Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược

Những năm qua, Học viện Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đã có bước đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp cao của Ðảng, Nhà nước, Quân đội. Giai đoạn mới, Học viện tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Trần Việt Khoa (trong ảnh), Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Quân ủy T.Ư, Giám đốc Học viện Quốc phòng về chủ đề này.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược

Phóng viên (PV): Ðề nghị đồng chí cho biết thành tựu nổi bật trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (QP, AN) cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Ðảng, Nhà nước, Quân đội tại Học viện thời gian qua?

Thượng tướng Trần Việt Khoa: Phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự ổn định, phát triển của đất nước và sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Ðảng, Nhà nước và Quân đội luôn là vấn đề mang tính chiến lược cả trước mắt và lâu dài.

Những năm qua, Học viện Quốc phòng đã quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Ðảng về giáo dục - đào tạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược về công tác QP, AN, quân sự.

Ðiểm nổi bật là, Học viện đã đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chuyển mục tiêu đào tạo từ tư duy quân sự là chủ yếu sang tư duy QP, AN. Ðổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, giảm lý thuyết, tăng thời gian thực hành, coi trọng định hướng nghiên cứu, trao đổi với học viên. Tích cực đổi mới phương pháp thảo luận, tập bài, diễn tập với những nội dung, hình thái sát thực trên các địa bàn khác nhau, qua đó đã phát huy trí tuệ, khơi dậy sự sáng tạo, nâng cao năng lực tư duy, trình độ xử trí tình huống của học viên.

Ðặc biệt, gần đây, Học viện đã chủ động, triển khai quyết liệt các biện pháp để thực hiện "mục tiêu kép" vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan vào Học viện.

Nhiều đồng chí sau khi tốt nghiệp tại Học viện Quốc phòng đã trở thành nhà khoa học nổi tiếng, tướng lĩnh trong Quân đội, cán bộ cấp cao trong và ngoài Quân đội được tin tưởng giao phó những trọng trách của Ðảng, Nhà nước, Quân đội.

PV: Ðồng chí có thể cho biết những khó khăn, bất cập trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Ðảng, Nhà nước, Quân đội hiện nay? Những giải pháp mà Học viện Quốc phòng đã thực hiện?

Thượng tướng Trần Việt Khoa: Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng; sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân cả nước là điều kiện thuận lợi để Học viện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, Học viện cũng có những khó khăn, bất cập, nhất là cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm cho nghiên cứu, giảng dạy so với sự phát triển của khoa học công nghệ. Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy nhìn chung năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn có mặt hạn chế.

Ðể khắc phục những khó khăn, Học viện đã tích cực đầu tư xây dựng và nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, như: Ứng dụng công nghệ mô phỏng; xây dựng phần mềm điều hành huấn luyện, diễn tập; hiện đại hóa các phòng học chuyên dùng; sử dụng phần mềm dạy học, bảng tương tác thông minh; xây dựng thư viện số để khai thác thông tin tư liệu mới...

Quyết liệt triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và xác định là một trong "3 khâu đột phá" của Học viện. Triển khai xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí giảng viên và thực hiện nghiêm quy trình tuyển chọn giảng viên về Học viện theo hướng chuẩn hóa. Quan tâm bồi dưỡng năng lực tư duy, kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp, tác phong giảng dạy bằng nhiều hình thức, biện pháp như: tập huấn, thông qua bài giảng, ngày phương pháp; thi giảng viên giỏi, thi giảng mẫu, thi cán bộ bộ môn giỏi; rút kinh nghiệm sau tháng đầu đào tạo, sau diễn tập, nghiên cứu thực tế và sau khóa học, năm học; cử đi thực tế tích lũy kinh nghiệm. Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên có tư duy đổi mới sáng tạo, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy..., góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng các đối tượng, mà trực tiếp là cán bộ cấp chiến lược của Ðảng, Nhà nước, Quân đội.

PV: Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thời gian tới, Học viện Quốc phòng có chủ trương, giải pháp gì để nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học; nhất là những vấn đề mới về QP, AN cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, thưa đồng chí ?

Thượng tướng Trần Việt Khoa: Ðể đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chiến lược đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trước hết phải nắm vững và vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối của Ðảng về giáo dục, đào tạo, nhất là những vấn đề mới về QP, AN như: Ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống; ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa... Tập trung lãnh đạo toàn diện trên tất cả các khâu, các bước của quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tập trung vào:

Ðổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp từng đối tượng về các vấn đề chiến lược trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, QP, AN, đối ngoại, nhất là gắn chặt lý luận với thực tiễn công tác QP, AN, giúp học viên nâng cao kiến thức, tầm tư duy chiến lược; có khả năng tổng kết thực tiễn, dự báo được tương lai và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn theo chức trách, cương vị công tác.

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, "lấy học viên làm trung tâm", "lấy giảng viên làm động lực", phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; tăng cường thảo luận, hội thảo, nghiên cứu thực tế, luyện tập vận hành cơ chế, diễn tập và tổ chức viết thu hoạch trên cơ sở tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, đề ra các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác QP, AN. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương tổ chức cho học viên học tập, nghiên cứu thực tế nhằm củng cố lý luận, thực tiễn.

Gắn nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng với nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên theo tiêu chuẩn chức danh quy định ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng Học viện trở thành học viện thông minh có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, thích ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; kết nối các cuộc diễn tập thực binh hoặc diễn tập khu vực phòng thủ của các quân khu, quân đoàn, diễn tập của Bộ Quốc phòng, giúp cho học viên tăng khả năng tích lũy kinh nghiệm thực tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! 

TRẦN QUYẾT (thực hiện)