Chuyển đổi cây trồng ứng phó với khô hạn

NDO -

NDĐT - Tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Quyết định về phê duyệt phương án tổ chức sản xuất vụ hè thu 2016 ứng phó với khô hạn.

Sở NN và PTNN tỉnh Quảng Trị tổ chức tham quan mô hình chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng lạc tại huyện Cam Lộ.
Sở NN và PTNN tỉnh Quảng Trị tổ chức tham quan mô hình chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng lạc tại huyện Cam Lộ.

Theo đó, diện tích chuyển đổi vụ hè thu là 4.000 ha, trong đó chuyển đổi cơ cấu giống lúa là 2.761 ha, chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước sang cây trồng cạn 1.239 ha; đối với diện tích đất lúa thiếu nước không thể chuyển đổi sang cây trồng khác thì chuyển đổi hình thức sản xuất phù hợp. Tùy theo tính chất đất và điều kiện từng vùng để lựa chọn loại cây và giống cây trồng phù hợp, đối với đất lúa không có nước tưới tập trung cho cây đậu xanh, ngô lai, khoai lang, vừng, kê, dưa các loại, lạc, trồng cỏ nuôi bò, trong đó cây đậu xanh là cây trồng chính để nông dân chuyển đổi. Cơ cấu giống ưu tiên chuyển đổi là giống lúa Thiên ưu 8, PC6, HN6, TL6, ngô lai CP888, lạc L14, đậu xanh ĐX 208…

Chuyển đổi cây trồng ứng phó với khô hạn ảnh 1
Mô hình trồng cỏ nuôi bò tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ.

Về hỗ trợ mua giống, các xã đồng bằng ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách huyện 30%, còn lại nhân dân đóng góp; đối với các xã miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, huyện hỗ trợ 30%. Về hỗ trợ nông dân làm đất, ngân sách tỉnh hỗ trợ 15%, huyện hỗ trợ 15%.

Mục tiêu cơ bản của phương án là chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước hoặc có nước nhưng hiệu quả thấp sang trồng cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng sử dụng giống lúa mới, ngắn ngày, chất lượng cao, kháng sâu bệnh vào sản xuất; hạn chế thấp nhất diện tích lúa bị bỏ hoang do khô hạn, ưu tiên bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, nước tưới cho các loại cây công nghiệp dài ngày…