Ươm tạo nhà khoa học trẻ tại Đại học Quốc gia Hà Nội

NDO -

Đến năm 2025 dự kiến sẽ có 1.000 suất học bổng đại học và thạc sĩ; 300 suất học bổng tiến sĩ và sau tiến sĩ; 500 người được học tập và thực tập ở các đối tác quốc tế; 500 người được tuyển dụng. Đó là những mục tiêu của “Đề án ươm tạo nhà khoa học trẻ tại Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2025”, được chính thức triển khai từ hôm nay, 1/1/2022.

Hoạt động nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Hoạt động nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Theo PGS, TS Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đề án ươm tạo nhà khoa học trẻ tại Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2025 nhằm phát hiện và thu hút các mầm ươm khoa học từ ba nhóm.

Trong đó, nhóm thứ nhất là từ các em học sinh (đặc biệt là học sinh trong hệ thống các trường chuyên, năng khiếu) để đưa vào chương trình ươm tạo nhà khoa học từ trình độ đại học, định hướng trở thành các nhà nghiên cứu trình độ sau đại học. Nhóm này bao gồm những học sinh lớp 12 có học lực giỏi, xuất sắc có nguyện vọng và được tuyển chọn tham gia chương trình ươm tạo từ trình độ đại học.

Nhóm thứ hai bao gồm sinh viên và học viên giỏi, xuất sắc, thạc sĩ, giảng viên trẻ chưa là tiến sĩ có nguyện vọng và được tuyển chọn tham gia chương trình ươm tạo trở thành nhà khoa học có trình độ tiến sĩ.

Nhóm thứ ba là giảng viên và nhà khoa học trẻ đã đạt trình độ tiến sĩ có nguyện vọng tham gia chương trình ươm tạo nhà khoa học trẻ trình độ sau tiến sĩ và được tuyển dụng vào làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng, thực hiện các gói chính sách hỗ trợ tài chính, bảo trợ khoa học đối với các đối tượng tham gia các chương trình ươm tạo, bảo đảm các đối tượng tham gia có cơ hội tiếp cận, được hưởng các chương trình học bổng của đơn vị đào tạo, của Chính phủ hoặc của nước ngoài trong quá trình nghiên cứu, đào tạo; có được sự bảo trợ khoa học từ nhà khoa học có uy tín, từ cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong hay ngoài nước để có thể thực hiện các chương trình đào tạo, nghiên cứu tiếp theo.

Cũng theo PGS, TS Nguyễn Hiệu, đối với các giải pháp phát triển nhà khoa học, Đại học Quốc  gia Hà Nội sẽ xây dựng bộ dữ liệu năng lực các nhà khoa học trẻ tiềm năng để phục vụ công tác tuyển dụng và phát triển mạng lưới các đơn vị khoa học, đào tạo, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các nhà khoa học trẻ trong nước và quốc tế; tổ chức kết nối, tư vấn, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ với các đơn vị khoa học, đào tạo, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các nhà khoa học trẻ trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tư cho các huớng, sản phẩm nghiên cứu tiềm năng của các cá nhân tham gia đề án theo mô hình: SBIR và STTR, cụ thể như: đầu tư phát triển ý tưởng thành sản phẩm mẫu; tài trợ dự án nghiên cứu cho nhà khoa học để hoàn thiện sản phẩm cho doanh nghiệp (đối ứng); kết nối doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường và thương mại hóa...