Các tỉnh trung du miền núi phía bắc đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng

NDO -

Sáng 3/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị về phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía bắc. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và trực tuyến tới 12 điểm cầu thuộc các tỉnh trung du miền núi phía bắc khác.

Các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày nông sản Lai Châu.
Các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày nông sản Lai Châu.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp, vùng trung du miền núi phía bắc có tổng diện tích rừng là hơn 5,7 triệu ha, chiếm 39,6% diện tích rừng toàn quốc, trong đó có ¾ diện tích là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Đây là khu vực có giá trị đặc biệt về hệ sinh thái; là nơi lưu giữ bảo tồn các nguồn gene, giống; cung cấp nguồn nước, gỗ, lâm sản ngoài gỗ… có giá trị khai thác tiềm năng lợi thế phát triển du lịch sinh thái, cung cấp nguồn dịch vụ môi trường rừng giá trị cao, phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng…

Những năm gần đây việc phát triển kinh tế dưới tán rừng đã được các tỉnh quan tâm, xuất hiện nhiều mô hình, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các loại cây, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao… Giá trị xuất khẩu lâm sản hằng năm của toàn vùng chiếm 6,6% giá trị xuất khẩu cả nước. Một số loài có diện tích trồng lớn và có sản lượng khai thác đạt giá trị kinh tế như quế (137 nghìn ha), hồi (60.500 ha); một số loài trồng dưới tán rừng: thảo quả 35.500 ha, sa nhân 5.820 ha, ba kích 1.295 ha. Tổng giá trị của nguyên liệu một số loài lâm sản ngoài gỗ chính ước đạt 3.361 tỷ đồng/năm… Tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2020 đạt hơn 7.750 tỷ đồng, tổng số lượt du khách tham gia trải nghiệm các hoạt động du lịch sinh thái năm 2019 đạt 500 nghìn lượt khách…

Giai đoạn 2021-2030, tiềm năng rừng của các tỉnh trung du miền núi phía bắc rất lớn, gồm giá trị cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ lưu trữ, hấp thụ carbon, dịch vụ du lịch sinh thái với tổng giá trị ước đạt hơn 15.285 tỷ đồng/năm.

Để tiếp tục phát huy thế mạnh gắn với phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng cũng như từng địa phương, trong giai đoạn 2021-2030, các tỉnh trung du miền núi phía bắc thống nhất đưa ra 5 định hướng và 3 giải pháp trong đó tập trung vào mục tiêu đến năm 2030 là vùng phát triển xanh, bền vững, trên cơ sở bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn, đẩy mạnh trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và an ninh sinh thái. Hoàn thành quy hoạch về lâm nghiệp phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tiểu vùng; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho từng tỉnh. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với từng loại rừng để phát huy giá trị loại rừng đó; hoàn thiện một số chính sách có liên quan đến phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, bộ sẽ quan tâm tháo gỡ những vấn đề về thể chế và có chương trình, đề án riêng về phát triển dưới tán rừng cho vùng trung du miền núi phía bắc, không để người dân phát triển một cách tự phát. Đồng chí đề nghị các địa phương phát triển bền vững dưới tán rừng, khai thác có kiểm soát, không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng, tích hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch miền núi nhằm tạo thu nhập cho bà con...