Bàn giải pháp ứng phó hạn, mặn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO -

Ngày 17-9, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị triển khai giải pháp phòng, chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn quả (CĂQ) đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020-2021.

Người dân Tiền Giang dùng nhiều vật dụng để lấy nước ngọt về tưới cho cây trồng trong mùa khô 2019-2020 vừa qua.
Người dân Tiền Giang dùng nhiều vật dụng để lấy nước ngọt về tưới cho cây trồng trong mùa khô 2019-2020 vừa qua.

Theo Bộ NN-PTNT, mùa khô 2019-2020, diện tích CĂQ vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn khoảng 25,12 nghìn ha, trong đó, diện tích thiệt hại hơn 70% chiếm khoảng 11 nghìn ha. Cây sầu riêng bị thiệt hại nặng nhất, với hơn 9,6 nghìn ha; bưởi hơn 5,7 nghìn ha, chôm chôm 4,6 nghìn ha, chanh 2,3 nghìn ha… Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất.

Trong năm 2020-2021, theo dự báo, mặn có thể xuất hiện sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 20 km, thấp hơn năm 2019-2020 khoảng 7 đến 13 km và cũng có thể tương đương với năm 2015-2016, cá biệt có những thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương năm 2019-2020.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng khuyến cáo: Các địa phương cần rà soát quy hoạch lại vùng trồng, đẩy mạnh việc chuyển đổi, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với các vùng như: lũ, ngọt; mặn, lợ. Ngoài ra, các địa phương cũng cần xây dựng lại hệ thống thủy lợi theo hướng khép kín, tích trữ nước tối đa trong mùa khô…

Đối với công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn quả, đến nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã được cấp gần 1.000 mã số, trong đó, thị trường Hoa Kỳ được cấp hơn 470, Australia và New Zealand khoảng 390, Hàn Quốc gần 200… Ngoài ra, 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất sang các thị trường này.