Bất cập trong hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Bắc Kạn

NDO -

Những năm qua, để thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất đặc thù. Tuy nhiên, vì triển khai thiếu quyết liệt, một số nội dung xa rời thực tiễn đã dẫn tới việc hỗ trợ thiếu hiệu quả.

Đóng gói bịch nấm tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang, huyện Bạch Thông.
Đóng gói bịch nấm tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang, huyện Bạch Thông.

Năm 2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn (Nghị quyết 08). Đến năm 2020, để phù hợp tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 08.

Hai nghị quyết này của Bắc Kạn quy định 6 chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với đối tượng là nông dân, cá nhân, doanh nghiệp, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã. Quy định 3 chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, đối tượng là doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất miến dong.

Tổng kinh phí thực hiện chính sách đã phân bổ từ 2020-2021 là hơn 19 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 15 tỷ đồng. Theo dự kiến, hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí hơn 21 tỷ đồng để triển khai, nhưng trong 2 năm qua mới chỉ bố trí được hơn 15 tỷ đồng. Nhiều nội dung hỗ trợ trên thực tế không hiệu quả, chưa phù hợp, hoặc không thể triển khai.

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng với mục tiêu hỗ trợ lãi suất vay để các Hợp tác xã tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung quan trọng này đã không thể triển khai được. Nguyên nhân chính là do các Hợp tác xã hầu như không có tài sản bảo đảm mà thường sử dụng tài sản của các thành viên nên rất khó đáp ứng đủ điều kiện phía ngân hàng đưa ra.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang (Bạch Thông) Lường Thị Giang cho biết, đơn vị cần chủ yếu vốn quay vòng sản xuất trong ngắn hạn nhưng thủ tục để vay vốn ngân hàng theo chính sách hỗ trợ thì rất mất thời gian. Việc không rành về các thủ tục, quy trình lập hồ sơ, trình thẩm định, thiếu tài sản thế chấp... khiến chúng tôi ngại và khó vay vốn ngân hàng.  

Trong quá trình triển khai, việc thiếu phối hợp chặt chẽ, nắm bắt tâm tư chưa kịp thời, thẩm định còn chưa kỹ đã dẫn tới tình trạng “vênh” giữa chính sách và thực tiễn. Điều này làm xảy ra việc lựa chọn, phê duyệt danh mục dự án liên kết chưa gắn với ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Huyện Na Rì đã triển khai dự án liên kết sản xuất ớt và huyện Ba Bể triển khai dự án hỗ trợ chăn nuôi thủy sản, thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, sau đó, hai dự án này được xác định là không có trong ngành hàng, sản phẩm quan trọng của tỉnh.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2020 đến 2021, tỉnh đã lựa chọn, phê duyệt 41 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 5 dự án cấp tỉnh và 36 dự án cấp huyện. Đến nay, đã có 33 dự án triển khai thực hiện với 1.022 hộ dân tham gia. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt các dự án, hồ sơ thanh quyết toán còn phức tạp, nhiều giấy tờ chứng minh, khó thực hiện nên nhiều Hợp tác xã không mặn mà. Số dự án đăng ký nhiều nhưng được phê duyệt còn ít, chỉ chiếm hơn 51%. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phê duyệt dự án là chưa đúng theo quy định. Các dự án quy mô nhỏ, thiếu bền vững và thiếu sự định hướng của các cơ quan chuyên môn.

Nhiều nội dung quy định trong chính sách hỗ trợ của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn còn xa rời thực tế. Thực tiễn cho thấy, các dự án chăn nuôi thường có quy mô, kinh phí lớn nhưng việc chính sách quy định mức hỗ trợ giống, vật tư tối đa không quá 900 triệu đồng/dự án, quy định cho tất cả các dự án trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp là quá thấp. Tỉnh chưa có quy định công nhận đối với giống bản địa tiêu chuẩn (như: gừng, lợn đen bản địa...) để cung ứng giống cho các dự án liên kết, dẫn tới khó lập chứng từ thanh toán. Các Hợp tác xã thường có nhiều sản phẩm nhưng chính sách chỉ quy định hỗ trợ một loại nhãn mác sản phẩm. Việc quy định nội dung hỗ trợ thiết kế bao bì cũng được các Hợp tác xã phản ánh là không phù hợp vì trên thực tế, chi phí in ấn, mua bao bì mới là phần lớn còn chi phí thiết kế bao bì thì không đáng là bao...

Thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa được Bắc Kạn xác định là động lực mở rộng quy mô các vùng sản xuất. Tuy nhiên, sau 2 năm, chính sách hỗ trợ này mới chỉ hỗ trợ được hơn 700 triệu đồng cho duy nhất 1 Hợp tác xã miến dong. Nhiều Hợp tác xã muốn nhận hỗ trợ nhưng không đáp ứng được quy định của chính sách, như: quy mô công suất chế biến phải đạt 100 tấn miến/năm trở lên; đất đáp ứng đủ diện tích, có đất thương mại, dịch vụ... Trong khi đó, tỉnh lại chưa quy định hỗ trợ về đất đai, mặt bằng xây dựng.

Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Nghị quyết hỗ trợ là đúng và cần thiết nhưng công tác tuyên truyền, vận động triển khai lại hạn chế, thiếu sự phối hợp; hệ thống chỉ đạo sản xuất còn yếu kém; năng lực nội tại của các đối tượng thụ hưởng chính sách còn yếu, nhất là của đơn vị chủ trì liên kết; liên kết sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Một số chính sách ban hành chưa phù hợp thực tế dẫn quá trình triển khai khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời.

Trước những vấn đề này, Hội đồng nhân tỉnh Bắc Kạn đã quyết định giám sát việc thực hiện các nghị quyết hỗ trợ, yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành liên quan và địa phương giải trình để chỉ rõ hạn chế, xem xét ban hành nghị quyết mới thay thế.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh, trước mắt, yêu cầu phân công một cơ quan làm đầu mối theo dõi, tham mưu việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng. Việc xây dựng chính sách hỗ trợ mới phải bảo đảm không trùng lặp với các chính sách của Trung ương; phù hợp với điều kiện thực tiễn, phát huy, khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.