Chiều 8/6, giá dầu châu Á đi lên trước đồn đoán Mỹ giảm dự trữ dầu

NDO -

Trong phiên giao dịch chiều 8/6, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên, trước đồn đoán dự trữ dầu tại Mỹ sẽ giảm, trong khi nhu cầu dự kiến tăng trong mùa đi lại cao điểm.

Cơ sở lọc dầu Aramco của Saudi Arabia ở khu vực al-Khurj, phía nam thủ đô Riyadh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cơ sở lọc dầu Aramco của Saudi Arabia ở khu vực al-Khurj, phía nam thủ đô Riyadh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vào lúc 13 giờ 49 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng 8 tăng 40 xu (0,3%) lên 120,97 USD/thùng sau khi đóng cửa phiên 7/6 ở mức cao nhất kể từ ngày 31/5.

Trong khi đó, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 7 tăng 60 xu (0,5%) lên 120,01 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/3 trong phiên trước đó.

Theo cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các nhà phân tích dự kiến lượng tồn kho dầu thô của Mỹ sẽ chứng kiến một đợt sụt giảm khác dù dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất có thể tăng cao hơn.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến sẽ công bố báo cáo về lượng hàng tồn kho của tuần trước trong ngày 8/6 theo giờ địa phương.

Nhà phân tích Edward Moya thuộc công ty môi giới OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ) nhận định thị trường dầu dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt, do lượng hàng tồn kho ở mức thấp.

Dự trữ dầu có thể sẽ giảm mạnh hơn khi mùa du lịch bước vào giai đoạn cao điểm.

Trafigura, một trong những đơn vị giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới, dự báo giá dầu có thể sớm chạm mức 150 USD/thùng và tăng cao hơn trong năm nay.

Hầu hết các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu đã hoạt động gần hết công suất để đáp ứng nhu cầu gia tăng khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và nhiều nước tìm cách thay thế nguồn cung từ Nga.

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/6 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 thêm 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,9%, đồng thời cảnh báo nguy cơ nhiều nước có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu, WB cho rằng nền kinh tế thế giới có thể trải qua giai đoạn giảm tốc mạnh nhất, sau sự phục hồi ban đầu khỏi suy thoái toàn cầu, trong hơn 80 năm qua.

Sự sụt giảm trên diễn ra khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi lên mức 5,7% trong năm 2021 sau suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.