Bảo đảm kết nối, cung ứng hàng hóa nông sản cho thành phố Hà Nội

NDO -

Trong điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, sáng 31/7, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía bắc trong điều kiện dịch Covid-19 đã họp trực tuyến với các đơn vị liên quan về thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Sản phẩm nông nghiệp của các địa phương tiêu thụ nhiều tại thành phố Hà Nội (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Sản phẩm nông nghiệp của các địa phương tiêu thụ nhiều tại thành phố Hà Nội (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Chủ động, linh hoạt cung - cầu nông sản

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, mặc dù gặp một số khó khăn do dịch Covid-19 nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tương đối ổn định, ước đạt tăng trưởng 3,09% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên địa bàn thành phố có khoảng 400 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 235 doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở có quy mô hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể. Các doanh nghiệp tham gia chế biến ba sản phẩm chủ lực là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%), sản lượng cung cấp khoảng hơn 1.000 tấn/tháng, trong khi nhu cầu về sản phẩm chế biến của thành phố hiện là 5.165 tấn, chủ yếu nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Để bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh dịch Covid-19, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Sở Công thương rà soát, dự báo, thống kê vùng sản xuất đến thời điểm thu hoạch trong năm 2021. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, nhất là 21 tỉnh phía bắc trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội để kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản thiết yếu phục vụ người tiêu dùng thủ đô; Đồng thời chỉ đạo các chi cục chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn.

Về công tác tiêu thụ, quyền Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện nay, tình hình lưu thông tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố vẫn ổn định. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch bệnh phức tạp hơn, tính đến cả trường hợp các tỉnh lân cận có dịch dẫn đến kiểm soát chặt chẽ hơn về lưu thông hàng hóa thì cần ngay lập tức có sự thống nhất trong phối hợp điều hành thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khâu vận chuyển, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở cũng dự trù các điểm bán hàng lưu động để phục vụ các khu phong tỏa… 

Bảo đảm nguồn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, việc bảo đảm sản xuất nông nghiệp và kết nối, cung ứng hàng hóa nông, lâm, thủy giữa Hà Nội và các tỉnh phục vụ người dân trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19 là hết sức quan trọng nhằm đạt mục tiêu vừa ổn định sản xuất vừa làm tốt công tác lưu thông phân phối hàng hóa. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề lưu thông vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất, giữ vững các chu kỳ sản xuất nông nghiệp để không ảnh hưởng đến nguồn cung.

Để làm tốt các vấn đề đó, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã tăng cường hợp tác, kết nối các sản phẩm nông sản từ các tỉnh, thành phố, trọng tâm phối hợp 21 tỉnh, thành phố phía bắc, xây dựng 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho thành phố Hà Nội. Trong đó, tập trung phối hợp tiêu thụ rau, củ quả với 8 tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên và Sơn La; Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh (Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên…) trong việc thông tin vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật đưa về Hà Nội; Tiếp tục thực hiện kiểm soát tốt sản phẩm tiêu thụ của các tỉnh, thành phố tại chợ cá Yên Sở.  Các xe chở thủy sản vào Hà Nội thực hiện kiểm tra tại chốt Yên Sở.

Ngoài ra, duy trì 113 kho lạnh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Đây là những kho hàng giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản tích trữ, bảo đảm phân phối và lưu thông hàng hóa.

Đồng thời, phối hợp Sở Công thương theo dõi, tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời; Triển khai đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối hiện đại... thực hiện phương án bảo đảm nguồn hàng trong tình hình dịch bệnh.

Cụ thể như: tăng nguồn hàng dự trữ, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng: trực tuyến, bán hàng đồng giá, bán hàng đăng ký trước...