Bắc Kạn phục hồi sản xuất trong tình hình mới

NDO -

Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, duy trì trạng thái bình thường mới, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh Bắc Kạn dần phục hồi. Nhiều nhà máy đã tuyển thêm công nhân, sản xuất nông nghiệp liên kết bền vững, tiêu thụ tốt. 

Hoạt động sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH Việt Nam Misaki tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới.
Hoạt động sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH Việt Nam Misaki tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới.

Sau một thời gian gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng vì dịch Covid-19, những ngày này, tại mỏ quặng sắt của Công ty Matexim ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn lại tấp nập công nhân vào ca. Những tháng qua, nhà máy này đã vận hành 100% công suất. Hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ thuận lợi, nhờ đó, hơn 100 công nhân của nhà máy đã có việc làm và thu nhập ổn định. Đây là điều rất phấn khởi nếu biết rằng trước đó hơn 1 năm, hoạt động sản xuất của công ty gần như đình trệ, công nhân bỏ làm vì không có thu nhập.

Giám đốc Chi nhánh Công ty Matexim Bắc Kạn Nguyễn Văn Cương cho biết, từ khi tái sản xuất đến nay, chi nhánh đảm bảo công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên. Mức thu nhập năm ngoái là 8 triệu đồng, thì năm 2021 đã tăng lên thành 9,6 triệu đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán, công ty dự kiến thưởng tết cho mỗi cán bộ, công nhân viên từ  2 đến 3 triệu đồng.

Tại huyện Chợ Đồn, thủ phủ công nghiệp khai khoáng của tỉnh Bắc Kạn, hầu hết sản xuất của các nhà máy đã trở về mức bình thường như trước đợt dịch lần thứ 4. Nhiều nhà máy đang liên tục tuyển thêm công nhân. Đặc biệt, các chuyên gia từ nơi khác đến cũng được tạo điều kiện thuận lợi để làm việc.

Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn Trần Văn Cường cho biết, trong ngành luyện kim, một số đơn vị đã đầu tư nâng công suất các dây chuyền, dự án; đầu tư thêm một số hạng mục dây chuyền giúp gia tăng giá trị sản phẩm cao hơn.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình liên kết sản xuất bền vững hình thành. Những ngày này, tại xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, nhiều nông dân phấn khởi thu hoạch củ cải khổng lồ, bán cho Công ty TNHH Việt Nam Misaki chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản. Trung bình mỗi củ cải nặng  từ 0,8 đến 1 kg/củ, có củ nặng tới 2kg, năng suất ước đạt 50 đến 60 tấn/ha. Công ty TNHH Việt Nam Misaki cam kết thu mua sản phẩm với giá 2.000 đồng/kg, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Việc liên kết, bao tiêu giúp người dân yên tâm sản xuất và mong muốn mở rộng diện tích gieo trồng.

Năm 2021, Bắc Kạn có 33 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được cấp kinh phí để thực hiện theo Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 8/6/2021 của UBND tỉnh với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thực hiện ở các huyện, thành phố, tập trung vào các loại giống mới chất lượng cao như: Liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây, ngô ngọt; rau bắp cải vụ đông, đậu xanh vụ mùa; trình diễn các giống lúa BQ và CNC11; quả mơ vàng; chè trung du, chè Shan tuyết; bò thương phẩm…

Thích ứng nhanh nhất là các làng nghề, hợp tác xã chế biến hàng nông sản đặc sản phục vụ tết Nguyên đán như chế biến miến dong, chế biến chè, và hàng thực phẩm khác. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, với lợi thế nhân công tại chỗ, lĩnh vực này đang phục hồi nhanh chóng. 

Giám đốc Hợp tác xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn) Nông Thanh Nhã cho biết, đơn vị sẵn sàng cung ứng đủ lượng hàng hóa thường xuyên, nhất là dịp Tết Nguyên đán tới. Hàng hóa sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã miến dong Tài Hoan (Na Rì) Nguyễn Thị Hoan cho biết, gần đến Tết, hiện tại, trung bình mỗi ngày Hợp tác xã nhận được từ 20 đến 30 đơn hàng. Số lượng miến đã đặt hàng từ các tỉnh hiện khoảng 40 tấn. Để đáp ứng nhu cầu dịp Tết, Hợp tác xã đã thực hiện sản phẩm với mẫu mã mới, bảo đảm cung ứng đầy đủ số lượng miến dong khách đặt hàng.

Bắc Kạn hiện có 304 hợp tác xã, trong đó có 213 hợp tác xã nông nghiệp. Hiện nay, các hợp tác xã đang đẩy mạnh sản xuất, liên kết, quảng bá để cung ứng hàng hóa trong dịp Tết Nhâm Dần. Số lượng Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Bắc Kạn năm 2021 đã tăng 133% so năm 2020. Tổng số thành viên là 1.762 thành viên với tổng vốn điều lệ là 229 tỷ đồng.

Nhiều hợp tác xã hoạt động đa ngành với các dịch vụ thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của thành viên và thị trường. Đã xuất hiện các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, như gạo bao thai, hồng không hạt, lê, chè, các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Hiện nay có 62 hợp tác xã thực hiện được việc cung cấp dịch vụ đầu vào; 14 hợp tác xã thực hiện việc bao tiêu sản phẩm cho thành viên.

Để khuyến khích phục hồi sản xuất, tỉnh Bắc Kạn thực hiện giảm thuế, phí, hệ thống ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ cho khách hàng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là đẩy mạnh thương mại điện tử được chú trọng.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, điều đáng mừng là lĩnh vực công nghiệp của tỉnh không chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 1.400 tỷ đồng, đạt hơn 95% kế hoạch. Hoạt động xuất nhập khẩu là điểm sáng khi lần đầu tiên tỉnh xuất khẩu hơn 20 triệu USD, tăng 173% so năm 2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021 đạt 3,6%, đạt 103% kế hoạch.

Thời gian qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại Bắc Kạn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân không khỏi lo lắng việc sản xuất đình trệ. Tuy nhiên, với tình hình như vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân càng thêm tin tưởng, góp sức vào phòng, chống dịch để thực hiện tốt mục tiêu kép.

Bắc Kạn phấn đấu năm 2022 sản lượng mặt hàng xuất khẩu như gỗ dán đạt hơn 130.000m3; thực phẩm chế biến từ mơ, gừng, kiệu, rau cải 1.380 tấn; bột đá thạch anh 20.000 tấn. Giá trị xuất khẩu hơn 36 triệu USD.