Cắt giảm thuế không tác động lớn tới ngân sách nhà nước

Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký mười hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có hai hiệp định mới ký là FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và FTA Việt Nam - Liên minh hải quan Nga, Bê-la-rút, Cadắc-xtan, Ác-mê-ni-a và Cư-rơ-gư-xtan (VCUFTA) có hiệu lực từ ngày 1-6. Thực hiện các FTA này, nhiều dòng thuế nhập khẩu được cắt giảm, song nhiều chuyên gia nhận định, sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Tư vấn cho người nộp quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế Hà Nội.
Tư vấn cho người nộp quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế Hà Nội.

Cắt giảm nhiều dòng thuế

Với các FTA đã ký, ngay trong năm nay, có hàng nghìn mặt hàng sẽ giảm mức thuế nhập khẩu (NK), nhiều mặt hàng về mức 0%, nhất là với các hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản. Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) Hà Duy Tùng cho biết, với hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc, Hàn Quốc đã cam kết dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi thuế quan và mở hạn ngạch đối với các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam (như nông, thủy sản, hoa quả nhiệt đới, hàng dệt, may, sản phẩm cơ khí,...). Ngay khi FTA này có hiệu lực từ ngày 1-6, đã có 87 mặt hàng gồm gỗ và các sản phẩm gỗ; da giày; nguyên phụ liệu và sản phẩm dệt may của Việt Nam được xóa bỏ thuế quan, đồng thời sẽ có 405 mặt hàng khác được cắt giảm thuế về 0% trong vòng từ ba đến 10 năm tới. Riêng các mặt hàng nông sản nhạy cảm như tỏi, gừng, mật ong, đậu đỏ và bột khoai lang vốn là những mặt hàng chịu thuế suất của Hàn Quốc rất cao từ 241 đến 420%, lộ trình cắt giảm thuế sẽ là 10 đến 15 năm.

Sau 16 năm thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (năm 2026), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 90,64% số dòng thuế, trong đó xóa bỏ thuế quan ngay tại thời điểm hiệp định có hiệu lực đối với 29,14% số dòng thuế. Tính tới thời điểm 1-4 vừa qua, Việt Nam cam kết xóa bỏ tổng số 32,92% các dòng thuế trong hiệp định này, tới thời điểm 1-4-2018, số dòng thuế cắt giảm thuế NK về 0% của Việt Nam sẽ chiếm 41,78%. Đối với hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản ký năm 2008, trong giai đoạn 2015-2018, sẽ có 2.874 dòng thuế có thuế suất 0% (tương đương 30% tổng biểu thuế); riêng năm 2018, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 62,2% số dòng thuế, tập trung vào các nhóm mặt hàng như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm tân dược.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng cam kết cắt giảm thuế cho nhiều mặt hàng của Việt Nam. Tính đến ngày 1-4-2015, Nhật Bản đã xóa bỏ thuế quan cho 923 dòng sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam. Đến năm 2019, sẽ có thêm 338 dòng thuế nông nghiệp khác được xóa bỏ. Phần lớn mặt hàng công nghiệp của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, điện thoại, máy vi tính, đồ điện gia dụng, sản phẩm nhựa, giấy,... Đến cuối lộ trình vào năm 2026, Nhật Bản cam kết xóa bỏ 96,45% tổng số các dòng thuế đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các nhóm nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử,...

Không tác động mạnh

Như vậy, chỉ với các FTA điển hình nêu trên, có thể thấy, các FTA mang lại lợi ích thiết thực cho các mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam như hàng nông - thủy sản, là bước đi cụ thể thực hiện chiến lược chủ động hội nhập, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế làm trọng tâm, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển kinh tế đất nước. "Tham gia các FTA, nếu nắm bắt được cơ hội lớn này, các DN trong nước sẽ đẩy mạnh được XK, mở rộng thị trường, nhưng cũng cần có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, nâng cao năng lực để có thể cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước đã ký FTA", Phó Vụ trưởng Hà Duy Tùng nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thu NSNN khó khăn như hiện nay, việc giảm thuế NK theo các FTA tuy có ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, nhưng không tác động mạnh mẽ, không đáng lo ngại. Vụ trưởng NSNN (Bộ Tài chính) Huỳnh Quang Hải cho biết, thực tế thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2014 cho thấy, số thu này vẫn có tốc độ tăng khá cao, trung bình hơn 20%/năm, có năm tăng từ 40% đến 47%. Đây cũng là thời gian mà nhiều FTA đã có hiệu lực như Hiệp định thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA) được ký từ năm 1999, đang dần đi đến lộ trình cuối cùng (năm 2018). Với ATIGA, năm 2015 sẽ xóa bỏ thuế quan đối với hơn 1.700 dòng hàng trong biểu ATIGA - một cam kết bắt buộc của Việt Nam trong FTA này.

Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thu NSNN từ thuế XNK trên tổng thu NSNN năm sau so với năm trước tuy có xu hướng giảm nhưng giá trị tuyệt đối của thu NSNN từ thuế XNK và tổng thu NSNN vẫn tăng dần với tốc độ khác nhau qua các năm. Điều này cho thấy, đóng góp từ nguồn thu của thuế XNK không tác động nhiều đến tổng thu NSNN. Nguyên nhân do tỷ trọng thu từ thuế giảm nhưng có sự bù đắp của các nguồn thu khác nên vẫn bảo đảm tổng thu NSNN tăng đều qua các năm. Xu hướng này phù hợp với xu hướng hội nhập khi các rào cản thuế quan đang dần được xóa bỏ. Theo nghiên cứu của Bộ Tài chính, mặc dù dự báo số thu vẫn tăng nhưng sẽ chậm hơn so với giai đoạn trước và dự toán thu NSNN từ hoạt động XNK năm 2015 tăng khoảng 16% so với năm 2014.

Trong giai đoạn tới, khi Việt Nam thực hiện lộ trình xóa bỏ thuế NK cho hầu hết các mặt hàng theo các FTA đã ký, đã đàm phán, tiến tới kết thúc đàm phán, chuyển sang triển khai thực hiện thì sẽ có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, XNK, qua đó tác động đến thu NSNN. Thực tế này đặt ra yêu cầu cho cả doanh nghiệp (DN) và các cơ quan nhà nước cần chủ động, tích cực khai thác hiệu quả của hội nhập. Đối với DN, tìm hiểu thông tin, các cam kết về hội nhập cũng như các mặt hàng mà DN mình kinh doanh có lộ trình cắt giảm thuế để có chiến lược điều chỉnh sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng được các cơ hội cũng như sẵn sàng cho cạnh tranh. Cần xác định được lợi thế của mình, từ đó có cơ sở vững chắc để đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Về phía cơ quan nhà nước, bên cạnh nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền cho các DN về các cam kết của Việt Nam cũng như cam kết của các đối tác để giúp DN tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức, vấn đề tiên quyết là phải rà soát quy hoạch phát triển ngành, vùng phù hợp tiến trình hội nhập.

Nếu so với cùng kỳ một số năm gần đây, trong năm 2015, tiến độ thực hiện thu nội địa và thu cân đối từ XNK đạt khá. Kết quả thu NSNN năm tháng đầu năm cho thấy, với số thu ước đạt 380,76 nghìn tỷ đồng (tăng 7,9% so cùng kỳ) thì riêng số thu nội địa đã tăng 16,3%, thu cân đối từ hoạt động XNK cũng tăng 6,5%.

(Nguồn: Bộ Tài chính)