Bắc Ninh đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân

Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống nông dân, tỉnh Bắc Ninh tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân (HND) trong hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới...

Thực hiện đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Ban Ðiều hành Quỹ tỉnh đã tổ chức quản lý tốt các nguồn vốn được ủy thác và nguồn vốn hiện có; chủ động khai thác các nguồn vốn theo các kênh. Từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cơ sở hằng năm cân đối từ nguồn ngân sách để bổ sung cho Quỹ. Ðến nay tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt gần 88 tỷ đồng; bảo đảm nguồn vốn giải ngân cho gần 1.400 hộ nông dân thuộc 323 dự án, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 4.000 lao động. 10 năm qua toàn tỉnh đã tổ chức gần 1.300 lớp đào tạo nghề sơ cấp cho 39.197 học viên là hội viên, nông dân trong tỉnh. Các học viên sau khi được đào tạo nghề, tỷ lệ có việc làm bình quân đạt 78%.  

Ða dạng hóa các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp HND trong tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Bắc Giang, Công ty Phân bón Sông Gianh, Công ty Tân Phát, Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao... cung ứng gần 44 nghìn tấn giống, phân bón, chế phẩm vi sinh cho hội viên phục vụ sản xuất; góp phần hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng; bảo đảm phục vụ sản xuất kịp thời, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và lợi ích của nông dân.

HND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; duy trì hoạt động cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, HND các tỉnh, thành phố trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh... đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

* Năm 2020, Lâm Ðồng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn dưới 1,9%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 4,8%; huyện Ðam Rông thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo để cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015. Theo điều tra mới đây, toàn tỉnh còn 4.488 hộ nghèo, chiếm 1,32% số hộ trong tỉnh. Số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.793 hộ, chiếm 3,58% hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Trong đó, hộ nghèo về thu nhập là 3.794 hộ, chiếm 84,54%; hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ cơ bản là 694 hộ, chiếm hơn 15% số hộ nghèo toàn tỉnh.

Tỉnh Lâm Ðồng đã và đang tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho chương trình giảm nghèo bền vững. Các địa phương tạo điều kiện cho nông dân vay vốn sản xuất, hỗ trợ cung cấp giống cây trồng vật nuôi. Các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo. Các huyện, thành phố cân đối nguồn lực, tăng cường hỗ trợ hộ nghèo sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, hướng dẫn cách làm ăn,... để hộ nghèo tự lực sớm vươn lên thoát nghèo.

PV và TTXVN