“Nước rút” ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Còn hai tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2022. Hiện, các trường THPT đã cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12; đang tận dụng “thời gian vàng” khi dịch bệnh được kiểm soát để tổ chức ôn tập “nước rút” giúp các em học sinh có một kỳ thi đạt kết quả cao nhất.

Học sinh ôn thi trong chặng "nước rút". (Ảnh minh họa: NGUYỄN TÀI)
Học sinh ôn thi trong chặng "nước rút". (Ảnh minh họa: NGUYỄN TÀI)

Năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố tạm dừng đến trường trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy học và củng cố kiến thức. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song các trường vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường các biện pháp, hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến và trên truyền hình. Ðặc biệt, trong thời gian từ nay đến sát kỳ thi, các trường đã có kế hoạch ôn tập, phân công giáo viên có kinh nghiệm, trách nhiệm tham gia bồi dưỡng ôn tập để học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng, có tâm thế tốt, tự tin tham dự kỳ thi quan trọng này.

Theo đúng kế hoạch, đến ngày 29/4, tất cả các khối lớp 12 của các trường THPT tại TP Ðà Nẵng đã hoàn thành việc kiểm tra học kỳ II. Bên cạnh việc tổ chức kiểm tra, tổng kết năm học, các trường đã bước ngay vào giai đoạn ôn tập “nước rút” cho học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ghi nhận của phóng viên tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà), các lớp 12 đã cơ bản hoàn tất các môn học cuối kỳ. Các giáo viên bộ môn vừa dạy bảo đảm số lượng tiết học/môn vừa tổ chức ôn tập, giải đề.

Thầy giáo Lê Thiện Trà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến việc dạy, học gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trường chủ động triển khai sớm vừa dạy học hoàn thành chương trình, vừa ôn tập cho học sinh từ cuối tháng 3. Trường đã tổ chức thi khảo sát năng lực để các em chọn bài thi theo tổ hợp. Nhìn chung, học sinh có tính chủ động cao, tích cực học tập, ôn luyện, gần như không có tiết nào nghỉ. Sau khi kết thúc kiểm tra học kỳ, trường sẽ bố trí một số tiết phụ đạo trực tuyến vào buổi chiều hoặc cuối tuần cho cả khối 12 với ba môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Giáo viên sẽ chọn những nội dung trọng tâm mà các em bị hổng kiến thức để ôn luyện, giúp các em nắm chắc các kiến thức đã học.

Nội dung ôn tập theo dạng đề mở, tích hợp, tập trung rèn luyện cho học sinh phát huy tư duy, năng lực sáng tạo, liên hệ và giải quyết vấn đề trong thực tế, kỹ năng làm bài thi với thời gian quy định. Cô giáo Mai Thị Hồng Minh, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Hoàng Hoa Thám chia sẻ, ngoài thời gian học trực tiếp trên lớp, các em đều ý thức việc tự tìm hiểu và học thêm, đọc thêm những dạng đề để bổ trợ kiến thức. “Tôi thường khuyên, động viên học sinh học Tiếng Anh không chỉ để thi tốt nghiệp hay xét tuyển đại học, mà nhiều kiến thức ở môn học này sẽ được áp dụng hiệu quả khi các em học đại học, có điều kiện tiếp cận với các nguồn học bổng và thành đạt hơn”, cô Minh chia sẻ.

Em Võ Thiên Ngân, học sinh lớp 12/5, Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, trong quá trình học trực tuyến do dịch Covid-19 và hiện nay là học trực tiếp, em và nhiều bạn trong lớp thường chia nhóm để giải đề. Ðây cũng là cách để các em bổ sung kiến thức cho nhau. Qua việc giải các đề minh họa, tham khảo của trường và của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, em làm được khoảng 80% đến 85%.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Ðà Nẵng Lê Thị Bích Thuận, ngay từ đầu năm học, sở đã có văn bản chỉ đạo về việc dạy học, ôn tập. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch ôn tập, phụ đạo, bổ sung, củng cố kiến thức đã học trực tuyến giúp học sinh nắm được kiến thức, nội dung bài học hiệu quả; trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bao gồm nội dung chương trình giáo dục THPT, tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12.

Tại tỉnh Bắc Giang, khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành giáo dục có nhiều giải pháp để tổ chức dạy học chất lượng, hiệu quả, tận dụng “thời gian vàng” (thời gian học sinh đến trường) tăng cường dạy học, xác định nội dung cốt lõi dạy học. Cô giáo Huỳnh Thị Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 1 (Lạng Giang) cho biết, ngay từ đầu năm nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp đối tượng học sinh. Từ tháng 3, trường tập trung cao hơn cho việc ôn tập, đó là định hướng lại nội dung, thời lượng để tập trung ôn tập cho học sinh các kiến thức, kỹ năng cơ bản. Phân công giáo viên ra đề hằng tuần và thi trên hệ thống để các em quen dần việc thi và kiểm tra được kiến thức của mình.

Xác định việc học tập, ôn luyện rất quan trọng ở thời điểm “nước rút”, nhưng thầy giáo Lưu Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (thành phố Bắc Giang) vẫn không quên khuyên học sinh bố trí thời gian học tập, nghỉ ngơi phù hợp để giảm áp lực. Theo thầy Xuân, từ nay đến lúc thi, nhà trường yêu cầu các bộ môn và giáo viên chủ nhiệm liên hệ, phối hợp gia đình hạn chế cho học sinh đi chơi, tận dụng thời gian để ôn luyện. Ðể đạt được chất lượng, các em tập trung học trên lớp, học thêm những gì thật cần thiết, về nhà có thời gian ôn lại, làm lại, luyện đề các thầy, cô giao. Với từng đối tượng thì sẽ dạy theo bài ở mức độ phù hợp, hơi khó một chút chứ không giao ào ào cho cả lớp, vì những học sinh lực học bị đuối, kém không theo được dễ dẫn đến chán nản.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bắc Giang Bạch Ðăng Khoa cho biết, ngành giáo dục đã sắp xếp lại toàn bộ nội dung cốt lõi dạy học theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Trước đây, việc khảo sát, thi thử trực tuyến thì khá khó khăn, nhưng năm nay, Bắc Giang đã làm từng bước khảo sát theo hình thức trực tuyến khá thuận lợi. Ngành giáo dục xác định Tiếng Anh là môn khó nhất vì có cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; các bộ môn khác tiếp tục tổ chức kỳ thi thử, ít nhất là hai kỳ thi thử.

Một kỳ thi thử để rà soát lại, điều chỉnh lại nội dung, chương trình và những yêu cầu nâng cao cho kỳ thi tốt nghiệp và một kỳ thi để học sinh làm quen, lúc đó có số báo danh, có vị trí, địa điểm như kỳ thi thật. Với quan điểm học trực tiếp tốt hơn học trực tuyến, cho nên ngành giáo dục luôn chỉ đạo các trường tận dụng tối đa thời gian học trực tiếp để dạy học, ôn tập. Hiện Bắc Giang đang dạy học bổ sung và kết hợp dạy học tăng cường ôn tập.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Hữu Ðộ cho biết, các cơ sở giáo dục cần hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn, bảo đảm chủ động, linh hoạt ứng phó với các tình huống của dịch Covid-19 tại địa phương; kịp thời tổ chức dạy học những nội dung kiến thức cơ bản theo yêu cầu cần đạt của chương trình, làm cơ sở để tiếp tục dạy học các nội dung còn lại, kết hợp với việc tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã học cho các nhóm đối tượng học sinh một cách linh hoạt, phù hợp.

Các trường tổ chức cho học sinh học tập và ôn luyện bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 và lưu ý các nội dung kiến thức có liên quan, tiếp nối ở lớp 10, lớp 11 theo hướng khai thác, vận dụng kiến thức đã học theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Học sinh cần chủ động trong việc hệ thống hóa kiến thức và luyện tập các kỹ năng khai thác, vận dụng kiến thức theo hệ thống câu hỏi, các dạng bài tập theo các mức độ; qua đó nắm vững kiến thức một cách có hệ thống và làm chủ kiến thức để khai thác, sử dụng trong các tình huống khác nhau của đề kiểm tra, đề thi.