Cần sự thống nhất trong thực hiện Nghị quyết 128

Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bên cạnh các tỉnh, thành phố triển khai kịp thời Nghị quyết 128/NQ-CP (Nghị quyết 128) của Chính phủ, dỡ bỏ các quy định về giới hạn đi lại, khôi phục sản xuất thì vẫn còn một số địa phương dựng lên “rào cản” riêng. Điều đó khiến việc lưu thông đi lại giữa các tỉnh trong khu vực không thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Công nhân Công ty Bo Hsing, Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) trong giờ sản xuất.
Công nhân Công ty Bo Hsing, Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) trong giờ sản xuất.

Đến 17 giờ ngày 21/10, sau 10 ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, vẫn còn một số tỉnh ở khu vực ĐBSCL chưa chính thức chuyển sang trạng thái mới. Việc di chuyển, đi lại, lưu thông vẫn còn quy định khác nhau vì chưa đồng bộ áp dụng theo quy định mới của Chính phủ.

Chậm thích ứng, còn quy định riêng

Các tỉnh An Giang, Trà Vinh hiện vẫn chưa chính thức có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, tỉnh quyết tâm tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 128, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Trà Vinh đánh giá phân loại dịch ở cấp độ 2. Để khôi phục hoạt động sản xuất, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các sở, ban, ngành; các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tháo gỡ các rào cản và hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trở lại sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, duy trì các chốt ra vào cửa ngõ, nhưng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và phương tiện giao thông vận tải ra vào tỉnh. Tuy nhiên, nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn không rõ Trà Vinh có yêu cầu về xét nghiệm đối với người và phương tiện đến từ địa phương các cấp độ 1, 2 và 3 hay không. Còn tỉnh An Giang đã có dự thảo hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 và tự đánh giá dịch bệnh ở cấp độ 2, yêu cầu các địa phương trong tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo góp ý nhưng tiến độ rất chậm và chưa đi đến thống nhất.

Trong khi đó, Vĩnh Long và Cà Mau là hai tỉnh ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” sớm nhất trong khu vực ĐBSCL (từ ngày 16/10) và cùng đánh giá dịch bệnh ở cấp độ 2. Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Nguyễn Văn Dũng cho biết, Cà Mau cụ thể hóa Nghị quyết 128 và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế bằng Quyết định 2222 của UBND tỉnh, về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Địa phương này tuy duy trì các chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào tỉnh, nhưng nhằm hướng dẫn người và phương tiện đi lại an toàn, khai báo y tế. Theo đó, người từ các địa phương khác vào Cà Mau từ khu vực nguy cơ thấp (cấp độ 1), khu vực nguy cơ trung bình (cấp độ 2) thì được cho vào tỉnh và không thực hiện cách ly, không yêu cầu xét nghiệm âm tính Covid-19. Tuy nhiên, người đến từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3), nguy cơ rất cao (cấp độ 4) thì khi vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 còn hạn trong 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.

Từ 0 giờ ngày 16/10, tỉnh Vĩnh Long đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ nguy cơ trung bình (cấp độ 2), hướng dẫn và quy định cụ thể nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch vừa khôi phục sản xuất trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong đó kèm theo nhiều phụ lục còn hạn chế và giao cho các sở, ngành có hướng dẫn riêng. Nhất là quy định cung cấp giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 đối với người từ bên ngoài vào tỉnh đối với địa phương có dịch từ cấp độ 2.

Ngày 19/10, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định 1981 về việc quy định tạm thời thích ứng an toàn với dịch bệnh theo Nghị quyết 128. Tại quyết định này quy định trường hợp người dân Hậu Giang đi ra ngoài tỉnh trở về hoặc người từ ngoài tỉnh vào Hậu Giang (đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19) vẫn phải thực hiện test nhanh kháng nguyên ngày thứ nhất tại cơ sở y tế khi vào tỉnh (trừ trường hợp test còn giá trị trong 72 giờ). Đến ngày 20/10, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định 1988 điều chỉnh một số nội dung trong quy định của Quyết định 1981. Trong đó, không còn yêu cầu xét nghiệm âm tính đối với người từ tỉnh phân loại dịch ở cấp độ 1, 2, 3.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bạc Liêu Lữ Văn Hùng cho biết, tỉnh sẽ chuyển sang trạng thái dịch bệnh ở cấp độ 2. Tuy nhiên, dù thực hiện mở cửa theo tình hình mới nhưng tỉnh Bạc Liêu vẫn duy trì các chốt kiểm soát giáp ranh với các tỉnh bạn và phải có giám sát, quản lý chặt người từ vùng dịch trở về địa phương. Mặt khác, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho mọi người dân tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “5K”. Những người hoàn thành cách ly tập trung phải được cơ sở quản lý, nắm chặt.

Thống nhất lưu thông, thúc đẩy sản xuất

Là một trong rất ít địa phương đạt tiêu chí đánh giá dịch Covid-19 ở cấp độ 1 tại ĐBSCL, TP Cần Thơ chính thức chuyển sang trạng thái bình thường mới từ tối 18/10. Điều này thúc đẩy lưu thông, vận chuyển hàng hóa và sản xuất, kinh doanh không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn tác động mạnh mẽ đến các tỉnh lân cận trong vùng. TP Cần Thơ đã dỡ bỏ các chốt kiểm soát cửa ngõ đi vào địa phương khiến lưu thông liên tỉnh được thuận lợi, thông suốt. Trong khi đó, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên hầu hết các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng, để bảo đảm tiếp tục phát triển nhanh và bền vững cần tăng cường liên kết giữa các chủ thể trong phòng, chống dịch, sản xuất, lưu thông, tiêu thụ. Trước mắt, các tỉnh trong khu vực cần có cơ chế chia sẻ nền tảng bản đồ phòng, chống Covid-19 và thống nhất phương án quản lý di chuyển giữa các địa phương, nhất là địa phương áp dụng mức độ nguy cơ ở cấp 1 và cấp 2. Đối với vận tải hành khách đường bộ, địa phương cấp độ 1, cấp độ 2 cho hoạt động vận tải hành khách bình thường. Địa phương cấp độ 3, cấp độ 4 giao Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định bảo đảm phòng, chống dịch. Vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, vận chuyển nội bộ bằng xe ô-tô cho phép hoạt động 100% kể cả nội tỉnh và liên tỉnh.

Ngay khi có hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long, doanh nghiệp tư nhân Phú Vĩnh Long là một trong những doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động thí điểm vận tải hành khách theo tuyến cố định: Vĩnh Long đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Phương án của doanh nghiệp này có hai xe, bốn tài xế luân phiên và vận hành 1 chuyến/ngày. Cả bốn tài xế đều được tiêm đủ liều vắc-xin. Doanh nghiệp cũng lên phương án chi tiết, cụ thể nhằm bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long Võ Quốc Thanh, Nghị quyết 128 đã giúp các doanh nghiệp sản xuất trở lại. Tính đến nay, toàn tỉnh (cả trong và ngoài khu, cụm công nghiệp) có 2.104 doanh nghiệp hoạt động trở lại với 39.995 lao động; có 141 doanh nghiệp tham gia các phương án sản xuất với 29.575 trong tổng số 77.176 lao động. Nhìn chung, trong tháng 9 và trung tuần tháng 10, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tái hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần giúp chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 34,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 62,48% và tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng tăng 19,62% so với tháng trước…

Ông Tô Kim Quế, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Trần (Khu công nghiệp Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) cho biết, doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại ở trạng thái bình thường mới từ ngày 10/10. Hiện tại, có 1.170 người, chiếm khoảng 90% số lượng lao động của công ty đã trở lại làm việc. Trước đó, người lao động được tiêm 1 mũi vắc-xin. Công ty trang bị tấm chắn giọt bắn, khẩu trang y tế, yêu cầu công nhân thực hiện đúng nguyên tắc 5K của Bộ Y tế; bố trí bếp ăn có vách ngăn vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa an toàn trong phòng, chống dịch để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.