Cần sự bứt phá của ngành dệt may

Sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dệt may Việt Nam được đánh giá sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, với tốc độ tăng trưởng hàng chục phần trăm và mang về hàng tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh những cơ hội, hiện các doanh nghiệp (DN) nội địa đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn như thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, năng lực quản trị yếu… Nếu không có chiến lược phát triển, hướng đi hợp lý, rất có thể các DN dệt may sẽ rơi vào tình trạng “tụt hậu” trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn có sức mạnh về tiềm lực, công nghệ hiện đại của thế giới.

Công ty May 10 chủ động đầu tư mở rộng sản xuất nhằm đón đầu cơ hội khi tham gia TPP.
Công ty May 10 chủ động đầu tư mở rộng sản xuất nhằm đón đầu cơ hội khi tham gia TPP.

Sức ép gia tăng

Theo Bộ Công thương, trong số các ngành hàng, dệt may là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam tận dụng được nhiều lợi thế khi TPP có hiệu lực, chỉ riêng thị trường Mỹ đã chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản chiếm 11%. Để có được những lợi ích từ TPP, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nhất định về quy tắc xuất xứ, vấn đề cắt giảm thuế và khả năng cạnh tranh lâu dài… Hiện tại, dệt may Việt Nam đang chịu khoảng 1.600 dòng thuế, trong đó, có 1.000 dòng thuế từ Hoa Kỳ. Khi TPP được ký kết và có hiệu lực, khoảng 1.000 dòng thuế nhập khẩu dệt may sẽ cắt giảm dần về 0%, thay vì từ 17 đến 20% như hiện nay. Các DN cũng tính toán, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tăng lên mức 15%/năm, tăng gấp đôi so với mức 7 đến 8%/năm hiện tại.

Phần lớn, các DN đều cho rằng, muốn được hưởng ưu đãi thuế suất 0%, các sản phẩm dệt may Việt Nam phải có tỷ lệ nhất định từ nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc trong khối. Trong khi đó, nguồn nguyên phụ liệu “tự cung tự cấp” trong nước đang rất thiếu và yếu. Còn nếu nhập khẩu nguyên liệu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, giá thành rất cao, sản phẩm khó mà cạnh tranh được. Trước thực tế trên,Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 (Garco 10) Nguyễn Thanh Huyền cho biết, TPP yêu cầu áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi sẽ làm tăng các áp lực cho DN trong nước, buộc các DN phải “cứng” trên thị trường của mình để không bị phụ thuộc. Do vậy, các DN phải tập trung con người, đầu tư công nghệ và thời gian nghiên cứu nhằm sản xuất ra sản phẩm của mình. "Không làm được điều này, TPP sẽ là thách thức không hề đơn giản. Nếu chủ quan, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà chứ không nói đến xuất khẩu”, Tổng Giám đốc Garco 10 nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2000 - 2014, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của ngành dệt may đạt 20,1%, (năm 2014 đạt 24,5 tỷ USD), đã giúp mang về một lượng lớn ngoại tệ cho đất nước, góp phần giảm thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam. Qua đó, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2,5 triệu lao động, góp phần tích cực vào chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước ta lại chủ yếu dựa vào khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước lại sụt giảm mạnh khiến không ít người lo lắng, nhất là sức ép đến từ các DN nước ngoài. Giám đốc nhân sự - hành chính - Công ty TNHH một thành viên may mặc Bình Dương Nguyễn Hồng Anh cho biết, các DN trong nước chưa có tiềm lực về tài chính, quản trị nhân lực thấp nên không đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng, do đó, phần lớn không dám nhận những đơn hàng, hợp đồng lớn. Điều này cho thấy, chúng ta chưa có sự chuẩn bị, đầu tư bài bản mà mới chỉ dừng lại ở mức làm ăn nhỏ lẻ, manh mún.

Do vậy, đã đến lúc phải thay đổi tư duy làm ăn. DN phải có tầm nhìn, phải có sự quyết tâm và quan trọng là phải có sự liên kết, hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú Phạm Xuân Trình cho biết thêm, tham gia TPP sẽ là cơ hội để các DN Việt Nam mở rộng thị trường, nhất là thị trường Mỹ và Nhật Bản. Trong cuộc chơi này, Việt Nam cũng có cơ hội nếu DN có năng lực, phát triển theo chuỗi, đi từ sợi, dệt, nhuộm, may… Còn không, DN sẽ rất khó trụ được trước sức ép ngày càng lớn từ các đối tác nước ngoài. Chung quan điểm, Giám đốc Trung tâm Sản xuất - Dịch vụ (Trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội) Nguyễn Quang Vinh khẳng định, việc cung cấp nguyên phụ liệu ngành dệt may của các DN trong nước vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu nên khó bảo đảm được quy tắc xuất xứ làm ảnh hưởng đến các đơn hàng gia công xuất khẩu về đơn giá và thuế. Hiện tại, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, ý thức người lao động chưa được tốt, dẫn đến khó đáp ứng được những tiêu chuẩn quy định của các thị trường trong TPP. Mặt khác, hàng dệt may của các nước trong TPP cũng rẻ đi do được giảm thuế, vì vậy sẽ có hiện tượng cạnh tranh quyết liệt giữa hàng dệt may của Việt Nam với hàng dệt may của các nước TPP khác. Từ đó dẫn đến nguy cơ mất thị phần nếu không khai thác được nguyên liệu từ các nước TPP để sản xuất hàng xuất khẩu.

Nhanh chóng bù lấp “lỗ hổng”

Ngay sau khi kết thúc đàm phán TPP, đã có nhiều ý kiến kỳ vọng, trông chờ vào sự bứt phá của ngành dệt may. Đồng thời, không ít người cũng tỏ ra thận trọng cho rằng, dệt may còn quá nhiều việc cần làm để đáp ứng quy định, tận dụng cơ hội từ TPP. Liên quan tới vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Garco 10 Thân Đức Việt cho biết, để đón đầu các cơ hội, Garco 10 đã đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển nhằm tăng tối đa năng suất lao động. Khi TPP có hiệu lực, thị trường mở rộng hơn với các dòng thuế được cắt giảm sẽ là cơ hội để DN đẩy mạnh xuất khẩu và giá thành sản phẩm cũng cạnh tranh hơn. Giám đốc Trung tâm Sản xuất-Dịch vụ Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm, do hầu hết các dòng thuế đều cắt giảm về 0% nên giá thành các sản phẩm dệt may xuất khẩu vào 12 nước trong TPP sẽ giảm đáng kể và tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng dệt may của Việt Nam. Lúc này, thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại các nước tham gia TPP sẽ tăng nhanh chóng. Ngược lại, chúng ta có thể mua nguyên liệu đầu vào từ các nước thành viên TPP với giá rẻ hơn nên có cơ hội giảm giá thành sản phẩm, từ đó có cơ hội mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần may Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương, việc điều chỉnh các mức thuế về 0% được coi như một chiếc “bánh vẽ” rất đẹp. Tuy nhiên, cơ hội để thực hiện lại là thách thức rất lớn. Bởi, ngành dệt may hiện nay có tới 65% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài không thuộc TPP. Như vậy, vấn đề đầu tư về ngành dệt, nhuộm tất nhiên phải có. Song, hiện nay khả năng vốn, công nghệ của các DN Việt Nam chưa đáp ứng được, nên còn phải chờ các DN nước ngoài đầu tư cùng với DN trong nước.

“Hiện chúng tôi đang thực hiện chiến lược chia sẻ thị trường, trước đây, nguyên phụ liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, trong thời gian tới sẽ mua thêm nguyên phụ liệu tại một số nước khác cũng có khả năng cung ứng tốt như Ma-lai-xi-a, thậm chí có thể lấy hàng dệt của Hoa Kỳ. Ngoài việc cố gắng đầu tư trong nước, DN trong nước phải cố gắng tìm các nguồn nguyên liệu thay thế từ 1 trong 12 nước thành viên TPP. Về cạnh tranh, DN Việt Nam không thể ôm cả chuỗi được. Các tập đoàn lớn trên thế giới cũng có sự phân chia các khâu, do đó, chúng ta cần phải làm tốt nhất một khâu chuyên biệt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Phải lựa chọn khâu nào, công đoạn nào có khả năng làm tốt nhất để thực hiện. Không thể cạnh tranh theo cách đối mặt, mà phải tìm những kẽ, những ngách mới phát triển được. DN nước ngoài có thể thực hiện chuyên sâu vào một mặt hàng, còn DN của mình phải làm nhiều mặt hàng, kéo theo đó, đòi hỏi phải nâng cao trình độ tay nghề của người lao động”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Đặng Phương Dung, thách thức lớn của ngành dệt may là phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ. Đây là thách thức lớn đối với ngành, bởi lâu nay Việt Nam mới chỉ phát triển được phần may chứ phần dệt và nhuộm còn rất yếu kém. Hiện tại, ngành cũng đã có chính sách và nhà nước cũng kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu cho dệt may. Tuy nhiên, kêu gọi đầu tư vào dệt nhuộm không khó nhưng đang có vướng mắc vì đầu tư vào dệt, nhuộm sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn về xử lý nước thải, dẫn đến chi phí cao nên họ rất đắn đo. Chính vì vậy, nhà nước phải có quỹ đất để hình thành các khu công nghiệp tập trung sản xuất nguyên phụ liệu, giải quyết nút thắt về xử lý nước thải cũng như có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế đất, thuế VAT... để DN yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền để DN biết đâu là cơ hội, đâu là thách thức. Biết nguồn cung thiếu hụt bằng các danh mục cụ thể. Đồng thời, các DN cũng phải chuyển dần sang phương thức làm hàng ODM, OBM... chứ không làm theo phương thức gia công. Từ đó, sẽ hình thành theo chuỗi, có mối liên kết, mắt xích lại với nhau và làm cho những dự án cung cấp nguyên phụ liệu hoạt động hiệu quả. Có như vậy, ngành dệt may Việt Nam mới ổn định và phát triển bền vững.