Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long

Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long
cv2.jpg -0

Là vùng đất trù phú, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước nhưng hiện nay đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang xuất hiện một tình trạng đáng lo ngại là nhiều người dân tìm cách di cư tới miền đất mới mưu sinh, lập nghiệp. Mong muốn và nỗ lực để có điều kiện sống tốt hơn là điều cần khuyến khích, nhưng về lâu dài nếu không có hướng giải quyết phù hợp, nguy cơ sẽ nảy sinh không ít hệ lụy xã hội. 

sub1.jpg -0

Nhiều khu vực nông thôn ĐBSCL đang xảy ra những nghịch lý đáng báo động, khi vùng đất đông đúc với hơn 17 triệu dân (chiếm 19% dân số cả nước) lại thiếu lao động cục bộ vào mùa vụ. Không ít ngôi nhà vô chủ, hoặc chỉ có người già và trẻ nhỏ. Nhiều trẻ em thiếu sự chăm sóc, học hành chu đáo của bố mẹ, còn người cao tuổi phải gánh vác việc gia đình.

 
Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long -0

Ngược dòng Châu Giang, chúng tôi tìm đến vùng đất đầu nguồn huyện An Phú, tỉnh An Giang, nơi có hơn 29.000 người di cư, đi làm ăn xa. Theo khảo sát, phần lớn người di cư thuộc địa phương này đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Cá biệt, có những khu vực đồng bào di chuyển cả gia đình. Phân tích số liệu dân số ở xã Vĩnh Trường, huyện An Phú cho thấy, ấp LaMa có số người di cư lao động tới gần 400 hộ, chiếm gần 70% số hộ của ấp. Hiện nay, số nóc nhà ở ấp vẫn vậy, nhưng rất nhiều nhà không người ở, hoặc chỉ có người già và trẻ nhỏ.

Ông Huỳnh Văn Cuộc, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp cho biết, nhiều người dân ở đây sống phụ thuộc vào nghề buôn bán, do giỏi giang, siêng năng, vì vậy đa phần các gia đình đi xa đều khấm khá. “Nhiều người dân tâm sự, họ cũng không muốn bỏ quê hương xứ sở ra đi bởi mảnh đất này họ đã gắn bó qua hai, ba thế hệ. Nhưng vì cuộc sống, vì kế sinh nhai và tình thế bắt buộc bởi nơi này ít cơ sở làm ăn, buôn bán cũng không phát triển được…”, ông Cuộc không khỏi ưu tư.

QUE1-1624460310126.jpg

 Chúng tôi tìm đến ấp Vĩnh Thuấn, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú. Trò chuyện với bà Trần Thị Năm, hiểu thêm nhiều về tâm tư của người ở lại. Bà Năm đã ngoài 60 tuổi, chồng bà cũng trạc tuổi ấy. Ở tuổi này, sức khỏe đã yếu, vậy mà bà vẫn phải nuôi đến bốn đứa cháu, lớn nhất đang học lớp 12, nhỏ nhất mới 20 tháng tuổi. Từng có ít đất do cha mẹ để lại nhưng vì làm ăn thua lỗ, bà đã cầm cố rồi bán hết từ lâu. Giờ đây nguồn thu nhập chính của sáu miệng ăn cùng tiền học của các cháu phải trông chờ cả vào mấy đứa con đi làm ăn xa gửi về. Cả ba người con (hai gái, một trai) của bà đều lên Bình Dương làm công nhân đã gần sáu năm. “Cuộc sống chưa thay đổi gì nhiều, nhưng tụi nhỏ thì mỗi năm chỉ được gặp cha mẹ có một lần”, bà Năm cho biết.

 Ông Trần Văn Sang, hàng xóm của bà Năm chia sẻ: “Ở quê tôi bây giờ mọi người đi làm ăn xa nhiều lắm! Tôi thấy đi xa cũng hiệu quả, nhưng còn tùy hoàn cảnh sinh hoạt, phải biết gói ghém mới có dư, nếu không thì cũng chỉ qua ngày thôi. Như mấy đứa con của bà Năm đi biền biệt, Tết mới về nhà, vậy mà có thấy dư giả gì đâu. Gần đây lại dịch Covid-19, có lẽ công việc không tốt nên tụi nhỏ thường xuyên gửi tiền về muộn, bà Năm phải chạy vạy mượn tiền hàng xóm để lo cho các cháu”... Em Lê Quốc Nam ở ấp Phước Tiên, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, năm nay chín tuổi. Cũng ngần ấy thời gian em thiếu vắng tình thương của cha. Cha qua đời khi em còn nhỏ, nhà không đất sản xuất, mẹ đành gửi em cho ông bà ngoại để đi tìm việc làm. Ông ngoại Lê Văn Út, 66 tuổi, già yếu, bệnh tật mà vẫn phải loay hoay với tiệm tạp hóa và chăm sóc Nam cùng hai đứa cháu khác.

PIC1-1624457728641.jpg

“Tuổi ngày càng cao, nay đau mai yếu, hoàn cảnh kinh tế luôn chật vật, thiếu trước hụt sau. Nhiều lúc, tôi mệt mỏi lắm, nhưng con mình nó nghèo phải đi làm xa, cháu mình thì phải chăm sóc chứ bỏ cho ai được nên phải cố gắng thôi”, ông tâm sự.

Ấp Xóm Mới, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi là vùng chuyên nuôi tôm của tỉnh Cà Mau. Nhờ chủ trương xây dựng nông thôn mới nên đường làng khá khang trang, sạch đẹp; nhưng Xóm Mới lại vắng vẻ, đìu hiu.

QUE22-1624460588696.jpg

Lao động nông thôn rời quê lên phố khá phổ biến ở Cà Mau, nhất là ở các vùng chuyên nuôi tôm. Những năm gần đây, canh tác truyền thống không mang lại hiệu quả nên nhiều hộ dù còn yếu về vốn và kỹ thuật nhưng mạo hiểm chuyển sang nuôi thâm canh. Đó được xem là “canh bạc” với nhà nông, vì nếu thắng đậm vài vụ, nhà nông lên đời thành tỷ phú. Ngược lại thì tay trắng phải bỏ xứ đi làm thuê kiếm tiền trả nợ, phổ biến nhất là tới TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… làm công nhân.Đêm xuống, bên ly trà nhạt, chú Út Vân (Nguyễn Chí Vân) giọng buồn xo: “Xứ này giờ toàn người già, trẻ nhỏ, tụi thanh niên đã bỏ quê lên phố gần hết rồi!”. Ở đây, bình quân mỗi gia đình có 1-3 ha đất. Nếu chăm chỉ làm lụng và được mùa tôm, chừng ấy diện tích có thể giúp nhà nông sống được ở mức trung bình. Nhưng khi đất đai hạn hẹp, lao động dôi dư thì thu nhập và cuộc sống khó khăn hơn. Vì vậy, thanh niên, trai tráng ở Xóm Mới dần lên phố tìm việc. Như bà Nguyễn Thị Đến, chị của Út Vân có bốn người con thì ba người đi làm ở TP Hồ Chí Minh, chỉ cậu út trụ lại quê chăm lo cha mẹ già. Chú Út Vân cũng đang lo vì anh con trai lớn dự tính ở lại TP Hồ Chí Minh tìm việc khi học xong bằng lái xe.

Chú Sáu Bảo (Chung Kỳ Bảo), một hộ nuôi tôm kỳ cựu ở ấp Tấn Ngọc Đông, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi lý giải: nếu gia đình có 10 công đất nuôi tôm theo kiểu cũ, họ sẵn sàng cho mướn lại để đi làm ở Bình Dương. Vì chắc chắn nuôi tôm không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Còn nếu chuyển qua nuôi thâm canh khi chưa nắm vững kỹ thuật và yếu vốn, chỉ một hai vụ được mùa mất giá hoặc làm kiểu “cầu may” nên rất dễ thất bại. 

Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long -0

Theo Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright công bố, dân số vùng ĐBSCL giai đoạn 2009 - 2019 thay đổi không đáng kể. Cụ thể, theo kết quả điều tra dân số và nhà ở, dân số toàn vùng ĐBSCL vào năm 2009 là 17,2 triệu người, đến tháng 4-2019 là 17,3 triệu người. Riêng dân số thành thị chỉ tăng 0,98%/năm và dân số tăng bình quân là 0,05%/năm, một kết quả rất khiêm tốn so với tỷ lệ 2,62% và 1,14% của dân số cả nước. Một so sánh khác, trong 10 năm, dân số thành thị của ĐBSCL chỉ tăng 403 nghìn người, trong khi tổng dân số chiếm gần 18% dân số cả nước. Điều đó cho thấy khoảng cách về dân số đô thị của ĐBSCL so với cả nước đang chênh lệch theo chiều hướng giảm dần.

Đối nghịch với số dân tăng hằng năm và toàn giai đoạn, có đến 1,1 triệu người lần lượt bỏ xứ ra đi kiếm kế sinh nhai. Trao đổi tại buổi công bố báo cáo, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, nếu tình trạng di dân tiếp tục như hiện nay, thì đến năm 2030, khả năng cao là dân số của vùng ĐBSCL còn chưa đến 17 triệu người.

Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long -0

 Cụ thể, trong 10 năm qua, tỉnh An Giang có lượng dân rời đi cao nhất với khoảng 200 nghìn người; kế đến là các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, mỗi tỉnh trên 100 nghìn người. Theo nhận định của Cục Thống kê tỉnh, An Giang có số lượng di dân khỏi địa phương nhiều nhất trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước. Theo đó, tỷ lệ tăng dân số bình quân của An Giang giai đoạn 1999 - 2009 tăng 0,47%/năm, giai đoạn 2009 - 2019 giảm 1,16%/năm; so với 10 năm trước, dân số giảm gần 229.000 người, hầu hết ở khu vực nông thôn, nhóm người đi làm ăn ngoài tỉnh và một bộ phận sinh viên học xa nhà. Còn ở Cà Mau, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tỉnh đón hơn 100 nghìn con em là những người đang lao động, học tập, làm việc ngoài tỉnh về quê ăn Tết. Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Cà Mau, giai đoạn từ năm 2016 - 2020 có 125.209 người đi lao động ngoài tỉnh, bình quân mỗi năm có khoảng 25.000 lao động làm việc ngoài tỉnh. Trong đó, lao động vùng nông thôn đi là 100.885 người, phần lớn do ít đất hoặc không có đất sản xuất, thiếu việc làm. 

Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long -0

Ra đi vì lẽ sống, mưu sinh, đổi đời cũng là một tất yếu, có ý nghĩa tích cực; tuy nhiên cũng nảy sinh những bất cập đáng quan tâm. Đó là sự chênh lệch về số dân giữa nông thôn với thành thị, giữa thành thị đồng bằng châu thổ với các thành phố lớn, thành phố đang phát triển. Hệ lụy là những vấn đề xã hội nhức nhối. Đó là cảnh nhiều thôn, ấp thiếu vắng bóng người, ruộng nương không ai cày cấy, nhà cửa không người trông nom. Nhiều trẻ em do thiếu vắng tình thương của cha mẹ, không được chăm sóc dạy dỗ chu đáo, không được học hành trở nên ngỗ nghịch, sa ngã, vi phạm pháp luật... Năm 2019, tỷ lệ đi học chung của ĐBSCL là 60%, thấp nhất cả nước; tỷ lệ đi học đúng tuổi chỉ đạt 55%. Bên cạnh đó là một bộ phận người lớn dù đã quá tuổi lao động nhưng vẫn phải làm trụ cột bất đắc dĩ trong gia đình...

 
Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long -0

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân di cư tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Ðiều đó đang đòi hỏi phải có những quyết sách, chiến lược mang tầm vĩ mô. Trong đó, có việc cần nhanh chóng triển khai, giải quyết như tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông… tạo điều kiện để vùng đất "Chín Rồng" cất cánh, trở thành miền đất hấp dẫn.

Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long -0

 

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng: "Sự chênh lệch về mức sống và thiếu cơ hội kinh tế là hai nguyên nhân quan trọng thúc đẩy tình trạng di cư của người dân ÐBSCL về TP Hồ Chí Minh và miền Ðông Nam Bộ. Ðể khắc phục, ÐBSCL cần được phát triển như một vùng đất "đáng sống", với những cơ hội việc làm phù hợp và điều kiện sống thuận lợi hơn như môi trường và hạ tầng".

Báo cáo kinh tế thường niên ÐBSCL năm 2020 chỉ ra nguyên nhân khiến tỷ lệ người dân di cư cao, đó là tình trạng đầu tư đô thị hóa còn chậm. Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa của cả vùng trong 10 năm chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%; trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%. Ðô thị ÐBSCL không phát triển nên chưa tạo được nhiều giá trị kinh tế gắn với việc làm. Ngay cả bốn địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL là TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau cũng có sự sụt giảm so với cả nước. Phân tích trong "Tăng trưởng các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2011 - 2017" của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2011, bốn địa phương này chiếm 4,92% GDP của cả nước, đến năm 2017 chỉ còn 4,69%.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân cốt lõi vẫn xuất phát từ vấn đề thiếu việc làm. Tuy nhiên, việc làm lại phụ thuộc vào điều kiện gốc, đó là hạ tầng giao thông vùng ÐBSCL còn yếu kém; chỉ phục vụ di chuyển chứ chưa phục vụ nhu cầu phát triển. Nguồn nhân lực thời gian qua tại vùng ÐBSCL được cải thiện khá tốt, nhưng so với các địa phương khác vẫn thấp. Những yếu tố khách quan như tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan; hay các yếu tố chủ quan như việc xây dựng các con đập ở thượng nguồn dòng Mê Công cũng là những nguyên nhân dẫn đến điều kiện sinh kế của người dân ở đây giảm dần. Mặt khác, vùng đang dư thừa lao động khi nông thôn ngày càng được cơ giới hóa sản xuất, hạn chế sử dụng lao động thủ công…

Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long -0

 Thời gian qua, các địa phương có nhiều người di cư đi làm ăn xa đã có một số giải pháp. Cụ thể, tỉnh An Giang thực hiện khá tốt các chính sách hỗ trợ việc làm, như: chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề; vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ kinh phí, vay tín dụng với lãi suất ưu đãi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Qua đó, đã giúp nhiều lao động có việc làm ổn định. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh An Giang tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp khoảng 130.400 người, giải quyết việc làm cho hơn 154.000 lao động.

Tuy nhiên, theo số liệu từ ngành thống kê, trong các yếu tố ảnh hưởng đến biến động dân cư trên địa bàn tỉnh An Giang thì tỷ lệ xuất cư có khuynh hướng tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2016 là 1,04%, năm 2017 là 1,06%, năm 2018 là 1,19%. Bên cạnh đó, lực lượng lao động tại An Giang giảm qua từng năm: năm 2016 là hơn 1,127 triệu người, năm 2017 là hơn 1,096 triệu người, năm 2018 là 1,078 triệu và số liệu sơ bộ năm 2019 chỉ hơn 1,002 triệu người. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhìn nhận: "Ðây là một dấu hiệu chưa tốt trong vấn đề giải quyết việc làm, cho thấy lĩnh vực công nghiệp của tỉnh còn hạn chế, chưa thu hút được lao động. Bên cạnh đó, sự bất lợi về mặt địa lý, giao thông, kết nối giao thương hàng hóa trong khu vực cũng như các thành phố lớn chưa bảo đảm cũng là một rào cản, góp phần làm tăng tỷ lệ lao động rời khỏi An Giang".

Tại Cà Mau, vừa qua Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đã điều chỉnh cơ cấu kinh tế công nghiệp, xây dựng chiếm đến 67,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% trở lên (có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27% trở lên); giải quyết việc làm bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 40.000 người/năm và phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các chính sách của Cà Mau đang hướng đến xây dựng hoàn thiện nông thôn, tạo việc làm để "giữ chân" lao động tại chỗ. Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nguyễn Quốc Thanh, để giữ được lao động nông thôn cần có các chính sách đồng bộ về đầu tư hạ tầng, kêu gọi đầu tư, tạo dựng các làng nghề, các khu - cụm tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn, chính sách về đào tạo nghề và những đãi ngộ phù hợp khác. Bởi thay vì phải rời quê hương đến các thành phố lớn, người dân địa phương có thể làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở ngay tỉnh nhà, hoặc gần với quê hương mình sinh sống. Như thế, họ không phải thuê nhà, trang trải sinh hoạt với mức chi phí cao như người thành thị. Họ sẽ có tích lũy và gắn bó với quê hương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, tỉnh đang thu hút một số doanh nghiệp lớn thực hiện mô hình liên kết phát triển bền vững trong nông nghiệp. Doanh nghiệp sẽ đầu tư hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật, thuê đất của nông dân kiểu "tích tụ" ruộng đất để thực hiện những cánh đồng nuôi tôm kết hợp trồng lúa đạt chuẩn của các nhà nhập khẩu trên thế giới. Như vậy, nông dân vừa có thu nhập từ tiền cho thuê đất và thu nhập từ việc làm công nhân trên chính mảnh đất của mình. Ðây cũng là một trong những giải pháp cho bài toán "ly nông" nhưng không "ly hương".

Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long -0

 Thực tế cho thấy, vùng ÐBSCL chậm phát triển là do hạ tầng giao thông kém. Trong 1.300 km đường cao tốc của cả nước, ÐBSCL - nơi chiếm 19% dân số cả nước lại chỉ có vài chục km (tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương); tổng số đường cao tốc của 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ chưa bằng một nửa so với tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn 2005 - 2019 có hơn 60 dự án, công trình liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông tại ÐBSCL được triển khai, trong đó có khoảng 50 dự án, công trình đường bộ. Ðiều đó cho thấy nhu cầu về giao thông ở vùng đất "Chín Rồng" rất cấp thiết.

Theo số liệu mới cập nhật, đường bộ ÐBSCL có tổng chiều dài hệ thống quốc lộ là 2.539 km và cao tốc là 36 km, phân bố chủ yếu theo năm trục dọc và sáu trục ngang. Ðường thủy nội địa có tổng chiều dài 2.882 km. Ðường hàng hải với 12 cảng biển, 38 bến cảng với 4.687 km cầu cảng; sáu luồng hàng hải với tổng chiều dài 599,69 km. Cỡ tàu lớn nhất tiếp nhận là 10.000 DWT đầy tải và 20.000 DWT giảm tải (kênh Quan Chánh Bố và khu bến Cái Cui). Ðường hàng không có bốn cảng hàng không đang khai thác, gồm hai cảng quốc tế (Cần Thơ, Phú Quốc) và hai cảng nội địa (Rạch Giá, Cà Mau)… Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà quản lý và chuyên gia, hệ thống kết nối này chỉ ở mức cơ bản, chưa mang tính chiến lược cho phát triển vùng. ÐBSCL đang tồn tại một nghịch lý: là vùng xuất khẩu hàng đầu của cả nước, các sản phẩm nông nghiệp vươn tới 190 thị trường trên thế giới (vào năm 2020), trong khi hệ thống giao thông đường bộ còn nghèo nàn và hạn chế. Mạng lưới đường thủy nội địa tuy dày đặc nhưng năng lực vận chuyển thấp; hầu như con đường duy nhất đưa hàng hóa ÐBSCL ra thế giới chỉ có luồng tàu biển vào sông Hậu.

Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long -0

 Ngày 17-11-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đề ra mục tiêu tới năm 2050, tầm nhìn tới năm 2100 với các quan điểm chỉ đạo, chủ trương và định hướng chiến lược phát triển ÐBSCL, những giải pháp tổng thể và nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, có các vấn đề cấp bách như: hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều.

Nhiều ý kiến cho rằng, có nghị quyết đúng chỉ mới là bước đầu, quan trọng hơn là các tỉnh ÐBSCL phải cùng nhau đưa ra được chiến lược, chính sách và quy hoạch tổng thể vùng nhằm tạo điều kiện thuận lợi về môi trường, kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng… để có thể vận hành đồng loạt, điều phối sự phát triển toàn vùng một cách nhịp nhàng. Nghị quyết 120 đã làm được một số việc, nhưng rõ ràng so với yêu cầu, mong muốn, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của khu vực thì chưa được bao nhiêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận trong chuyến công tác gần đây tại TP Cần Thơ; đồng thời nêu rõ: ÐBSCL có nhiều tiềm năng lớn, nhưng chính sách, cơ chế còn hạn hẹp. Về giải pháp, Thủ tướng thông tin, hiện Chính phủ đã có kế hoạch cùng các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm giúp toàn vùng phát triển bền vững. Các tỉnh, thành phố trong khu vực phải chủ động hơn trong phát triển hệ thống giao thông, các địa phương cần đồng hành cùng Chính phủ xây dựng các tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng, Bạc Liêu - Cà Mau, từ Cần Thơ đi Campuchia…

Dự kiến sắp tới, TP Cần Thơ sẽ tích cực phối hợp các tỉnh ÐBSCL phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến thuộc hành lang trung tâm, như: cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau; đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh - Cà Mau; hệ thống hành lang ngang kết nối các cửa khẩu quốc tế tới hệ thống cảng biển và đô thị gồm: cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường thủy nội địa sông Tiền - sông Hậu. Sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác logistics và vận tải hàng không, bổ sung dịch vụ, kết nối đa phương thức phục vụ trao đổi hàng hóa giữa các trung tâm đầu mối trong vùng ÐBSCL. Bên cạnh đó, Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long -0

 Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề cần chú ý để thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người dân ÐBSCL. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi Ðại học Cần Thơ với vai trò là cơ sở đào tạo lớn nhất vùng cần chủ động xây dựng một hệ sinh thái các trường đại học để mở rộng đào tạo; chú ý xây dựng các chương trình học phù hợp dựa trên những lĩnh vực mà ÐBSCL đang có để tăng cường nguồn nhân lực tại chỗ, nhằm hạn chế tình trạng di dân…

Ðịnh hướng và giải pháp đã rõ, kỳ vọng ÐBSCL sẽ sớm có những đổi thay, thêm nhiều cung đường thông thoáng, giải quyết những điểm nghẽn của "mạch máu" giao thông; đồng thời tạo hệ sinh thái sáng tạo, thu hút và giữ chân nhân tài, xây dựng được nền kinh tế tri thức… giúp đất "Chín Rồng" sớm vươn lên phát triển xứng tầm cùng cả nước.

Bài toán di cư ở vùng châu thổ Cửu Long ảnh 16

Ngày xuất bản: 24-6-2021

Nội dung: PHƯƠNG LIÊN, VIỆT TIẾN, ĐĂNG ANH, HỮU TÙNG

Trình bày: NGUYỄN ĐĂNG