tại thị xã Bến Cát có vốn đầu tư 35 triệu USD; thu hút nhiều dự án đầu tư vào các KCN Mỹ Phước, Bàu Bàng với số vốn hàng trăm triệu USD.

Tỉnh Ðồng Nai là địa phương sớm thu hút được nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới đến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất. Những DN này đã tiên phong CÐS. Là DN chuyên sản xuất, chế tạo động cơ điện để xuất khẩu, Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia đầu tư nhà máy tại KCN Amata, tỉnh Ðồng Nai hơn 10 năm nay.

Giám đốc Công ty Nguyễn Phước Hiếu cho biết, để vận hành nhà máy, DN đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (Database) để lưu trữ trực tuyến giúp quản lý, điều hành chung của tất cả các phòng, ban.

Nhờ đó, đã bỏ được nhiều bước làm theo cách truyền thống, tiết kiệm chi phí, nhân công so với trước nhưng năng suất công việc lại tăng 50%. Hơn một năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, việc áp dụng hệ thống trên để vận hành nhà máy càng phát huy tốt hiệu quả.

"Chúng tôi xác định CÐS là một cuộc cách mạng làm thay đổi cả một tập quán làm việc. Ðây là quá trình không bao giờ kết thúc, giúp con người làm việc dễ hơn, năng suất cao hơn. Hiện, chúng tôi áp dụng quy trình hiện đại khép kín, từ quản lý nguyên liệu đầu vào đến các khâu sản xuất, đầu ra sản phẩm và khai báo hải quan, thuế. Nếu nhân viên công ty làm sai ở một công đoạn nào đó thì hệ thống sẽ tự động phát hiện, giúp điều chỉnh theo đúng quy trình", ông Nguyễn Phước Hiếu chia sẻ thêm.

Tương tự, nhiều DN tại Bà Rịa -Vũng Tàu tiết giảm được chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, duy trì và mở rộng thị trường ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nhờ chủ động CÐS khá sớm. Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Ðảo (Coimex) Lê Văn Kháng cho biết: Nhờ CÐS, công ty giám sát chặt chẽ tỷ lệ hao hụt ở tất cả các khâu ngay từ khi nguyên liệu được nhập về kho.

Tất cả các số liệu đều được xử lý trên phần mềm; khâu nào, bộ phận nào để xảy ra hao hụt nhiều lãnh đạo công ty đều nắm được và xử lý kịp thời. Thế nên, khi dịch Covid-19 xảy ra, Coimex vẫn duy trì hoạt động sản xuất bình thường.

Hiệu quả thiết thực

Thực tế tại Bình Dương và Ðồng Nai cho thấy, CÐS đã đem lại hiệu quả thiết thực cho nhiều DN. Công ty cổ phần Ðầu tư Thái Bình (Bình Dương) nhờ CÐS hiệu quả đã giúp DN ổn định việc làm cho 38 nghìn công nhân với đơn hàng luôn dồi dào.

Công ty TNHH Terumo BCT Việt Nam có vốn đầu tư Nhật Bản, chuyên sản xuất thiết bị y tế ở KCN Long Ðức (Ðồng Nai); Công ty TNHH Bosch Việt Nam chuyên sản xuất kỹ thuật cao các dây truyền lực dùng trong hộp số tự động ở KCN Long Thành (Ðồng Nai)… đều hoạt động ổn định trong tình hình hiện nay.

Giám đốc Công ty TNHH liên kết thương mại Toàn Cầu Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ: "Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu CÐS, nhưng nhờ sự giúp đỡ của các đơn vị liên quan ở TP Hồ Chí Minh và sự nỗ lực tự thân, DN đã thực hiện thành công. Hiện, DN chúng tôi rút ngắn được nhiều thời gian, công đoạn, chi phí. Chỉ cần "bấm nút" trong vài giây là có thể tiếp cận nhiều khách hàng, đối tác ở nhiều nơi và nhận được sự đánh giá rất tốt của đối tác".

CÐS để quản trị, đồng bộ hóa quy trình sản xuất qua đầu tư hai dây chuyền tự động số hóa và robot nhập khẩu từ Hà Lan, Hàn Quốc để chế biến trứng gia cầm, Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Ðạt ở quận 12, TP Hồ Chí Minh đã tăng sức cạnh tranh rõ rệt.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cho biết: "Tỷ lệ hao hụt trứng của công ty giảm 70% so với trước; tiết kiệm nguyên, vật liệu, truy xuất nguồn gốc nhanh chóng và giảm nhân lực để tiết giảm chi phí".

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemandept Phạm Quốc Long cho biết, với việc đầu tư cảng nước sâu Gemalink tại khu vực Cái Mép- Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu), Gemandept vươn lên trở thành tập đoàn logistics lớn nhất Việt Nam hiện nay. Mới đây, tập đoàn vinh dự là nhà thầu vận chuyển các toa tàu siêu trường, siêu trọng của dự án Metro TP Hồ Chí Minh.

Là DN vận hành chuỗi dịch vụ cảng - logistics tích hợp toàn diện, việc CÐS giúp tập đoàn tối ưu mọi lĩnh vực hoạt động, đồng thời tương thích với việc CÐS của khách hàng và đối tác của Gemandept trên toàn thế giới. "Nếu không chủ động ứng dụng CNTT, số hóa hoạt động của DN, chúng tôi tất yếu sẽ bị đào thải", ông Phạm Quốc Long chia sẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, DN thực hiện CÐS sẽ mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng, tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, tăng doanh số và lợi nhuận...

Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn chuyển đổi số FPT (FPT Digital) Trần Huy Bảo Giang chia sẻ, một trong các minh chứng rõ nét nhất cho sự cần thiết của CÐS trong giai đoạn hiện nay ở nước ta chính là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với các mục tiêu rất cụ thể. Với vai trò đầu tàu kinh tế, chiếm 43% GDP của cả nước, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng GDP bình quân từ 8 đến 8,5%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030.

Việc TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố Chương trình CÐS của thành phố vào tháng 2-2021 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực cho việc CÐS đồng bộ với ba đối tượng là chính quyền - DN và người dân, hướng đến các mục tiêu Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số.

Quá trình CÐS nhanh tại Vùng kinh tế trọng điểm phía nam được kỳ vọng sẽ dẫn dắt và tạo đà cho quá trình CÐS đồng bộ chung của cả quốc gia; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế số khu vực bắt kịp xu hướng chung của thế giới hiện nay…

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên CQTT tại TP Hồ Chí Minh