Giáo viên kiêm “tuyên truyền viên” chống dịch

Là một trong những địa phương xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, người dân ở huyện Mường Nhé đa phần là người dân tộc thiểu số, nhiều bản chưa có điện nên việc nắm thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn hạn chế. Hiểu được điều này, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc học sinh, giáo viên huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên còn kiêm nhiệm tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đến học sinh, phụ huynh, nhân dân với nội dung ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu và dễ thực hành.

Thầy và trò lớp mầm non điểm trường Huổi Đá, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên) tìm hiểu các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thầy và trò lớp mầm non điểm trường Huổi Đá, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên) tìm hiểu các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Thầy giáo Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Với kinh nghiệm phòng, chống dịch có được từ thực tiễn thời gian qua, hầu hết ban giám hiệu các trường đều đánh giá cao sự chủ động của giáo viên cắm bản trong tuyên truyền phòng, chống dịch. Ngoài chương trình giảng dạy, chăm sóc học sinh thì mỗi thầy, cô giáo dạy học ở điểm bản còn kiêm vai trò người cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh; hướng dẫn học sinh, phụ huynh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như: đeo khẩu trang, khai báo y tế khi có biểu hiện sốt, ho và khai báo lịch trình di chuyển khi đi từ địa phương khác về địa bàn. Năm học 2021 - 2022, toàn huyện có 312 giáo viên đảm nhiệm dạy 312 lớp tại 105 điểm bản. Trong đó, có 173 lớp mầm non với hơn bốn nghìn trẻ; 139 lớp tiểu học (chủ yếu lớp 1 và lớp 2) với 2.526 học sinh. Như vậy, tính trung bình mỗi giáo viên điểm bản hằng ngày sẽ kiêm “tuyên truyền viên” phòng dịch đến 23 học sinh. Đấy là chưa tính số phụ huynh, bà con nhân dân tại các điểm bản thường được giáo viên hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Giáo viên cắm bản cũng là người thường xuyên cập nhật thông tin người nơi khác đến bản để cung cấp cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã những khi trưởng bản bận mải việc đồi nương.

Theo lời giới thiệu của thầy Chùy, chúng tôi đến thăm điểm trường Huổi Đá thuộc xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. Cách trung tâm xã Nậm Kè gần 20 km và cách trung tâm huyện Mường Nhé 45 km, điểm trường Huổi Đá tọa lạc trên khuôn viên khá bằng phẳng giữa bản Huổi Đá. Đây là điểm trường ghép gồm hai lớp tiểu học (lớp 1, lớp 2) và hai lớp mầm non. Đảm nhiệm việc dạy học, chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho 73 học sinh ở điểm bản Huổi Đá có bốn thầy, cô giáo kiêm các việc: đón trẻ, dạy học, nấu ăn, dọn dẹp, rửa bát đĩa, chăm sóc bồn hoa, lớp học… và các thầy, cô kiêm cả việc của “tuyên truyền viên” phòng dịch.

Thầy giáo Bàn Văn Đức, giáo viên mầm non cắm bản Huổi Đá cho biết: Phần vì xa trung tâm, phần vì nhiều người không biết tiếng phổ thông cho nên cuộc sống của bà con dân tộc H’Mông nơi đây như một “ốc đảo” tách biệt bên ngoài. Năm trước, khi dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương và trong tỉnh mới có ba trường hợp mắc thì gần như 100% người dân bản Huổi Đá chẳng biết Covid-19 là gì. Một số người có điện thoại Smartphone nghe thông tin xuyên tạc về bệnh từ các trang mạng xấu lại lo lắng thái quá… Hiểu được tâm trạng đó của bà con, tôi đã bàn với các thầy, cô giáo ở điểm bản Huổi Đá chủ động cập nhật thông tin từ trang báo chính thống, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống Covid tỉnh rồi trao đổi với phụ huynh trước mỗi buổi đón trẻ hoặc cuối ngày khi phụ huynh đón trẻ về nhà. Với học sinh, hằng ngày giáo viên ở đây đều dạy các cháu cách rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhắc các cháu không tiếp xúc người lạ, người từ nơi khác về. Mỗi ngày dạy một điều, mỗi ngày đều nhắc lại điều hôm trước để học sinh nhớ lại kiểu “ôn bài”. Cũng cách đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi với phụ huynh dần dần họ đã hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh cho nên họ rất hạn chế tiếp xúc người ngoài bản; có việc cần lắm phải đi trung tâm xã mua sắm thực phẩm thì ngay khi về bản bà con đều khai báo lịch trình tiếp xúc với trưởng bản để trưởng bản cập nhật thông tin hằng ngày. “Làm việc, ăn nghỉ tại bản và biết tiếng của bà con dân bản nên khi chúng em nói bà con hiểu ngay. Cùng với đó là cách nói, cách làm; mỗi ngày đều cung cấp thông tin, mỗi ngày hướng dẫn bà con một biện pháp phòng, chống để bà con dễ nhớ, dễ thực hiện”, thầy Đức chia sẻ.

Đánh giá cao cách làm, đóng góp của đội ngũ giáo viên cắm bản đã âm thầm góp sức phòng, chống dịch, thầy giáo Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Nhờ sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các đội ngũ giáo viên cắm bản, năm học 2020 - 2021 huyện Mường Nhé đã hoàn thành “mục tiêu kép” là hoàn thành các nhiệm vụ năm học và hoàn thành các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học. Dù ở vùng biên, dân cư thưa thớt, thiếu thốn trang thiết bị phòng dịch nhưng 100% học sinh, giáo viên và nhân dân trên địa bàn không ai nhiễm bệnh. Đáng mừng hơn cả là hiểu biết của học sinh, nhân dân trên địa bàn về tầm quan trọng các biện pháp phòng dịch được nâng lên rõ rệt, cho nên tại mỗi điểm bản bà con đã lập một “pháo đài” phòng dịch an toàn, linh hoạt.