Học trò nghèo đất đảo

NDO -

NDĐT - Nghèo khó là hoàn cảnh chung của cư dân đất đảo. Cái học càng thêm gánh nặng cái nghèo. Cố gắng học chính là giải pháp để thoát khỏi cái nghèo, nhưng việc học cũng lắm nhiêu khê. Đó là thực tế mà chúng tôi nghe và được thấy tại xã đảo Hòn Tre, trung tâm hành chính của huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Học sinh đất đảo.
Học sinh đất đảo.

Thầy Võ Hoàng Tuấn, giáo viên Trường THPT Kiên Hải nói không nhớ đã bao nhiêu lần đưa học trò lớp 12 của trường vào TP Rạch Giá thi tốt nghiệp. Nhưng 30 năm từ khi huyện đảo Kiên Hải thành lập đến nay, thì cũng chừng đó số lần thầy đưa các học trò đất đảo đi thi. “Mỗi chuyến tàu chở học trò đi thi là chở theo biết bao ước mơ và cả những nỗi niềm trăn trở của các em trước ngưỡng cửa cuộc đời”- thầy Tuấn tâm sự.

Thầy Tuấn cho biết, học trò xứ đảo đa số gia cảnh chỉ từ mức đủ ăn trở xuống nghèo. Những gia đình có điều kiện người ta cho con vô đất liền học từ lúc mới vào cấp hai, hoặc trễ là đầu năm lớp 10. Còn các em học tại đảo đa phần vừa đi học vừa phải làm thêm để phụ giúp kinh tế gia đình. “Có lẽ vừa học vừa làm nên năm học này lớp 12 của trường mình không có học sinh giỏi, em cao điểm nhất lớp cũng chỉ được 7,4” – thầy Tuấn nói.

Minh chứng điều đó, thầy Tuấn dẫn tôi len lỏi trên sườn núi men theo con hẻm bề ngang chỉ rộng vừa đủ một người đi để tới nhà em Nguyễn Hoài Bảo (SN 1995) học sinh lớp 12. Trong căn nhà vách ván lợp tôn đơn sơ, Bảo tươi cười nói: “Em vừa đi đẩy nước đá phụ ba về tới nhà, tắm xong thì thầy Tuấn và anh đến”. “Ba em làm nghề giao nước đá, mẹ bán bánh mì buổi sáng. Mỗi ngày sau giờ học ở trường em phụ ba đẩy nước đá giao cho mấy quán gần chợ” - Bảo tâm sự.

Bảo kể, năm ngoái khối lớp 11 chỉ duy nhất có một lớp, 31 bạn, lên lớp 12 chỉ còn 28 bạn, ba bạn nghỉ học do gia cảnh quá khó khăn phải đi biển kiếm sống. Cả lớp có 10 bạn nam, 18 bạn nữ. Hầu hết các bạn nam đều dự định thi đại học khối A, trong khi các bạn nữ chọn khối B và khối M. “Cả lớp em đều dự định thi đại học An Giang cho dễ đậu, nhiều bạn nữ chọn thi đại học để lấy điểm xét tuyển hệ cao đẳng mầm non hoặc tiểu học” – Bảo cho biết thêm.

Rời nhà Bảo, tôi và thầy Tuấn tới nhà em Trần Ngọc Yến. Ba Yến mất cách đây hai năm, một mình mẹ Yến phải lao động vất vả để nuôi ba đứa con. Anh Yến học hết lớp 12, không có điều kiện học tiếp phải đi làm phụ mẹ nuôi hai em. Yến bảo: “Em tính thi tốt nghiệp xong sẽ xin đi làm với anh hai để kiếm tiền giúp mẹ. Vài năm sau dành dụm đủ tiền rồi mới đi học tiếp”. Mẹ Yến cho biết, hằng ngày bà phải dậy từ 5 giờ sáng đi kéo nước trên suối về nhà dân. Mùa nắng mỗi ngày kiếm được hơn 100 nghìn đồng, mùa mưa như hôm rày thì mấy mẹ con chỉ ráng kiếm đủ tiền mua gạo, ăn cơm với cá khô đắp đổi qua ngày.

Chúng tôi tiếp tục đến nhà của em Nguyễn Việt Thanh, một học sinh nghèo nhất lớp. Đến nơi chỉ gặp bà ngoại của Thanh (62 tuổi) ở nhà, bà kể: “Ba mẹ Thanh đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh còn Thanh đang phải đi đục đá trên núi chiều tối mới về tới.

Tìm đến chỗ làm của Thanh, em vừa đục đá vừa tâm sự: “Ba mẹ em đi cào quanh đảo không đủ sống nên phải đi Sài Gòn làm thuê. Em ở nhà với ông bà ngoại và đứa em nhỏ học lớp bốn. Ngày nào rảnh em tranh thủ đi làm phụ hồ, đục đá mỗi ngày được trả công 120- 160 nghìn đồng phụ với ông bà ngoại. Ở tuổi 65, ngoại Thanh vẫn phải chạy đò chở ngư phủ từ tàu vô bờ, mỗi ngày chỉ kiếm hơn 100 nghìn đồng.

“Em nhớ ba mẹ lắm, mỗi năm chỉ gặp ba mẹ một lần vào dịp Tết. Em ước mơ trở thành sĩ quan quân đội, nhưng chắc học hết lớp 12 em phải đi làm với ba mẹ. Ba kêu em nghỉ học hồi năm lớp 11, nhưng ông chủ thấy em ham học quá nên khuyên ba mẹ cho em học hết lớp 12 rồi mới tính tiếp. Em quyết tâm vừa đi làm vừa ôn tập, cũng là để được ở gần ba mẹ. Khi nào đủ tiền em sẽ đi thi vào trường sĩ quân đội” - Thanh nói.

Những ước mơ rất bình dị, nhưng đối với những học trò nghèo nơi đất đảo vẫn còn xa.