Giữ nghề giáo cho làng cổ Phước Tích

Cả làng vỏn vẹn hơn 450 nhân khẩu nhưng có đến 30 tiến sĩ, thạc sĩ và hơn 300 giáo viên. Hầu như nhà nào trong làng cũng có người làm nghề "gõ đầu trẻ", thậm chí có nhà có đến năm người cùng theo nghề giáo. Ngôi làng đặc biệt ấy có tên là Phước Tích, nằm bên dòng sông Ô Lâu thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Các thế hệ thầy và trò ở Phước Tích đã tiếp nối truyền thống hiếu học của làng. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN
Các thế hệ thầy và trò ở Phước Tích đã tiếp nối truyền thống hiếu học của làng. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Phước Tích là một trong hai ngôi làng cổ nổi tiếng nhất tại Việt Nam (cùng với làng Đường Lâm ở Sơn Tây, Hà Nội), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và có đề án quy hoạch bảo tồn giá trị di sản. Nếu làng cổ Đường Lâm mang trong mình những dấu ấn kiến trúc độc đáo của đồng bằng Bắc Bộ, thì ngôi làng cổ Phước Tích lại mang một nét rất riêng của mảnh đất miền trung.

"Kho vàng không bằng nang chữ"

Làng cổ Phước Tích không chỉ nổi tiếng với nghề làm gốm mà còn được mệnh danh là "Làng hiếu học", khi hầu hết các hộ dân ở đây đều có người làm nghề giáo và phong trào hiếu học của làng luôn được đặc biệt quan tâm. Tại làng Phước Tích không có ruộng để canh tác nên người dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề gốm. Công việc vất vả lại bấp bênh, nên dân làng Phước Tích vẫn khát khao được học. Cứ thế, nét đẹp văn hóa "Một kho vàng không bằng một nang chữ" lan tỏa qua bao thế hệ.

Cùng với niềm tự hào về nghề gốm, người dân làng Phước Tích học rất giỏi và đỗ đạt cao qua các thời kỳ lịch sử. Chuyện dưới thời Vua Gia Long, làng Phước Tích đã có cụ Nguyễn Văn Kham thi đỗ tú tài, là người phát khoa của làng, về sau làng có hơn 20 người thi đỗ tú tài, cử nhân, có người làm đến tri huyện, tri phủ, thị giảng học sĩ Hàn lâm viện... Từ năm Thành Thái thứ hai (1890), 11 thí sinh và khóa sinh trong làng làm đơn xin trưng đất ở, lập nên xóm Hội (tên chữ là Xuân Viên) nhằm tu chí học hành, dạy dỗ con em theo đường học vấn nên còn gọi là xóm Học.

Thời nào cũng chuộng người tài, muốn thành tài thì cần phải học. Phong trào học tập lan tỏa trong làng và họ vẫn tự hào khi truyền tai nhau câu ca: "Tú tài lấy triêng mà gạt/Cử nhân lấy trạc mà khiêng". Nhiều cụ cao niên trong làng giải thích, "triêng" là đòn gánh và "trạc" là dụng cụ khiêng đất, gồm một tấm đan bằng nan tre dày, buộc hai đòn tre hai bên, khi khiêng phải có hai người, một người đi trước một người đi sau. Xưa khi đong lúa, người ta thường dùng cái ống tre để gạt phần lúa thừa trên cái thùng gỗ hay hộc gỗ. Ở Phước Tích, do người đỗ tú tài nhiều quá nên phải dùng đòn gánh thay cho ống tre để gạt. Những làng khác có người đỗ cử nhân, dân làng thường dùng kiệu để rước. Còn ở Phước Tích nhiều người đỗ cử nhân, không đủ kiệu nên phải thay bằng trạc để đi đón.

Nhớ lại chuyện xưa, các bậc cao niên trong làng phấn chấn, nhà nào cũng mong muốn "gieo chữ" cho con và khát vọng "Một kho vàng không bằng một nang chữ" lan tỏa qua bao thế hệ. Dấu tích về học hành vẫn hiện hữu ở các nhà thờ các dòng tộc, họ vẫn còn lưu giữ nét chữ người xưa: "Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ". Ông Lương Vĩnh Viễn, một cựu giáo chức ở tuổi "xưa nay hiếm" kể: "Sử sách ghi lại, trước đây ở vùng này có một ngôi trường, song chủ yếu là con em trong làng Phước Tích đến học. Dẫu ban ngày có lam lũ với khói nung thì đêm về họ vẫn không bỏ lớp". Không chỉ học để biết chữ mà họ còn về dạy lại cho con em trong vùng. Thời ông Viễn, học trò nhiều người đỗ vào Trường THPT chuyên Quốc học Huế.

Theo các cụ cao niên trong làng, xưa bày nay làm, mỗi khi dòng họ nào có con cháu đi thi, trưởng tộc đều sắm sửa mâm lễ vật đem ra miếu Văn Thánh, cầu mong con cháu công thành danh toại. Lệ làng vẫn được lưu giữ khi những em học giỏi luôn được tôn vinh ở miếu Văn Thánh vào những lễ Tế Thu. Những em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học bổng, không để các em bỏ học giữa chừng vì nghèo khó.

Ngôi làng hiếu học

Trong ngôi làng chỉ có vỏn vẹn hơn 120 hộ, 457 nhân khẩu nhưng có đến hơn 300 nhà giáo. Tính ra, ở làng Phước Tích nhà nào cũng có người theo nghề giáo, có nhà có đến năm, sáu người làm nghề giáo. Điển hình, như gia đình thầy Nguyễn Duy Hòa có bốn giáo viên, gia đình thầy Lê Trọng Đào có sáu người là giáo viên; gia đình ông Lê Trọng Diễn có ba thế hệ làm nghề giáo... Thật đáng trân trọng khi ở làng Phước Tích không chỉ có mối quan hệ "hàng xóm láng giềng" mà còn là tình thầy trò. Ở nhiều gia đình, cha mẹ, con cái đều học cùng một thầy. Tiếp nối truyền thống, các trường học trên địa bàn xã Phong Hòa hay các xã trong vùng đều có giáo viên là người Phước Tích đứng lớp ngày càng nhiều.

Điều mà người dân làng Phước Tích tự hào là chuyện học của các em thời nào cũng được xem trọng. Học sinh đoạt các giải cao ở các cấp học đều là con em của các nhà giáo, và luôn được nhận học bổng từ Quỹ khuyến học của làng trao tặng. Tôi vẫn nhớ lời cô giáo Lành, cũng là con em làng Phước Tích, rằng hầu như học sinh ở đây chẳng bao giờ phải học thêm. Giáo viên các bộ môn đều ở quanh làng, tính ra hiện vẫn còn 20 cựu giáo chức và gần 50 giáo viên các cấp ở quanh làng nên có thể hỗ trợ các em bất cứ lúc nào. Hơn bao giờ hết, nếp nhà vẫn luôn hiện hữu ở Phước Tích khi ngay mỗi gia đình ông, bà, cha mẹ có thể kèm cặp cho con, cháu học. "Hằng năm, học sinh làng Phước Tích đều đỗ vào các trường THPT và nhiều em đỗ vào các trường đại học tốp đầu. Các em đều chăm chỉ học tập nên phần lớn con em trong làng ra trường đều có công ăn việc làm ổn định", trưởng thôn Hoàng Tấn Minh khẳng định.

Giữ nghề giáo cho làng cũng là trọng trách của bao thế hệ giáo viên có tâm huyết. Thế nên, họ tìm đến nhau thành lập nên Hội giáo chức với 50 người để xây dựng nguồn quỹ ổn định. Hội giáo chức là nơi sinh hoạt của những thầy, cô giáo đã về hưu và đang dạy học, đang sinh sống trong làng. Là đồng nghiệp, là thầy trò của nhau, hội còn là nơi chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm về nghề dạy học... Việc khuyến khích học tập không chỉ được người dân hiện đang sống tại làng mà còn được Hội đồng hương làng Phước Tích ở các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm. Hằng năm, các hội đồng hương thường hỗ trợ quà, học bổng để tặng thưởng động viên những em học sinh giỏi hoặc khó khăn". Ngay tại làng, cứ dịp ngày 20/11 hằng năm, làng tổ chức dâng hương tưởng nhớ các vị hiền tài của đất nước ở miếu Văn Thánh, đồng thời tổ chức tuyên dương khen thưởng các học sinh ưu tú và cấp phát học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học của làng, tổ chức tọa đàm về nghề giáo.

Tôi vẫn nhớ câu nói của trưởng thôn Hoàng Tấn Minh trong lúc chia tay, dân làng Phước Tích có thể chịu nghèo về mọi thứ, nhưng nhất định không chịu nghèo về trí tuệ.