Sớm có giải pháp đưa học sinh làng Vân Hà trở lại trường học

 Trường tiểu học xã Quang Sơn, huyện Ðô Lương (Nghệ An) đã khai giảng ba tháng nay, nhưng nhiều phụ huynh ở khối Toàn Thắng (làng Vân Hà) vẫn không cho con em họ đến trường. Mặc dù cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) và nhà trường kiên trì thuyết phục, vận động nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
 

Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A dạy học ngoài giờ cho học sinh làng Vân Hà mới đến trường.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A dạy học ngoài giờ cho học sinh làng Vân Hà mới đến trường.

  Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ xã Quang Sơn nhiệm kỳ 2010 - 2015 về mục tiêu xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn mức độ II và chỉ tiêu năm học 2013 - 2014 cũng như việc khắc phục yếu kém về cơ sở vật chất tại các điểm lẻ; tăng cường công tác quản lý, giám sát, tạo cơ hội cho học sinh được bình đẳng học tập, vui chơi trong một môi trường chung nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Trường tiểu học Quang Sơn quyết định sáp nhập khối Toàn Thắng cách đó gần 2 km về trường chính. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập thì gặp phản ứng gay gắt từ phía phụ huynh làng Vân Hà. Ðến thời điểm này, trong tổng số 64 học sinh ba lớp 1, 2, 3 điểm trường lẻ thuộc các xóm 8, 9, 10 khối Toàn Thắng mới có 11 em đến trường, trong đó tám học sinh là con em giáo viên và cán bộ địa phương. Việc phụ huynh không cho học sinh tiểu học đến điểm trường chính học từ cuối tháng 10 đến nay đã lan sang cả khối mầm non.

  Nói về lý do không cho con tới trường, anh Nguyễn Hàm Hải, xóm 9 cho biết, anh đã bị một số người đe dọa "nếu vẫn cho con đi học thì không được tiếp tục làm việc ở tổ xây nữa". Trong khối còn có một số người tụ tập, chửi bới, lăng mạ khi biết ai đó có ý định cho con đi học... Dư luận ở đây cho rằng, một số phần tử xấu, đứng đằng sau kích động. Cô giáo Trần Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Sơn cho biết: Qua nhiều lần đại diện các cấp chính quyền, ngành GD và ÐT đối thoại để tìm nguyên nhân, các phụ huynh ở đây đưa ra hàng loạt lý do như: Họ muốn giữ lại ngôi trường làng có từ lâu đời; kinh tế khó khăn không có tiền xăng để đưa đón con em đi học; độ tuổi học sinh lớp 1, 2, 3 còn quá nhỏ, sức khỏe yếu mà đi học xa (mặc dù điểm trường lẻ chỉ cách điểm trường chính khoảng 1 km). Một số còn căn cứ vào Ðiều lệ trường học của Bộ GD và ÐT quy định về độ dài đường đi của học sinh đến trường đối với khu vực nông thôn không quá 1 km để buộc chính quyền địa phương giữ lại điểm trường cũ...

  Tuy nhiên, theo Trưởng phòng GD và ÐT huyện Ðô Lương Nguyễn Tất Tây: Ðiểm trường lẻ khối Toàn Thắng (làng Vân Hà) có tổng số 64 học sinh, trong đó có 21 em lớp 1, 25 em lớp 2 và 18 em lớp 3, không đủ số lượng ba lớp học. Hơn nữa điểm trường lẻ có bốn phòng học đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng, trang, thiết bị dạy học không đầy đủ,... cho nên việc chuyển điểm lẻ từ làng Vân Hà lên trường chính hoàn toàn đúng với chủ trương. Chủ tịch UBND xã Quang Sơn Lê Văn Vĩnh cũng khẳng định: Trình tự, thủ tục chuyển các lớp học điểm lẻ về điểm trường chính được xã tiến hành đúng chủ trương và pháp luật. Thời gian qua trên địa bàn, nhiều trường tiểu học đã sáp nhập hai đến ba điểm trường về tập trung dạy học tại một điểm đã thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều kiện học tập của học sinh tốt hơn và chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao. Trong đó, một số địa phương có điểm trường lẻ cách gần 5 km cũng đã được sáp nhập để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn... Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Nghệ An Thái Huy Vinh cũng khẳng định: Việc sáp nhập điểm trường lẻ ở khối Toàn Thắng, xã Quang Sơn vào điểm trường chính là hoàn toàn đúng. Sở hoàn toàn đồng tình với chủ trương sáp nhập trường mà huyện Ðô Lương và xã Quang Sơn đang thực hiện, việc ngăn cản các cháu đi học là vi phạm pháp luật.

  Trao đổi ý kiến về vụ việc trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðô Lương Nguyễn Minh Hạnh cho biết: Trong cuộc đối thoại mới đây nhất (ngày 14-11) giữa chính quyền huyện Ðô Lương, xã Quang Sơn và ngành GD và ÐT  với người dân làng Vân Hà, một lần nữa quan điểm nhất quán về chủ trương sáp nhập các điểm lẻ vào trường chính để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là hoàn toàn đúng đắn. Việc cản trở không cho con em đến trường học của một số phụ huynh làng Vân Hà đã vi phạm các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em của LHQ; Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em; Luật Giáo dục... Việc 53 học sinh chưa đến trường, trách nhiệm thuộc về các bậc phụ huynh ở khối Toàn Thắng, xã Quang Sơn.

  Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Hạnh cũng nhấn mạnh: Huyện tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng kiên quyết và xử lý nghiêm trường hợp có hành vi kích động, cản trở, làm ảnh hưởng đến việc học tập của con em theo quy định của pháp luật. Mong cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng  tổ chức tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân nơi đây, sớm đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi cho trẻ em trong độ tuổi đến trường.