Cân đối, bố trí nguồn vốn để hoàn thành thông tuyến đường Hồ Chí Minh

NDO -

Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình của Chính phủ trong phiên họp sáng 24/5. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình của Chính phủ trong phiên họp sáng 24/5. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Còn khoảng 171km chưa bố trí được vốn triển khai

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744km. Đến nay, đã hoàn thành 2.362km đạt 86,1% và khoảng 258km tuyến nhánh; đang triển khai 211km; còn lại khoảng 171km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng, trong đó các dự án thành phần đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng. Căn cứ vào nhu cầu, nguồn vốn đã bố trí để đầu tư các dự án thành phần là 79.022 tỷ đồng, gồm 62.316 tỷ đồng cho giai đoạn đến năm 2020; giai đoạn 2021-2025 đã cân đối bố trí 16.706 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải và 1.600 tỷ đồng ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện đoạn Đoan Hùng - Phú Thọ.

Về một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ do trong bối cảnh quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn, khả năng nguồn lực có hạn nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết số 66/2013/QH13.

Cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp để hoàn thành thông tuyến đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021-2025 -0
 Quang cảnh phiên họp sáng 24/5. (Ảnh: LINH KHOA)

Đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (87,5km), Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT; kết quả nghiên cứu cho thấy do nhu cầu vận tải chưa cao và có các Quốc lộ 32, Quốc lộ 21A đi song hành nên phương án tài chính không khả thi. Do đó, Chính phủ kiến nghị tận dụng các đoạn quốc lộ này để nối thông đường Hồ Chí Minh nhằm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện nguồn lực khó khăn và sẽ nghiên cứu đầu tư theo quy mô cao tốc giai đoạn 2026-2030.

Đề xuất mục tiêu đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết giai đoạn đến năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai; đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến chỉ chuẩn bị đầu tư, tận dụng Quốc lộ 32, Quốc lộ 21A để nối thông đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe. Đồng thời, tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287km thuộc dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh.

Cần làm rõ cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến

Trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Dự án đường Hồ Chí Minh là Dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 năm 2004.

Dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Qua quá trình giám sát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Tuy vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, trong 5 năm (2017-2021), việc triển khai Dự án chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe theo yêu cầu của Nghị quyết và và chưa rõ thời gian kết thúc.

Cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp để hoàn thành thông tuyến đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021-2025 -0
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 99.170 tỷ đồng. Các dự án đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng. Còn lại 3 đoạn với tổng chiều dài 171 km, tổng mức đầu tư là 10.770 tỷ đồng chưa được bố trí nguồn vốn, gồm Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (thuộc dự án thành phần Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn); Cổ Tiết - Chợ Bến (thuộc dự án thành phần Đoan Hùng - Chợ Bến); Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Ông Lê Quang Huy cho rằng, Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ một số vấn đề như: cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến, trong khi Nghị quyết của Quốc hội không quy định tổng mức đầu tư của toàn bộ Dự án; thứ bậc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thành phần trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến có nằm trong phạm vi đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành theo Nghị quyết của Quốc hội hay không và có đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn tuyến này.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Dự án trong giai đoạn tới, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần, các đoạn còn lại trong giai đoạn 2022-2025, trong đó bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn để hoàn thành 2 dự án đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận, đồng thời đề xuất cụ thể về bố trí vốn, hình thức đầu tư cho đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến.

Đồng thời, thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời kết cấu hạ tầng giao thông tuyến đường Hồ Chí Minh; tiếp tục đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh theo quy mô tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng ở các địa phương để sớm bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện Dự án theo quy hoạch.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV