Lào Cai bảo đảm dạy và học hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19

NDO -

Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, Lào Cai là một trong những tỉnh thuộc vùng xanh, tận dụng cơ hội vàng này, các thầy, cô giáo và hơn 228 nghìn học sinh các cấp nỗ lực dạy và học, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn. 

Học sinh lớp 7A, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Phìn Ngan (Bát Xát - Lào Cai) trong giờ học môn Toán.
Học sinh lớp 7A, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Phìn Ngan (Bát Xát - Lào Cai) trong giờ học môn Toán.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Lào Cai có hơn 228.000 học sinh ở các cấp học, với 612 trường học, 8.242 lớp, tăng 64 lớp và 6.022 học sinh so với năm học 2020-2021.

Ngay từ khi khai giảng năm học, tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các trường, lớp học tập trung thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như khử khuẩn môi trường, vệ sinh trường lớp, thực hiện 5K và tiêm vaccine phòng dịch. 

Nhờ vậy, Lào Cai duy trì và bảo vệ được “vùng xanh”, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, bảo đảm cho toàn bộ học sinh được học trực tiếp tại lớp học. 

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép người lao động từ các tỉnh được trở về quê theo nguyện vọng. 

Từ ngày 5/10 đến nay, đã có hàng trăm người lao động đi xe máy vượt hàng nghìn cây số từ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương trở về quê ở các huyện vùng cao như Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Sa Pa (Lào Cai), trong ngày 9/10, qua xét nghiệm PCR đã phát hiện 3 ca dương tính, đưa đi cách ly tại các cơ sở tập trung của tỉnh. 

Theo bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lào Cai, hiện có hơn 500 lao động quê Lào Cai đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, số lao động trên đang trở về địa phương trong những ngày tới. Vì vậy, việc bảo đảm dạy và học thuận lợi, hiệu quả và an toàn được đặt lên hàng đầu hiện nay.

Chúng tôi đến Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Phìn Ngan, thuộc huyện biên giới Bát Xát. Cô giáo hiệu trưởng Bùi Thị Hồng Mơ cho biết, nhà trường có 197 học sinh dân tộc Dao và Phù Lá, trong đó có 154 học sinh bán trú (ăn ở và học tập tại trường 5 ngày/tuần, chỉ về nhà vào thứ bảy và chủ nhật), hiện tại đang học trực tiếp trên lớp, duy trì 2 buổi/ngày (sáng và chiều), tỷ lệ chuyên cần luôn đạt từ 98% trở lên. Vào lớp 7A, có 24 học sinh, chủ yếu là  người dân tộc Dao, do thầy Trần Nho Việt làm chủ nhiệm, các em đều đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, bảo đảm giãn cách, đang chăm chú học môn Toán. 

Theo cô giáo Hiệu trưởng Bùi Thị Hồng Mơ, trong thời gian bán trú tại trường, 154 em học sinh học tập theo thời khóa biểu và sinh hoạt theo nền nếp quy định, có giáo viên phụ trách nên bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Lo ngại nhất là những ngày cuối tuần, các em học sinh trở về nhà sau đó quay lại trường vào sáng thứ hai, nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm từ bên ngoài là rất cao. 

Bảo đảm dạy và học thuận lợi, hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Lào Cai -0
Học sinh Trường tiểu học Quang Kim (Bát Xát - Lào Cai) kiểm tra y tế phòng, chống dịch Covid-19 trước khi vào lớp học. 

Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, nhà trường lập “Tổ an toàn Covid” để phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương và Tổ phòng, chống dịch cộng đồng ở thôn bản và cha mẹ học sinh ở đó, nhằm kiểm soát, phát hiện và thông báo kịp thời nguy cơ lây nhiễm để chủ động phòng ngừa dịch bệnh. 

Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bát Xát Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết, ở tất cả các trường học trên địa bàn huyện Bát Xát đều có “Tổ an toàn Covid-19”, do Hiệu trưởng, Công Đoàn, Giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, Ban đại diện cha mẹ học sinh và Trưởng thôn bản có nhiệm vụ tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. 

Đặc biệt, phát huy tốt vai trò của thành viên Ban tuyên vận xã, Tổ tuyên vận thôn bản trong tuyên truyền phòng, chống Covid-19 ở cơ sở, tập trung vào những phụ huynh tích cực, coi đó như “cánh tay nối dài” để quản lý, kiểm soát các học sinh khi về gia đình dịp nghỉ cuối tuần. Nhờ vậy, mọi biến động về dịch được phát hiện và xử lý kịp thời, không để bị bất ngờ, lây nhiễm ra cộng đồng. 

Bên cạnh việc bảo đảm an toàn dịch, giữ vững vùng xanh trong nhà trường, để bảo đảm khối lượng nội dung kiến thức, Phòng chỉ đạo các nhà trường cần tranh thủ tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp. Đối với cấp tiểu học, thực hiện nghiêm túc việc dạy học 2 buổi/ngày; giáo viên các trường điều chỉnh nội dung dạy học, cô đọng nội dung bài giảng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Theo đó, đối với lớp 1, lớp 2, ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung kiến thức mới và các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Việc dạy học trực tuyến cần sắp xếp các nội dung cho phù hợp, đồng thời hướng dẫn học sinh tự học ở nhà dưới sự hỗ trợ của phụ huynh. 

Ngoài ra, các nhà trường bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm và không gây áp lực đối với học sinh; cuối năm học, các em đạt được yêu cầu theo quy định của chương trình. Riêng đối với khối học sinh lớp 9, để bảo đảm cho thi vào lớp 10 THPT, các trường ưu tiên đẩy lên dạy trước, bảo đảm chất lượng và hiệu quả học tập của học sinh. 

Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết, ngoài thực hiện 5K, sát khuẩn theo quy định của Bộ Y tế, Sở chỉ đạo các trường học thực hiện giãn cách tối đa vị trí ngồi của học sinh/lớp; hạn chế tối đa việc tổ chức các hoạt động tập trung đông người ngoài lớp học. Phân chia khung thời gian tới trường, tan trường khác nhau giữa các khối lớp để giảm tập trung đông người khu vực cổng trường, sân trường. 

Để bảo đảm chất lượng và hiệu quả dạy và học, các trường học xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19, phương án tổ chức các hoạt động giáo dục theo từng cấp độ phù hợp với điều kiện thực tế, sẵn sàng chuyển trạng thái tổ chức các hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại. 

Các trường tiến hành rà soát, phân loại đối tượng học sinh để có biện pháp phụ đạo, bồi dưỡng; đẩy nhanh tiến độ chương trình, tùy vào điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên để bố trí dạy tăng buổi từ 1 đến 2 buổi, có thể dạy vào thứ bảy, một ngày không quá 7 tiết; khi xếp thời khóa biểu phải bảo đảm vừa sức, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.