Ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên đổi mới và phát triển

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 4-10-2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên (khóa 18) về Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, giáo dục ở tỉnh Hưng Yên đã phát triển khá toàn diện, nhiều mục tiêu về giáo dục đã đạt, vượt nghị quyết đề ra, góp phần xây dựng nền giáo dục của tỉnh Hưng Yên phát triển theo hướng hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Giờ học môn Tin học của học sinh Trường THPT chuyên Hưng Yên.
Giờ học môn Tin học của học sinh Trường THPT chuyên Hưng Yên.

Ðổi mới phương pháp dạy học

Trong không khí của ngày hội khai giảng năm học mới 2019-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Duy Hưng đánh giá: Trong ba năm qua, ngành giáo dục tỉnh phát triển khá toàn diện; đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2, công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT đạt kết quả tốt. Các trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, tri thức, pháp luật và ý thức công dân; tăng cường giáo dục thể chất và kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 4-10-2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên (khóa 18), UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành: Kế hoạch số 321/KH-UBND, ngày 21-12-2016 về thực hiện Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, một số định hướng đến năm 2025. Kế hoạch số 09/KH-UBND về xây dựng trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch số 97/KH-UBND về triển khai thực hiện Ðề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh Hưng Yên... Hằng năm, ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở tỉnh Hưng Yên tăng khá; năm 2016 chi hơn 1.783 tỷ đồng, đến năm 2018 chi hơn 2.137 tỷ đồng. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm và tạo điều kiện phát triển với sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học ở các nhà trường được tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa: 100% các trường THCS, THPT được trang bị máy chiếu, màn chiếu đa năng phục vụ việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Các trường THCS, THPT đã tích cực sử dụng, trao đổi sinh hoạt chuyên môn thông qua mạng "trường học kết nối"; sử dụng các phần mềm dạy học các môn, phần mềm thiết kế bài giảng e-learning, phần mềm hỗ trợ kiểm định chất lượng và chuẩn quốc gia... Ðặc biệt, tỉnh Hưng Yên quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Sở Giáo dục và Ðào tạo Hưng Yên chỉ đạo các trường thường xuyên quan tâm và biến các nội dung đã tập huấn thành hoạt động thường ngày của giáo viên như: vận dụng cách đánh giá PISA; nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học; hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn; hướng dẫn giáo viên dạy theo chủ đề tích hợp; tăng cường năng lực sử dụng thiết bị, thí nghiệm các môn học; triển khai dạy học theo mô hình nhà trường mới; kỹ thuật xây dựng ngân hàng đề và biên soạn câu hỏi trắc nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Toàn tỉnh Hưng Yên đã có 342 trường đạt trường chuẩn quốc gia, tăng 79 trường so với năm 2015; 100% giáo viên đạt chuẩn ở tất cả các cấp học, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn tăng: giáo dục mầm non đạt trên chuẩn hơn 75%, tiểu học hơn 94%, THCS hơn 71%, THPT hơn 21%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì, tỷ lệ học sinh đỗ đại học thuộc nhóm các tỉnh cao nhất toàn quốc và có nhiều học sinh đạt giải quốc gia, giải châu Á...

Hoàn thành những mục tiêu đề ra

Tỉnh Hưng Yên có mạng lưới cơ sở giáo dục khá hoàn thiện, có 185 trường mầm non, 375 trường từ tiểu học đến THPT, 11 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên còn một số tồn tại và hạn chế cần khắc phục: Quy mô, cơ cấu, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ở một số cơ sở giáo dục chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên các môn học, cấp học. Thiếu giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học so với quy định. Về trình độ một bộ phận giáo viên còn nhiều hạn chế, nhất là giáo viên Anh văn cấp tiểu học. Một số chỉ tiêu của Nghị quyết số 09-NQ/TU vẫn chưa hoàn thành như: Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn; tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Một số trường tiểu học, trung học cơ sở thiếu phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học (mới bảo đảm ở mức tối thiểu). Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học và quản lý giáo dục ở một số cơ sở giáo dục chưa hiệu quả; chưa thật sự quan tâm đến công tác giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành...

Ðể hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 09-NQ/TU, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Văn Phê cho biết: Tỉnh Hưng Yên tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, phòng học kiên cố cao tầng, tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn. Các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục tăng cường hiệu quả công tác quản lý giáo dục, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó kết hợp tốt việc "dạy người" thông qua "dạy chữ", "dạy nghề"; nâng cao năng lực nghề nghiệp, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Ðẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp sau trung học, chú trọng chất lượng đào tạo đại học và dạy nghề. Phát triển đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo đảm đủ nguồn lực tài chính và phương tiện dạy học cho tất cả các cơ sở giáo dục. Ðẩy nhanh tiến độ kế hoạch dạy và học ngoại ngữ; tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông và triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả các cơ sở giáo dục. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Tiếp tục tăng cường chương trình hợp tác quốc tế về giáo dục với tỉnh Incheon của Hàn Quốc.

Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục về tình trạng dạy thêm, học thêm không quy định, thực hiện an toàn giao thông, bạo lực học đường; có hình thức kỷ luật nghiêm nếu vi phạm. Rà soát, xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp; thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, trường phổ thông công lập gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của từng địa phương, địa bàn cụ thể theo Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 5-2-2018 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên và Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 30-3-2018 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phấn đấu đến năm 2025; chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Thu hút 42% số cháu vào nhà trẻ, 100% số cháu vào học mẫu giáo, khoảng 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được phân luồng học nghề, hơn 52% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào đại học, có nhiều học sinh đạt giải quốc gia và có học sinh đạt giải quốc tế, phấn đấu có 80% số lao động qua đào tạo. Ðội ngũ giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao và năng lực chuyên môn; tỷ lệ giáo viên trên chuẩn: mầm non 100%, tiểu học 100%, THCS 95%, THPT 30%. Phòng học kiên cố cao tầng: mầm non, phổ thông 100%.