Bảo đảm an toàn hoạt động quỹ tín dụng nhân dân

Nhằm siết chặt, bảo đảm an toàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Dự thảo thông tư quy định về QTDND và đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo này. Theo các thành viên QTDND cũng như các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, dự thảo về cơ bản đã tạo ra một hành lang thống nhất cho hoạt động của hệ thống này, đưa các QTDND vào hoạt động đúng quỹ đạo, mục tiêu đã định.

Khách hàng giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Vạn Trạch (Quảng Bình).
Khách hàng giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Vạn Trạch (Quảng Bình).

Theo dự thảo thông tư, phạm vi hoạt động của QTDND sẽ trong địa bàn một xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã). QTDND được xem xét chấp thuận địa bàn hoạt động liên xã cũng chỉ dừng lại ở các xã liền kề với xã nơi QTDND đặt trụ sở chính thuộc phạm vi trong cùng quận, huyện, thị xã. Đồng thời, QTDND phải đáp ứng các quy định của NHNN về thành viên, vốn, quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động... và phải được NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chấp thuận bằng văn bản. Quy định này khi có hiệu lực sẽ khiến các QTDND có quy mô lớn sẽ phải tái cấu trúc, thu hẹp lại địa bàn hoạt động nếu không đủ năng lực.

Cũng để giải quyết bài toán các QTDND có quy mô và hoạt động như một ngân hàng trên địa bàn, dự thảo thông tư quy định QTDND không được cho vay bảo đảm bằng Sổ góp vốn của thành viên. Mức cho vay của QTDND đối với thành viên là pháp nhân không được vượt quá số dư tiền gửi của pháp nhân đó tại QTDND tại thời điểm cho vay. Đối với khách hàng là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên, tổng số tiền cho vay và tiền lãi cho các đối tượng này không được vượt quá số dư của sổ tiền gửi tại thời điểm quyết định cho vay và thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn còn lại của sổ tiền gửi.

QTDND phải báo cáo Đại hội thành viên QTDND các khoản cho vay đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc của QTDND phát sinh trước thời điểm họp Đại hội thành viên; báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi phát sinh các khoản cho vay cho các đối tượng này. Đối với những khoản cho vay có giá trị lớn, rủi ro cao, về nguyên tắc trước khi xét duyệt cho vay QTDND phải có ý kiến thẩm định của nhóm hoặc tổ thẩm định độc lập.

Đây là một nội dung rất quan trọng góp phần bảo đảm an toàn cho các QTDND. Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cho biết: "Những vụ việc gần đây đều cho thấy những khoản vay lớn thường mang hậu quả xấu đến với QTDND.

Và khi nói rằng một số nhân vật có chức, có quyền cần phải công khai minh bạch hơn hoạt động vay mượn của mình ở QTDND là có cơ sở, bởi phần lớn những đổ bể, khó khăn vừa qua của QTDND đều dính dáng đến những đối tượng này".

Một trong những vấn đề đặt ra với hệ thống QTDND thời gian qua là tính liên kết giữa chính các thành viên trong Quỹ yếu vì tính ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi chưa cao. Nhiều người dân chỉ trở thành thành viên của Quỹ khi có nhu cầu về vốn và sau khi được đáp ứng, trả hết nợ họ cũng quên luôn sự hiện diện góp vốn của mình trong QTDND, dẫn đến lượng thành viên ảo khá lớn.

Vì vậy, nhiều thành viên đồng thuận với quy định tại dự thảo là tăng mức đóng góp tối thiểu xác lập tư cách thành viên và nên có mức vốn góp tối thiểu thường niên để các thành viên gắn kết hơn với hoạt động của QTDND cùng với việc nâng dần quy mô của Quỹ. Song một số QTDND thành viên lo lắng khi cho rằng mức vốn góp xác lập tư cách thành viên tối thiểu là 500 nghìn đồng, mức vốn góp thường niên tối thiểu là 250 nghìn đồng là khá cao, khó thu hút được người dân tham gia và duy trì là thành viên thường niên. Nhất là đối với các xã nghèo vùng sâu, vùng xa, việc ngay lập tức có 750.000 đồng đóng góp vào quỹ để được giao dịch vốn là một điều không dễ.

"Đây sẽ là một rào cản cho các thành viên tham gia QTDND khi mà cuộc cạnh tranh của các TCTD trên địa bàn nông thôn đang trở nên mạnh hơn và họ có lợi thế về lãi suất cho vay hơn các QTDND", ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc QTDND Tề Lỗ (Vĩnh Phúc) cho biết. Theo ông, mức vốn góp xác lập tư cách thành viên chỉ nên là 100 nghìn đồng và có thể điều chỉnh mức vốn góp của thành viên tối đa theo văn bản cũ.

Theo các QTDND, quy định này càng làm khó thêm cho các QTDND trong việc triển khai thực hiện quy định mới trong dự thảo "Tổng mức nhận tiền gửi từ khách hàng là thành viên của QTDND phải chiếm tối thiểu 75% tổng tiền gửi của QTDND".

Mặc dù, tại dự thảo cũng có sự linh hoạt về tỷ lệ mức huy động này khi đưa thêm điều kiện "hoặc một tỷ lệ khác do NHNN quy định cụ thể trong từng thời kỳ" song các QTDND thành viên vẫn cho rằng đó là một tỷ lệ khó thực hiện. Thực tế, ít có Quỹ đạt được mức huy động từ thành viên chiếm hơn 50% tổng huy động.

Trong khi bản thân các QTDND chưa tạo dựng được thương hiệu như các NHTM và cũng không có những chính sách khuyến mại lớn như các NHTM, dòng vốn này sẽ khó chảy vào QTDND. Năng lực tài chính của QTDND vì thế khó có cơ hội cải thiện, phụ thuộc hơn và gây áp lực đối với ngân hàng hợp tác. Đây cũng là lý do các thành viên cho rằng, NHNN nên nghiên cứu hỗ trợ hoạt động của các QTDND trong lần tái cấu trúc này và xa hơn là để tham gia vào lộ trình tới đây của NHNN là tăng độ bao phủ của các QTDND trên toàn quốc.