Phân luồng học sinh sau THCS và THPT

Kết quả xa vời so mới mục tiêu

Ngày 20-12, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức Hội thảo: Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông (THCS và THPT). Nhiều vấn đề bất cập chung quanh việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phân luồng học sinh THCS và THPT được phân tích, chỉ rõ.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), mặc dù các chủ trương, chính sách về phân luồng học sinh sau THCS và THPT được thực hiện từ nhiều năm, nhất là từ khi có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị, nhưng quá trình triển khai thực hiện còn thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả. Trong thời gian từ năm 2002 đến 2010, mỗi năm có khoảng hơn 300 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS không vào học THPT, chỉ có một số ít vào học trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), còn lại ra thị trường lao động mà chưa được đào tạo nghề. Ðối với bậc THPT, theo thống kê năm 2011-2012 có 290 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không đi học đại học, cao đẳng hoặc TCCN. Trên phạm vi cả nước, năm 2010-2011 chỉ có 330 nghìn học sinh (chiếm 16,1% số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT) vào học TCCN. Ðiều này gây áp lực rất lớn cho các trường đại học, cao đẳng về tuyển sinh nhưng lại khiến các trường TCCN, trường nghề tuyển sinh khó khăn. Trong khi đó, điều nghịch lý ở chỗ trong doanh nghiệp cũng như nhiều vị trí làm việc khác lại rất cần người có kỹ năng nghề nghiệp ở bậc nghề, TCCN.

Một trong những nguyên nhân chính khiến việc phân luồng không hiệu quả do sự yếu kém của công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông. TS Lê Ðông Phương (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng: Chương trình, nội dung giáo dục trong trường phổ thông hiện nay không đồng bộ, thiếu tính thực tế. Học sinh lên lớp chín mới được tiếp cận tư vấn, hướng nghiệp thì rất khó để tìm được hướng đi đúng đắn cho tương lai của mình. Mặt khác, ở các trường phổ thông gần như không có giáo viên hướng nghiệp mà chỉ có giáo viên dạy thiếu tiết được chuyển làm hướng nghiệp, không có chuyên môn, nghiệp vụ, không nắm được thông tin việc làm. Thậm chí có những trường phổ thông in tài liệu rồi đưa cho lớp trưởng phát cho các bạn trong lớp coi như là đã hoàn thành việc phân luồng, hướng nghiệp. "Công tác hướng nghiệp không có sự thống nhất, phụ huynh yêu cầu một đằng, giáo viên khuyên một nẻo, nội dung hướng nghiệp chỉ hướng vào việc đi làm thuê thay vì tạo việc làm thì khó có thể thành công được"- TS Phương nhấn mạnh.

PGS, TS Ðỗ Thị Bích Loan (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đưa ra một kết quả nghiên cứu cho thấy, có từ 60 đến 85% số người được hỏi cho rằng "học nghề ít có cơ hội học lên đại học và cao đẳng" và "học nghề đi làm thu nhập thấp". Một điểm đáng quan tâm là từ 89 đến 93% số cán bộ quản lý ở các sở GD và ÐT, các phòng giáo dục, ban giám hiệu và giáo viên tại các trường THCS, THPT tham gia khảo sát đều cho rằng "chỉ học sinh có học lực kém mới đi học nghề".

Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD và ÐT) Phạm Như Nghệ: Những yếu kém của công tác hướng nghiệp bắt nguồn từ việc thiếu đội ngũ, chuyên gia am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động, am hiểu về thực tế ngành nghề xã hội, kinh tế học lao động. Bên cạnh đó, động cơ tham gia các lớp học nghề của học sinh có những lệch lạc, trong khi việc thiếu chính sách khuyến khích đối với học sinh, các trường tuyển hệ tốt nghiệp THCS. Qua khảo sát cho thấy có 89,9% ý kiến cho rằng chưa có chính sách khuyến khích người học là một trong các nguyên nhân cản trở phân luồng.

Phân luồng học sinh sau THCS và THPT có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, nhằm cung cấp đội ngũ nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tiến trình CNH, HÐH đất nước. Vì vậy, để phân luồng hiệu quả, Phó Vụ trưởng Kế hoạch tài Chính (Bộ GD và ÐT) Lê Khánh Tuấn cho rằng: Cần xây dựng lại hệ thống cơ chế tuyển dụng và sử dụng lao động theo hướng tuyển dụng dựa vào năng lực và kỹ năng nghề nghiệp, không dựa vào bằng cấp. Ông Tuấn cũng đề nghị: Cần có sự phối hợp hiệu quả thực hiện tốt công tác dự báo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội để làm cơ sở cho xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đủ số lượng ở tất cả các trình độ và đáp ứng cơ cấu ngành nghề.

TS Lê Ðông Phương nhận định: Giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cần phải được tiến hành liên tục trong quá trình định hình nhân cách của học sinh, không đợi đến cuối cấp THCS mà được triển khai từ đầu THCS. TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực (Bộ GD và ÐT) cho rằng: Cần sự chỉ đạo kịp thời và sát sao từ Bộ GD và ÐT để thực hiện đồng bộ hoạt động giáo dục và tư vấn hướng nghiệp, phân luồng ở các nhà trường THCS, THPT. Ðổi mới nội dung giáo dục và tư vấn hướng nghiệp theo hướng chuyên sâu, thiết thực gắn với đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Chú ý những vấn đề mà học sinh quan tâm và có nhu cầu tư vấn hướng nghiệp. Giáo dục hướng nghiệp cần được coi như một môn học tách biệt chứ không phải tích hợp trong các môn học khác hoặc đánh đồng với giáo dục ngoài giờ lên lớp.

GS, TSKH Nguyễn Minh Ðường, nguyên Vụ trưởng Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (Bộ GD và ÐT) thì cho rằng, trong hướng nghiệp cần tránh việc rập khuôn theo mô hình các nước. Vì các điều kiện cho học tập, phân luồng, hướng nghiệp ở các nước khác nhau. Ngay trong nước thì các vùng miền, các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau cũng phải có phương pháp phân luồng hướng nghiệp khác nhau sao cho phù hợp, có như vậy mới bảo đảm được hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp, tránh tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực.