Bảo vệ tuyến đầu sản xuất

Việt Nam hiện có 16 triệu công nhân, lao động (CNLĐ) đang làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX), hằng năm trực tiếp sản xuất tạo ra 60% tổng sản phẩm trong nước, đóng góp 70% ngân sách nhà nước. Cùng với các lực lượng tuyến đầu khác, CNLĐ trở thành những “chiến sĩ” thầm lặng trên mặt trận kinh tế, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển sản xuất, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm đạt 5,64%. Họ  xứng đáng được bảo vệ ngay cả khi chúng ta bước vào trạng thái bình thường mới.

Người lao động của Công ty cổ phần May Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) được tổ chức sinh hoạt tại chỗ để vừa chống dịch vừa sản xuất. Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Người lao động của Công ty cổ phần May Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) được tổ chức sinh hoạt tại chỗ để vừa chống dịch vừa sản xuất. Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Bài 1: Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn

Bảo vệ tuyến đầu sản xuất -0
Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong khu vực bị phong tỏa, cách ly. Ảnh: HỒNG ĐÀO 

Hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh hiện đang có những diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp. Với tổng số CNLĐ đang làm việc tại các KCN-KCX lên tới bốn triệu người, chiếm 1/4 số lượng CNLĐ cả nước, việc có bị đứt gãy chuỗi sản xuất hay không phụ thuộc lớn vào công tác phòng, chống dịch, cũng như bảo vệ CNLĐ trước làn sóng dịch bệnh tấn công. 

Công đoàn - một trong các lực lượng tuyến đầu chống dịch

Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN), số CNLĐ hiện thuê nhà ở tại các khu trọ kế cận nhà máy, KCN đông. Việc lây lan dịch bệnh từ nhà trọ vào nhà máy, từ nhà máy loang vào KCN là vấn đề đáng lo ngại. Theo báo cáo từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương, tính đến chiều 20/7, toàn tỉnh có khoảng 552 đơn vị, DN với  53.305 CNLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Đã có 52 DN trong và ngoài KCN ghi nhận có CNLĐ nhiễm Covid-19. Tính đến chiều 20/7, các cấp công đoàn Bình Dương hỗ trợ 2.337 CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ 500 nghìn đồng đến ba triệu đồng/người, tổng số tiền gần 3,14 tỷ đồng. Chị Phạm Thị Thu Hương, công nhân Nhà máy Pung Kook Sài Gòn 3 (phường An Phú, TP Thuận An, Bình Dương) chia sẻ: “Khi khu nhà trọ phong tỏa, ban đầu, chúng tôi không tránh khỏi những lo lắng nhất định. Tuy nhiên,  nhận được hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, mì gói, rau củ quả, thịt, cá từ công đoàn, chính quyền, đơn vị, khu nhà trọ, giúp chúng tôi yên tâm giãn cách, chờ ngày quay trở lại công ty”.  Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, các cấp công đoàn bám sát, chủ động nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của CNLĐ, tiếp tục khẩn trương rà soát các trường hợp F0, F1 và  người lao động (NLĐ) buộc phải nghỉ việc, hỗ trợ kịp thời. Tích cực huy động nhiều nguồn lực chung tay, góp sức cùng chăm lo đoàn viên, NLĐ; phối hợp chính quyền, các tổ chức đoàn, hội vận động các cơ sở kinh doanh, chủ nhà trọ miễn, giảm, giãn thời gian đóng tiền thuê trọ cho NLĐ.

Tại TP Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của 1,6 triệu người đang lao động tại hàng nghìn DN. Tính đến nay,  thành phố có  gần ba nghìn công nhân, viên chức, lao động là F0, hơn 12 nghìn trường hợp là F1. Tuy còn muôn vàn khó khăn, số lượng CNLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh lớn, nhưng các chế độ, chính sách chăm lo của các cấp công đoàn TP Hồ Chí Minh đã kịp thời giúp NLĐ vượt qua khó khăn ban đầu. Cách đây hai tuần, nơi ở của chị Nguyễn Thị Chung, công nhân Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc (quận 12) nằm trong diện phong tỏa do có ca F0. Liền sau đó, công đoàn công ty thông báo chị Chung được thanh toán 70% lương trong thời gian 12 ngày cách ly, trừ hai ngày thứ bảy, chủ nhật theo đúng Luật Lao động. Chị Chung vui mừng chia sẻ, khi nhận thông tin, chị thấy yên tâm cách ly, chờ ngày quay lại làm việc. LĐLĐ TP Hồ Chí Minh  tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đoàn viên công đoàn, NLĐ, tổng kinh phí hơn 12,5 tỷ  đồng. Đã có gần tám nghìn CNLĐ được hỗ trợ theo Quyết định 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, số tiền gần 5,9 tỷ đồng; chi gần 1,5 tỷ đồng trợ giúp 7.642 công nhân theo Phương án 03 của LĐLĐ TP Hồ Chí Minh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ nhắn tin ủng hộ chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và Quỹ ủng hộ chương trình mua vắc-xin, được gần 7,7 tỷ đồng.

Tỉnh Đồng Nai có 1,2 triệu CNLĐ đang làm việc tại các DN, trong đó khoảng 70% là lao động nhập cư. Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Nông Văn Dũng cho biết, tính đến ngày 21/7, có 250 DN với khoảng 352 nghìn CNLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh, chủ yếu ở khối sản xuất may mặc, giày da. Tại các DN có hàng chục nghìn công nhân đều đã xuất hiện F0. Hàng chục nghìn công nhân sinh sống ở các phường, xã bị phong tỏa, không thể đến nhà máy làm việc. Nhiều DN ở Đồng Nai chủ động cho công nhân nghỉ việc tạm thời. LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài chăm lo tối đa về tinh thần, vật chất cho đoàn viên, NLĐ, công đoàn tỉnh có văn bản kiến nghị UBND tỉnh xem xét ưu tiên phân bổ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho CNLĐ sớm nhất có thể.

Cán bộ công đoàn các cấp đã và đang lăn lộn, bám cơ sở, sát cánh, ngày đêm chia sẻ, đồng hành với đoàn viên, NLĐ. Một bộ phận cán bộ công đoàn Việt Nam đã trở thành lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang ghi nhận: Những cán bộ công đoàn là minh chứng rõ nét nhất về phương châm: ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn. Các cấp công đoàn  phát huy tinh thần, trách nhiệm, tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; cử cán bộ trực tiếp bám sát cơ sở ở những điểm nóng hỗ trợ CNLĐ; công đoàn cơ sở xung kích tham gia các tổ phòng, chống Covid-19 tại DN. Đã xuất nhiệu nhiều cách làm sáng tạo, thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, mang đậm dấu ấn công đoàn,  với nhiều mô hình: Tổ an toàn Covid-19, Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng, tổ chức đi chợ cho công nhân...

Còn đó những khó khăn

Theo thông tin chung từ LĐLĐ các tỉnh phía nam, khi dịch Covid-19 xâm nhập vào một số DN có hơn một nghìn lao động, thời gian đầu, trong lúc chờ cơ quan chức năng khoanh vùng, truy vết, NLĐ phải sinh hoạt trong không gian thiếu thốn, chật hẹp. Do số lượng CNLĐ đông, việc chờ đợi sàng lọc, phân tách kéo dài, dẫn đến tư tưởng NLĐ dễ hoang mang, dao động, phản ứng, nhất là ở các DN đã có ca mắc Covid-19 nhưng vẫn bố trí cho công nhân sản xuất. Một số DN bị động vì phải lo chỗ ăn ở cho công nhân tại nhà máy khi phát hiện có ca mắc Covid-19, dẫn đến đời sống NLĐ chưa được bảo đảm. Điển hình như sự việc xảy ra tại Công ty TNHH Ampacs International, Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương), vào giờ tan ca CNLĐ đã không giữ được bình tĩnh, xô cổng ra về sau khi nghe tin nhà máy có ca nhiễm Covid-19. Ngay sáng hôm sau, chính quyền địa phương và công đoàn đã kịp thời vận động CNLĐ quay lại làm việc, xét nghiệm, truy vết Covid-19.

Mặc dù công đoàn các cấp đã có nhiều động thái kịp thời hỗ trợ đoàn viên, NLĐ nhưng việc chi hỗ trợ cho đối tượng này tại các tỉnh, thành phố phía nam hiện còn chậm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp so với tổng số CNLĐ bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là ban chấp hành công đoàn cơ sở và công nhân đang cách ly tập trung. Hồ sơ xác nhận các đối tượng được chi trả hỗ trợ do công đoàn cơ sở gửi lên chưa đầy đủ theo hướng dẫn, quy định. Việc tiếp cận NLĐ trong khu cách ly, phong tỏa khó khăn. Khắc phục thực tế này, trước mắt LĐLĐ các tỉnh, thành phố chỉ đạo công đoàn các cấp chi trả theo hình thức chuyển khoản đến tài khoản cá nhân NLĐ. 

Thời gian tới, LĐLĐ các tỉnh, thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về quy trình hỗ trợ DN, NLĐ gặp khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ; chỉ đạo công đoàn cơ sở duy trì liên tục việc nắm thông tin, rà soát các trường hợp CNLĐ là các F0, F1, F2, phối hợp chủ DN chủ động ứng phó các tình huống phát sinh khẩn cấp: phong tỏa, tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, lấy mẫu xét nghiệm tập trung, chuẩn bị đầy đủ nhân, vật lực. Báo cáo cơ quan chức năng các DN không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch; thường xuyên phối hợp y tế địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng để CNLĐ không hoang mang dao động, yên tâm sản xuất, cách ly.

(Còn nữa)