Chia sẻ khó khăn, đồng hành với các doanh nghiệp FDI vượt qua đại dịch

NDO -

Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu hiện nay, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, đến môi trường đầu tư, chú trọng cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. 

Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai và Tổ hợp Samsung Việt Nam, Nestlé Việt Nam. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai và Tổ hợp Samsung Việt Nam, Nestlé Việt Nam. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng đã lắng nghe các kiến nghị của các nhà đầu tư, giao cho các bộ, ngành, các địa phương xem xét giải quyết các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được quan tâm hoàn thiện và toàn diện hơn, qua đó giúp kết quả cải cách thực chất hơn, hiệu quả và thiết thực hơn.

Doanh nghiệp FDI đoàn kết, chia sẻ khó khăn để cùng vượt đại dịch

Tại tọa đàm “Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 27/9, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương có thế mạnh thu hút đầu tư FDI và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài lớn đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam, đều khẳng định tinh thần sẵn sàng đoàn kết, chia sẻ khó khăn để cùng vượt qua tác động của đại dịch Covid-19, tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định thông điệp và chủ trương nhất quán đó của Chính phủ. Khu vực này phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngân sách, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động. Đại dịch Covid-19 đang tác động hết sức tiêu cực đến khu vực FDI, trong đó có việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đã đánh trực tiếp vào các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI, khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn sản xuất kinh doanh, có doanh nghiệp phải dừng một phần, thậm chí toàn bộ hoạt động.

Đứng trước thách thức đó, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt, luôn nỗ lực hành động vì một mục tiêu cao nhất là phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa phòng, chống dịch và triển khai hoạt động với phương châm như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Lợi ích thì chúng ta phải hài hòa, rủi ro thì chúng ta chia sẻ.

Ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ có trách nhiệm với Chính phủ, chính quyền địa phương, hỗ trợ người dân, cộng đồng trong cuộc chiến với Covid-19 bằng nhiều hình thức.

Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong thời điểm khó khăn này, quan điểm đó càng được khẳng định. Con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021 đã nói lên điều đó. Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định tính hiệu quả trong giải pháp đồng hành, hỗ trợ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong thời gian vừa qua. Những khó khăn, vướng mắc chỉ mang tính nhất thời.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng: Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn đầu tư thu hút, cấp mới tăng 25% so với cùng kỳ và đạt 88% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó cấp mới 42 dự án với tổng vốn đăng ký tăng 50,1% so với cùng kỳ và đạt 62,7% so với kế hoạch năm 2021. Đa phần các dự án là sản xuất công nghiệp phụ trợ, tập trung tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dẫn đầu vẫn là các dự án đầu tư từ Hàn Quốc, tiếp theo là Nhật Bản, Singapore. Thời gian qua, Đồng Nai là một trong những địa phương có lượng lớn dòng vốn FDI và cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư FDI.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, Bắc Ninh là địa phương cởi mở thu hút FDI, là điểm đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài rất lớn. Tại thời điểm hiện nay thu hút khoảng 37 quốc gia với 20,4 tỷ USD vốn FDI. Với các cơ chế tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, Bắc Ninh đang thực hiện rất tốt, với các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon…

Tỉnh đặt tiêu chí “2 ít”, đó là ít đất, ít dùng lao động vì đặc điểm Bắc Ninh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất. Do đó, Bắc Ninh tập trung khuyến khích các dự án công nghệ cao, tiết kiệm đất, dùng ít lao động.

Tỉnh cũng có tiêu chí “3 cao”: Suất vốn đầu tư các dự án FDI cao, tăng cường tính lan tỏa dự án. Hai là công nghệ cao, tỉnh đặt mục tiêu ưu tiên các dự án FDI công nghệ cao, gắn với giải quyết vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Ba là hiệu quả cao, tập trung làm sao thu hút nguồn lực cho ngân sách, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Tỉnh có “4 sẵn sàng”: trước hết là tập trung sẵn sàng mặt bằng, tạo cho các nhà đầu tư đến với Bắc Ninh có điều kiện tốt nhất. Hai là sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ba là sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật. Bốn là sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều được giải quyết qua cơ quan cao nhất của tỉnh, nhanh chóng thuận lợi.

Do đó, trong những năm qua, hiệu quả thu hút đầu tư ngày càng cao lên. Bắc Ninh tập trung thu hút FDI đầu tư cho công nghệ cao, với công nghệ điện tử là mũi nhọn. Trong tổng vốn đầu tư, cơ cấu tỷ trọng đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ chiếm tới 86% tổng vốn FDI. Vì vậy, Bắc Ninh vươn lên là địa phương phát triển công nghệ đứng đầu toàn quốc, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2, thu hút đầu tư đứng thứ 6.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt dịch, đến nay là đợt dịch thứ tư. Đợt dịch này diễn biến phức tạp, nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã và đang kiểm soát khá tốt.

Thực tế, một số tỉnh đã bắt đầu dỡ bỏ giãn cách xã hội và thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đã đưa ra. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đưa ra thông điệp: “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”. Để thực hiện việc này, Bộ Y tế đã đưa ra các giải pháp cụ thể và tham mưu cho Ban chỉ đạo:

Thứ nhất, các địa phương phải quán triệt đầy đủ và nghiêm túc các văn bản liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Thứ hai, các địa phương phải rà soát các phương án sản xuất của từng doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, nếu xuất hiện F0, doanh nghiệp cần xử lý theo hướng có F0 tại phân xưởng nào thì phong tỏa phân xưởng đó, chứ không phong tỏa toàn bộ doanh nghiệp. Sau khi đưa F0 và F1 đi cách ly thì thực hiện phun khử khuẩn và làm vệ sinh phân xưởng để 24 giờ sau đó có thể đưa lực lượng mới vào sản xuất. Phương án này đã triển khai rất hiệu quả tại Bắc Ninh.

Thứ ba, Bộ Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo quốc gia đề ra các văn bản như: Nghị quyết 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021.

Đến nay, đối tượng ưu tiên tiêm vaccine có lao động của doanh nghiệp. Bộ sẽ cố gắng tiêm chủng đạt tỷ lệ cao trong thời gian tới để doanh nghiệp sớm hoạt động lại trong tình hình bình thường mới. Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã có hướng dẫn, theo đó cần có thống kê chi tiết số lượng người lao động cần tiêm của từng doanh nghiệp, kế hoạch tiêm chủng của địa phương để gửi về Bộ, từ đó có cơ sở để phân bổ vaccine cho các địa phương.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hiện Bộ Y tế đang dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Dự thảo đang được xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo và sẽ sớm được ban hành. Đây cũng là giải pháp căn cơ để doanh nghiệp bước vào sản xuất trong tình hình mới.

Ủng hộ chính sách của Chính phủ Việt Nam theo đuổi mục tiêu kép

Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết: Samsung Việt Nam hiện tại đang vận hành 6 nhà máy sản xuất tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng. Samsung đã chính thức đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 với tổng số vốn đầu tư trên 17,7 tỷ USD.

Mặc dù trong làn sóng dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ cuối tháng 4 vừa qua, trong 6 tháng đầu năm, Samsung vẫn thuận lợi trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu. Nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng tại TP Hồ Chí Minh nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến công ty sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu năm nay.

Không chỉ đối với Samsung mà đối với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị - xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư. Gần đây, có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch Covid-19, tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh cũng như hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp thông qua nhiều nghị quyết, nghị định về miễn giảm thuế, phí; giãn, hoãn các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ thị để kịp thời chỉ đạo, điều hành nhanh chóng với tình hình chống dịch. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 2 Tổ công tác đặc biệt do 2 Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng để rà soát khó khăn, vướng mắc và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp cùng Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), các hiệp hội doanh nghiệp thành viên tiến hành điều tra khảo sát hơn 500 tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, đại dịch có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, bày tỏ sự lạc quan vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và cam kết tiếp tục đầu tư, kinh doanh lâu dài, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, xác định quan điểm mới về chống dịch.

Qua khảo sát, có 67% số doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Những tín hiệu tích cực này đã cho thấy sự lạc quan, tin tưởng về khả năng phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư.

Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob nhấn mạnh, tác động của đại dịch Covid-19 từ năm ngoái đến nay làm cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức. Doanh nghiệp cũng gặp phải nhiều vấn đề do tác động của đợt dịch bệnh lần này đến từ nhu cầu tiêu dùng giảm, vấn đề an toàn tại nơi làm việc, thiếu nhân công và nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng. Mặc dù có nhiều khó khăn, gần đây Tập đoàn Nestle vẫn có quyết định tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam, với khoản đầu tư mới trị giá hơn 130 triệu USD.

Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho: Trên cơ sở là sự tự tin tích lũy được sau khi khắc phục những khủng hoảng này cùng với sự tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, Samsung đang liên tục mở rộng đầu tư. Cho đến thời điểm hiện tại, Samsung đã giải ngân toàn bộ vốn đầu tư đã được phê duyệt và hằng năm vẫn duy trì đầu tư bổ sung hàng trăm triệu USD. Trong thời gian tới, Samsung dự kiến tiếp tục đầu tư nhằm mục tiêu ổn định vận hành nhà máy, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, hằng năm vẫn đang đầu tư thiết bị sản xuất cho 6 nhà máy và đa dạng hóa các hạng mục sản xuất như thiết bị 5G hay máy tính xách tay. Nếu như trước đây Samsung đầu tư chủ yếu vào dây chuyên sản xuất thì trong thời gian tới sẽ nâng cao vị thế kinh doanh tại Việt Nam của công ty lên một tầm cao mới, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược thông qua việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Samsung hoàn toàn ủng hộ chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả” vừa “phát triển kinh tế”. Đặc biệt, Samsung hiểu về tính bất khả kháng của các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ gần đây nhằm khống chế làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, nếu các biện pháp phòng, chống dịch mạnh tiếp diễn trong thời gian dài thì có thể gây ra các tổn thất kinh tế. Do đó, vừa theo đuổi mục tiêu kép “phòng, chống dịch hiệu quả” và “tăng trưởng kinh tế” nhưng cũng cần liên tục kiểm tra về tính hài hòa giữa 2 mục tiêu này.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Dịch Covid-19 không chỉ xuất hiện tại cộng đồng, mà còn xuất hiện tại các doanh nghiệp. Mối quan hệ biện chứng giữa cộng đồng và doanh nghiệp trong vấn đề dịch bệnh hết sức khăng khít với nhau. Chính vì thế, ngoài vấn đề làm tốt công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng, chúng ta phải làm tốt công tác chống dịch tại doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch. Có như vậy mới có nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Và nếu phòng, chống dịch tốt thì chúng ta tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Từ đó có nguồn lực quay trở lại cho công tác phòng, chống dịch.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ đang khẩn trương trình Chính phủ xem xét ban hành Chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2023, trong đó có nhóm các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Trên cơ sở chương trình này các địa phương cũng đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2023 của địa phương để phù hợp với đặc thù của từng địa phương mình, từng vùng. Khó khăn vướng mắc hiện nay mà các doanh nghiệp gặp phải là khó khăn, vướng mắc chung của tất cả các doanh nghiệp ở tất cả các quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và sự đồng lòng của doanh nghiệp, chúng ta sẽ sớm có giải pháp để kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phục hồi, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả…