Cà Mau nâng chất hơn nữa các mô hình kinh tế hợp tác

NDO -

Lợi nhuận của các hợp tác xã tại Cà Mau hiện đạt mức trung bình khoảng 200 triệu đồng/năm, tăng 60 triệu đồng so với thời điểm năm 2013.

Mô hình kinh tế tập thể đan đác tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi nông thôn.
Mô hình kinh tế tập thể đan đác tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi nông thôn.

Đánh giá nêu trên được nêu rõ tại hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức vào ngày 28/10. Từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012, các cấp ủy và chính quyền tỉnh Cà Mau đã quán triệt, xây dựng chương trình hành động cụ thể để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. 

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, các cấp quản lý và cơ quan chức năng địa phương đã có sự quan tâm đến việc chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; cán bộ, thành viên hợp tác xã và người nông dân ngày càng hiểu rõ hơn về hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới. Theo thời gian, ngày càng có nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được bổ sung hoàn thiện về phát triển kinh tế tập thể, tạo sự nhất quán trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích đối với kinh tế tập thể đã phát huy tác dụng, tạo động lực cho sự phát triển mô hình hợp tác xã hiện nay. 

Từ tháng 7/2013 đến nay, tổng kinh phí ngân sách tỉnh đã hỗ trợ tài chính cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gần 12 tỷ đồng. Tỉnh hiện có 258 hợp tác xã, trong đó có 192 hợp tác xã thành lập mới giai đoạn từ 2013-2020. Có 224/258 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 62 hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012, tăng 21 hợp tác xã so với năm 2013. Trong đó, tổng số vốn đăng ký của các hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh hiện hơn 177 tỷ đồng, tăng hơn 40 tỷ đồng so với năm 2013.

Đối chiếu kết quả kinh doanh cho thấy, doanh thu trong hợp tác xã bình quân đạt 800 triệu đồng/năm, tăng 190 triệu đồng so với năm 2013. Trong đó, lợi nhuận của hợp tác xã tại Cà Mau đạt khoảng 200 triệu đồng/năm, tăng 60 triệu đồng so với năm 2013; thu nhập bình quân của xã viên hợp tác xã đạt mức trung bình hơn 40 triệu đồng/người/năm. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, kinh tế tập thể tuy có bước phát triển nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cả từ luật cho đến các chính sách, công tác điều hành, triển khai thực hiện trong thực tế. Để các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo ông Lê Văn Sử, còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là củng cố, tiến tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã.

Để làm được điều đó, cần quan tâm nhiều hơn đến nâng cao hiệu quả, quy mô sản xuất của các hợp tác xã có sản phẩm OCOP (OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm) để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường. Khi thành lập mới hợp tác xã, cần phải gắn với nhiều yêu cầu điều kiện cụ thể, nhất là sản xuất cung ứng sản phẩm theo chuỗi giá trị để thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp. Cùng với đó, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần rà soát, đánh giá, phân loại hợp tác xã để có hướng chỉ đạo và hỗ trợ phù hợp. Quan tâm, lồng ghép những chính sách để có nhiều nguồn lực trong hỗ trợ hợp tác xã, nhất là hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận thị trường thông qua các sàn giao dịch điện tử, thương mại điện tử…