Giáo dục Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số

NDO -

Ngày 9-12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Hội thảo chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo”. Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội thảo.

Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo.
Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai chuyển đổi số thời gian qua và thảo luận định hướng, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Giáo dục thời gian tới. Nội dung thảo luận tập trung vào bốn chủ đề chính: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; phát triển, sử dụng tài nguyên giáo dục số và môi trường học tập số; phát triển kỹ năng số cho học sinh sinh viên; phát triển nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số quốc gia.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Trong tất cả chủ trương, văn bản của Đảng, Chính phủ đã nêu đều rất nhấn mạnh đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại mới. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên triển khai.

Với quy mô hơn 53 nghìn cơ sở GD và ĐT, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành GD và ĐT xác định Chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện GD và ĐT, nâng cao hiệu lực hiệu quả các hoạt động giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục.

Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD và ĐT -0
Bộ GD và ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong GD và ĐT. 

Một nhiệm vụ ngành giáo dục rất quan tâm là làm sao tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu. Vì vậy, mục tiêu của ngành GD và ĐT là cố gắng phấn đấu để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD và ĐT. Qua đó góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, ngành Giáo dục ý thức rằng, phải xây dựng một đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp. Các trường đại học rà soát, mở mã ngành chưa có trong truyền thống để phục vụ ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin, đào tạo ra các kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Về gián tiếp, chúng ta thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số để từng công dân được tiếp cận, làm quen và từng bước rèn luyện bài bản.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số GD và ĐT, nhất là đại học và dạy nghề có lẽ là con đường đúng nhất, nhanh nhất để tạo ra sự đột phá cho ngành. Chuyển đổi số đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Giảng viên sẽ tập trung tạo giá trị tăng thêm trên các nền tảng số. Trong xã hội tương lai, việc học là nhu cầu cả đời người và đại học phải giải quyết nhu cầu này. Mỗi nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số và nếu nhìn dưới góc nhìn này, đại học ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là một đại học truyền thống.

“Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành với Bộ GD và ĐT trong hành trình đầy thách thức và vinh quang này, vì chuyển đổi số đầu tiên là nhắm vào giới trẻ để từ đó thúc đẩy toàn xã hội. Những điểm về công nghệ số, xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số ngành GD và ĐT đề nghị giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ trưởng GD và ĐT và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; ký kết hợp tác giữa Bộ GD và ĐT với một số tập đoàn, doanh nghiệp và với Ban Điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa…

Bộ GD và ĐT đã xây dựng và đưa vào sử dụng chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông với mục tiêu số hóa thông tin quản lý tất cả các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục. Đến nay, đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý của ngành Giáo dục (53 nghìn trường học mầm non, phổ thông; gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất...), hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn, lương...); số hóa thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học, tài chính, báo cáo chuyên sâu về dạy - học ngoại ngữ...