Thái Nguyên không để học sinh nào thiếu thiết bị học tập

NDO -

Thái Nguyên có gần 400 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, trong đó có nhiều thôn, xóm ở vùng sâu vùng xa. Trong đại dịch Covid-19, không có internet, không có máy tính, điện thoại, học tập của con em đồng bào gặp khó khăn. Khắc phục vấn đề này, Thái Nguyên không để học sinh nào thiếu thiết bị học tập.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ủng hộ 8,3 tỷ đồng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ủng hộ 8,3 tỷ đồng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Cách trung tâm xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai gần 10 km, đường đi toàn lên dốc, Trường Tiểu học Lũng Luông được xây dựng khang trang trên một quả đồi, học sinh là con em đồng bào H'Mông, Dao ở địa phương, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, các em không thể đến trường, không có internet, không có máy tính và điện thoại thông minh nên học tập gặp nhiều khó khăn.

Cô Hiệu trưởng Đinh Thị Hoa chia sẻ: “Thời điểm giãn cách xã hội, học sinh ở nhà, không dừng học, nhưng không có internet, sóng điện thoại và thiết bị học tập nên giáo viên phải in tài liệu, đến nhà học sinh để hướng dẫn học tập theo nhóm nhỏ”. Hằng ngày, nhà trường thường treo một chiếc điện thoại ở trái nhà chức năng nhằm đón sóng “lạc” để nhận tin nhắn, chỉ đạo của xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai.

Bí thư Chi bộ xóm Lũng Luông Lý Văn Mùa tâm sự: “Không chỉ thày và trò Trường Tiểu học Lũng Luông cần internet, sóng điện thoại, người dân cũng rất cần hai thứ này để liên lạc được thuận lợi, tiếp thu thông tin, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần”. 

Thái Nguyên không để học sinh nào thiếu thiết bị học tập -0

Thầy và trò Trường Tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên mong muốn có internet, sóng điện thoại di động.

Trường Tiểu học Lũng Luông và 3 xóm Lũng Cà, Lũng Hoài và Lũng Luông nằm trên địa hình núi cao, xa trung tâm, thiếu thiết bị nghe, nhìn, mưa bão diễn ra thì gần như tách biệt với bên ngoài.

“Internet được kéo về trường, phủ sóng điện thoại di động để người dân tiếp nhận thông tin, nhà trường kết nối với các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương là mong ước của chúng tôi từ nhiều năm nay”, thầy Hiệu phó Trường Tiểu học Lũng Luông Lương Hồng Liêm cho biết.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông đã khảo sát, trên địa bàn tỉnh còn 36 xóm chưa có internet, 86 xóm chưa được phủ sóng 3G và 4G; thời gian vừa qua ngành giáo dục và đào tạo đã hỗ trợ gần 400 thiết bị học tập, nhưng đến nay toàn tỉnh còn gần 4.300 học sinh thiếu máy tính, điện thoại thông minh để học tập.

Cán bộ, giảng viên các trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên gần đây quyên góp 1 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. GS, TS Phạm Hồng Quang chia sẻ, sóng và máy tính không chỉ phục vụ học sinh học online, mà còn mở ra cho các em thế giới thông tin và kiến thức phong phú, sinh động, bổ ích để trưởng thành.

Phát biểu ý kiến tại chương trình “Sóng và máy tính cho em” được tổ chức mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng khẳng định: “Tỉnh sẽ đưa internet đến tất cả các thôn, xóm và không để học sinh hộ nghèo nào thiếu thiết bị học tập online”.

Hưởng ứng chương trình có ý nghĩa nhân văn này, đến nay ngành giáo dục và đào tạo tỉnh ủng hộ hơn 4 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Khai thác khoáng sản Thăng Long ủng hộ 1 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG ủng hộ 500 triệu đồng, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ 8,3 tỷ đồng để mua máy tính, điện thoại thông minh cho học sinh.

Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực phối hợp các hãng viễn thông trên địa bàn khẩn trương khảo sát, đầu tư đưa internet, sóng điện thoại 3G, 4G đến tất cả các thôn, xóm trên địa bàn thời gian tới.