Khủng hoảng tài chính thế giới và những vấn đề của kinh tế Việt Nam

Tình hình kinh tế thế giới

Khủng hoảng đang lan nhanh từ khu vực tài chính sang khu vực kinh tế thực và tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu. Mỹ là tâm điểm của cuộc khủng hoảng và là nền kinh tế bị suy thoái nặng nề nhất. Báo cáo mới nhất của Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) chính thức xác nhận kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái từ cuối năm 2007 với những dấu hiệu rõ ràng như thất nghiệp gia tăng; doanh số bán lẻ giảm; thu nhập thực tế giảm và chỉ số tăng trưởng công nghiệp suy yếu dần. GDP của Mỹ đã giảm liên tục trong ba quý gần đây. Thị trường chứng khoán tụt dốc với chỉ số Ðao Giôn giảm 33%. Thị trường nhà đất tiếp tục đình trệ và chưa có dấu hiệu phục hồi. Ngành công nghiệp ô-tô của Mỹ, một ngành kinh tế then chốt liên quan hơn bốn triệu việc làm đang có nguy cơ sụp đổ. Nếu Chính phủ Mỹ không cứu trợ ngành này, thì đây có thể là một thảm họa mới giáng vào nền kinh tế Mỹ và thế giới. Ðã có 22 ngân hàng của Mỹ bị phá sản hoặc sáp nhập; hệ thống tài chính đang chống đỡ với những tổn thất nặng nề; khủng hoảng thanh khoản có thể đã qua (lãi suất liên ngân hàng Mỹ và quốc tế đã giảm mạnh từ hơn 6% xuống còn 1,5%/năm) nhưng cuộc khủng hoảng nợ xấu đang ập đến đe dọa sự tồn tại của nhiều ngân hàng thương mại Mỹ.

Khủng hoảng  cũng lan rộng và nhấn chìm kinh tế nhiều nước châu Âu, trước hết là Ai-xơ-len, tiếp đến U-crai-na, Thổ Nhĩ Kỳ, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri... các nền kinh tế lớn như Ðức, Anh, Pháp, I-ta-li-a cũng chính thức bước vào suy thoái.

Ở châu Á, kinh tế Pa-ki-xtan, Phi-li-pin đang xấu đi rất nhanh. Kinh tế Nhật Bản đã giảm liên tiếp trong hai quý. Xuất khẩu bị tổn hại rất lớn do đồng Yên tăng giá so với  USD. Chỉ số chứng khoán Ních-cây giảm 42%; doanh số bán lẻ giảm mạnh kể từ cuối quý II-2008. Kinh tế Trung Quốc cũng suy giảm mạnh kể từ tháng 9-2008. Chỉ số chứng khoán CSI đã giảm gần bốn lần so với đỉnh điểm hồi cuối năm 2007, thất nghiệp gia tăng, xuất khẩu giảm liên tục, hàng hóa ứ đọng với khối lượng rất lớn.

Các quốc gia dầu mỏ ở Trung Ðông, Nam Mỹ và Nga cũng đang đối mặt với hệ thống tài chính ốm yếu, đồng tiền mất giá từ 20% đến 25% so với USD.

Suy thoái kinh tế cũng kéo  theo việc giảm giá dầu thô trầm trọng. Giá nguyên vật liệu và khoáng sản đều giảm mạnh, giá nông sản xuống dốc thẳng đứng. Các yếu tố của lạm phát cầu kéo và chi phí đẩy đã đồng loạt đảo chiều. Tình trạng giảm phát xuất hiện trở lại ở Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, bất chấp lãi suất chỉ đạo đã xuống rất thấp và một lượng tiền lớn được bơm vào khu vực tài chính (lãi suất chỉ đạo của các Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Mỹ đã xuống mức 0 và gần 0).

Hàng loạt các nước và nền kinh tế tuyên bố áp dụng các gói cứu trợ và kích thích kinh tế với tổng dự toán lên tới hơn 3.000 tỷ USD chiếm từ 5% đến 30% GDP của các nước này (Mỹ có thể lên tới 2.500 tỷ USD; Anh: 850 tỷ; Trung Quốc: 586 tỷ; Liên hiệp châu Âu (EU): 200 tỷ; Nhật Bản: 255 tỷ; Ðài Loan (Trung Quốc): 127,5 tỷ, Hàn Quốc; 141 tỷ...). Các gói cứu trợ của EU, Nhật Bản, Mỹ tập trung trước hết cho khu vực tài chính; trong khi các nước khác tập trung chủ yếu cho kích cầu tiêu dùng nội địa, mà chủ yếu tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng, nhà ở, môi trường (rất có thể gói cứu trợ mới của Mỹ cũng sẽ theo hướng này - kích thích nội nhu). Tuy nhiên nhìn chung các gói cứu trợ đều thực hiện khá chậm do nhu cầu quá lớn và vấn đề quá mới. Cho đến nay ước tính mới chỉ giải ngân được khoảng một phần tư mức dự kiến. Tuy nhiên ánh sáng đầu tiên đã xuất hiện đáng khích lệ: thị trường tín dụng có dấu hiệu tăng trở lại sau hơn hai tháng đóng băng tại Mỹ, châu Âu và một số nước khác.

Các dự báo mới nhất cho thấy, kinh tế thế giới năm 2009 chỉ tăng 2,2%, kinh tế Mỹ giảm sâu: âm 7%; Nhật Bản và EU khoảng: âm 0,5%. Kinh tế châu Á tăng trưởng khoảng 5%; kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 7,5%. Dự kiến năm 2010, kinh tế thế giới phục hồi chậm. Tăng  trưởng GDP toàn cầu có thể đạt từ 2,5% đến 3%. Kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ vượt qua đáy suy thoái; kinh tế châu Á sẽ tăng khoảng 6,5%. Kinh tế Trung Quốc trở lại mức tăng trưởng từ 9,5% đến 10%.

Kinh tế Việt Nam 2008 và dự báo

Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Việt Nam được coi là một quốc gia thành công. Tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5%; lạm phát giảm mạnh nhất vào các tháng cuối năm; thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại giảm so với dự kiến; an sinh xã hội được cải thiện một bước. Tình hình chính trị - xã hội tiếp tục ổn định. Các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đạt kết quả quan trọng, đặc biệt chính sách tiền tệ đã góp phần đắc lực giảm lạm phát và giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên tình hình kinh tế bắt đầu khó khăn hơn kể từ quý IV-2008. Xuất khẩu giảm mạnh và đến tháng 11 đã xuống dưới ngưỡng năm tỷ USD/ tháng. Vì vậy thâm hụt thương mại tăng trở lại từ mức 260 triệu USD trong tháng 9 lên 700 triệu USD trong tháng 10 và 500 triệu USD trong tháng 11, dự kiến tháng 12 con số này tăng tới khoảng 600 triệu USD. Ðầu tư trực tiếp giải ngân chậm so với dự kiến; đầu tư gián tiếp ròng âm khoảng 500 triệu USD. Dự báo cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt và đây là lần đầu nền kinh tế nước ta gặp tình huống này, kể từ năm 2000.

Dự báo năm 2009

Nhiều nhà phân tích cho rằng, châu Á chịu ảnh hưởng nhẹ hơn từ khủng hoảng tài chính so với các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nhất trong các nước Ðông Á. Yếu tố tác động mạnh nhất đến Việt Nam chính là xuất khẩu, chiếm tới 65% GDP. Ðầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động không lớn do tỷ lệ tiết kiệm nội địa của Việt Nam khá cao khoảng 30% GDP, so với tỷ lệ đầu tư (toàn xã hội) khoảng 40% GDP. Nói cách khác, đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đóng góp một phần tư tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, nếu FDI tập trung vào các dự án bất động sản và  thép thì hiệu ứng đối với tăng trưởng kinh tế ngắn hạn không lớn.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mức cao nhất theo Ngân hàng Thế giới (WB) là 6,5%; thấp nhất theo Cục Tình báo kinh tế Anh (EIU) là 4,3% và trung bình theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là 5%. Nếu Chính phủ triển khai khẩn trương gói giải pháp kích cầu nội địa thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 6% và cao hơn vào năm 2010. Lạm phát năm 2009 sẽ khoảng 10% và tăng lên chút ít vào năm 2010. Thâm hụt thương mại dự kiến khoảng 17% GDP; cán cân thanh toán tổng thể có thể thâm hụt nhiều hơn năm 2008. Vì vậy sức ép thực tế tăng tỷ giá hối đoái đang mạnh lên. Tuy nhiên, mức tăng tỷ  giá hối đoái có thể chỉ cao hơn năm 2008 chút ít. Tỷ lệ nợ xấu  ngành ngân hàng dự kiến tăng  chút ít nhưng không quá 5% theo chuẩn kế toán Việt Nam, trích lập dự phòng rủi ro sẽ cao hơn, việc tái cơ cấu nợ sẽ có thể làm giảm lợi nhuận tài chính của hệ thống ngân hàng. Thị trường chứng khoán có thể tiếp tục đình trệ trong nửa đầu năm 2009 và phục hồi chậm vào các tháng còn lại. Thị trường bất động sản có thể vượt qua đáy vào các tháng cuối năm 2009.

Về gói giải pháp kích cầu của Chính phủ

Tổng dự toán gói giải pháp đạt hơn 6% GDP là không nhỏ, nếu tập trung vào khu vực tạo ra nhiều việc làm như đầu tư cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhiều nguyên vật liệu nội địa và xuất khẩu. Trong trường hợp gói kích cầu này hướng vào các dự án tốn nhiều vốn, vào các tập đoàn, thì hiệu quả kích cầu sẽ rất thấp. Việc kích cầu cũng phải tiến hành đồng bộ với cả chính sách  tiền tệ và tài khóa, nhằm hỗ trợ lẫn nhau và tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh. Hiệu ứng kích cầu cũng cần được bảo vệ khỏi sự xâm lấn của hàng ngoại nhập, muốn vậy tỷ giá hối đoái cần được điều chỉnh linh hoạt theo hướng hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu. Chính sách kích cầu cần được tiến hành khẩn trương, vượt qua những rào cản hành chính và xung đột pháp lý. Khủng hoảng giống như một vòng xoáy, nếu chậm trễ, mỗi một vòng xoáy đi qua tổn thất sẽ lớn hơn, chi phí để cứu  trợ sẽ cao hơn theo cấp số nhân (doanh nghiệp phá sản nhiều hơn và thất nghiệp sẽ lớn hơn, an sinh xã hội sẽ phức tạp hơn). Ngoài ra, nguồn nhân lực kích cầu phải đủ mạnh và tập trung vào hướng  chủ chốt để tạo ra hiệu ứng lan tỏa nổi trội, trên cơ sở đó khôi phục lòng tin của doanh nghiệp, các nhà đầu tư và công chúng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh để đón đầu cơ hội phục hồi sau khủng hoảng.