Chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ mặt hàng trái cây

Từ nay đến tháng 9, các tỉnh phía bắc nước ta bước vào vụ thu hoạch nhiều loại trái cây với số lượng lớn. Các địa phương có diện tích trồng trái cây lớn, sản lượng cao đang chủ động triển khai các giải pháp để đẩy mạnh việc tiêu thụ mặt hàng trái cây ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Công nhân Công ty xuất, nhập khẩu Sơn La ở phường Chiềng Sinh, TP Sơn La chế biến long nhãn xuất khẩu. (Ảnh LUYỆN NGỌC TUẤN)
Công nhân Công ty xuất, nhập khẩu Sơn La ở phường Chiềng Sinh, TP Sơn La chế biến long nhãn xuất khẩu. (Ảnh LUYỆN NGỌC TUẤN)

Trong số các tỉnh miền bắc, Sơn La là tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất. Năm nay, tỉnh Sơn La có hơn 82 nghìn ha cây ăn quả các loại, tổng sản lượng khoảng 450.000 tấn. Trong đó, các sản phẩm chính là nhãn, xoài, bơ, mận, thanh long, chanh leo… đều cho thu hoạch vào mùa hè. Tỉnh Bắc Giang cũng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải thiều. Năm nay, Bắc Giang có hơn 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng ước đạt 160 nghìn tấn quả. Các địa phương đang đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh tiêu thụ.

Tăng sản lượng xuất khẩu

Trong số hơn 28 nghìn ha vải thiều năm 2022, Bắc Giang có 15.400 ha vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng khoảng 112.900 tấn; 82 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sản lượng 1.000 tấn. Những năm qua, cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng quả vải, xây dựng thương hiệu, Bắc Giang đã đưa vải thiều đến với thị trường quốc tế như các nước EU, Mỹ và Nhật Bản. Mục tiêu của Bắc Giang trong năm nay là tăng sản lượng vải thiều xuất khẩu sang những thị trường khó tính để giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc. Hiện tỉnh Bắc Giang có 35 mã số vùng trồng, diện tích hơn 300 ha để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và thị trường khác. Quả vải thiều trước khi xuất khẩu được xông hơi khử trùng, đóng gói tại Bắc Giang, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu.

Việc tiêu thụ sản phẩm của Sơn La vẫn còn nhiều khó khăn, bởi diện tích, sản lượng cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương được cấp có thẩm quyền công nhận vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Diện tích cây ăn quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương mới chỉ chiếm 3,5% trong tổng số diện tích cây ăn quả đã hạn chế đến khả năng tiêu thụ, xuất khẩu với các đơn hàng khối lượng lớn của doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn. Sản phẩm nông sản của Sơn La mới bước đầu tiếp cận thị trường các nước châu Âu với số lượng ít, phải vận chuyển vào các tỉnh miền nam để chiếu xạ, cho nên thời gian bảo quản kéo dài hơn, phát sinh thêm chi phí, nên không ít doanh nghiệp, hợp tác xã không chú trọng hoạt động xuất khẩu đối với các thị trường này.

Số doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh thực hiện dịch vụ xuất khẩu (thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu) còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ, xuất khẩu nông sản với khối lượng lớn, nhất là đối với các loại trái cây có tính thời vụ cao. Quy trình thực hiện liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các đơn vị thu gom vẫn còn bất cập trong triển khai hợp đồng tiêu thụ. Doanh nghiệp và hợp tác xã của Sơn La chưa có đối tác tiêu thụ bền vững, trong khi kinh nghiệm xuất khẩu có mặt còn hạn chế.

Đẩy mạnh thương mại điện tử

Một trong những giải pháp được đánh giá cao chính là việc tỉnh Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và giao cho người đứng đầu cấp ủy làm Tổ trưởng tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản… Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thông tin: Từ năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành ủy làm Tổ trưởng Tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của huyện, thành phố. Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các huyện ủy, thành ủy tập trung chỉ đạo, triển khai kế hoạch tiêu thụ, chế biến nông sản; bám sát tình hình sản xuất của từng cơ sở tại địa bàn để có kế hoạch tiêu thụ phù hợp, hiệu quả; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đặc biệt coi trọng chất lượng quả vải thiều và duy trì chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ một cách bền vững. Cả hệ thống chính trị và người dân trồng vải thiều đều thấm nhuần việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển từ sản xuất coi trọng số lượng sang sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá trị cao. Đi cùng với quá trình sản xuất thì cần làm tốt công tác dự báo thị trường; từ đó cần chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ cho từng loại nông sản và điều hành linh hoạt trong từng giai đoạn cụ thể để phân khúc thị trường một cách hợp lý.

Để tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu vải thiều, tỉnh Bắc Giang chủ động đề xuất với các bộ, ngành liên quan tạo cơ chế, chính sách trong thông quan sản phẩm này. Trong vụ thu hoạch vải thiều năm 2021, tỉnh đề xuất với ngành hải quan “mở luồng xanh” cho xuất khẩu vải thiều, đồng thời chủ động thành lập tổ công tác tại cửa khẩu hai tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn, kịp thời tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu, đồng hành giải quyết các vấn đề phát sinh để quả vải thiều có thể thông quan một cách thuận lợi.

Các hãng hàng không lớn đã hỗ trợ vận chuyển vải thiều Bắc Giang với nhiều chính sách ưu đãi. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các ngành, đoàn thể địa phương… ký kết chung tay hỗ trợ tiêu thụ lan tỏa giá trị quả vải thiều. Tỉnh đẩy mạnh kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nội địa qua các kênh phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh. Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, hỗ trợ phân phối vải thiều trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam và quốc tế với giá ưu đãi.

Năm 2022, tỉnh Sơn La phấn đấu xuất khẩu hơn 28.370 tấn trái cây, tăng 12,9% so với năm 2021. Giá trị xuất khẩu đạt 33,56 triệu USD, tăng 34,65% so với năm 2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công cho biết: Từ đầu năm 2022, tỉnh đã chủ động tổ chức các đoàn công tác tới các tỉnh, thành phố làm việc với các đơn vị, công ty để quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ nông sản, tìm hướng xuất khẩu một số sản phẩm cây ăn quả thế mạnh. Tỉnh phối hợp các tỉnh, thành phố có tiềm năng tiêu thụ lớn để kết nối đưa các sản phẩm nông sản vào tiêu thụ tại các khu công nghiệp, các hệ thống phân phối lớn...

Hiện tại, tỉnh Sơn La chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động ứng dụng thương mại điện tử, tổ chức tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh livestream bán hàng trên các mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử uy tín, tổ chức sự kiện “Ngày đặc sản Sơn La” trên gian hàng Việt trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử... Đến nay, đã có 35 sản phẩm hàng hóa, nông sản chế biến, nông sản quả tươi của Sơn La được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử và ba doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng phần mềm quản lý khách để quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh.

Thành phố Hà Nội với nhiều lợi thế như sức tiêu thụ lớn, hệ thống thương mại hiện đại với nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng rộng khắp cũng nỗ lực hỗ trợ các tỉnh bạn tiêu thụ nông sản. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Trong thời gian tới, khi vào cao điểm thu hoạch nhiều loại trái cây của các tỉnh, thành phố phía bắc, Hà Nội sẽ tổ chức từ 15 đến 20 tuần lễ trái cây, hàng nông sản; hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm có nguy cơ dư cung cao trong các mùa vụ, rủi ro từ thị trường tiêu thụ, xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giới thiệu các địa điểm thuận lợi tại Hà Nội để hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức điểm bán sản phẩm...

Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng; triển khai ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các đơn vị tham gia…