Giáo dục sáng tạo và thích ứng đối với trẻ trong thời kỳ mới

NDO -

Ngày 21/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) tổ chức “Hội thảo giáo dục sáng tạo và thích ứng đối với trẻ trong thời kỳ mới”.

Nhà giáo nhân dân, PGS, TS, BS Nguyễn Võ Kỳ Anh phát biểu tại hội thảo.
Nhà giáo nhân dân, PGS, TS, BS Nguyễn Võ Kỳ Anh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Nhà giáo nhân dân, PGS, TS, BS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho biết: Mục đích của hội thảo nhằm giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp, mô hình giáo dục sáng tạo đối với trẻ em ở giáo dục mầm non, tiểu học mà viện đã tiếp nhận, nghiên cứu, thực nghiệm có kết quả. Đồng thời, đề xuất một số kiến nghị về chính sách hỗ trợ để các trường công lập và ngoài công lập vượt qua được những khó khăn, thử thách, bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ em trong thời kỳ mới.

Trong giáo dục và đào tạo, sáng tạo và thích ứng là những yếu tố cốt lõi giúp phát triển năng lực sáng tạo và khả năng thích nghi của người dạy, người học, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội, tạo dựng nền kinh tế tri thức và sáng tạo. Ở nhiều nước, các nội dung giáo dục sáng tạo và thích ứng đã được áp dụng trong các nhà trường từ nhà trẻ tới sau đại học với nhiều hình thức giáo dục được áp dụng rất phong phú. 

Với mong muốn giáo dục nước ta trong thời kỳ mới, người dạy và người học trong mọi ngành học, bậc học nói chung và giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học nói riêng cũng phải có sáng tạo và thích ứng, tạo điều kiện cụ thể để trẻ em có môi trường học tập tích cực, hạn chế thiệt thòi đối với trẻ, nhất là quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm. Đổi mới hoạt động chuyên môn trong nhà trường; vận dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới phù hợp với thực tiễn Việt Nam để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi về các giải pháp giáo dục sáng tạo và thích ứng đối với trẻ em trong thời đại công nghệ 4.0; các mô hình giáo dục sớm sáng tạo và thích ứng trong giáo dục mầm non.

Giáo dục sáng tạo và thích ứng đối với trẻ em trong thời đại công nghệ 4.0

Chia sẻ về “Sunbot ứng dụng công nghệ Robot giáo dục phát triển tư duy kỹ thuật số cho trẻ mầm non”, Giám đốc chuyên môn của Sunbot Nguyễn Hương Lệ cho biết: Sunbot là chương trình được thiết kế dành riêng cho lứa tuổi mầm non (3-6 tuổi) hướng đến phát triển tư duy cảm xúc kỹ thuật số và được đưa vào giảng dạy tại các trường mầm non. Tác động của Robot đối với giáo dục trẻ em là khả năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và làm việc nhóm; tạo sự hứng thú trong học tập của trẻ; khả năng nhận thức về tình cảm xã hội của trẻ cao hơn; tiếp cận và hiểu về khoa học; khả năng logic toán học. Chương trình đã được thẩm định bởi Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người và Trung tâm Nghiên cứu giáo dục mầm non thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đã được nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo cùng hàng trăm trường mầm non triển khai ứng dụng có hiệu quả giáo dục tốt đối với trẻ thông qua việc học bằng chơi, chơi mà học.

Báo cáo về “Giáo dục trí thông minh kỹ thuật số trong thời đại 4.0”, Thạc sĩ Trần Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm phát triển trí tuệ Viêt Nam của IPD cho biết: Trẻ em ngày nay đang được sống trong một thế giới công nghệ số siêu kết nối, mang đến nhiều kiến thức, trải nghiệm và công dụng hữu ích. Tuy nhiên, sự phát triển với tốc độ chóng mặt của công nghệ và thế giới số khi chưa kịp trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng cần có để tự bảo vệ bản thân lại khiến thế giới số trở thành một nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro và những mối nguy hại báo động đến sự an toàn của trẻ em. Nhất là khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, trường học đóng cửa, ít dịch vụ cộng đồng hơn và sự gia tăng đáng kể thời gian sử dụng thiết bị điện tử và truy cập trực tuyến mà không được kiểm soát, đã làm tăng cao hơn các nguy cơ rủi ro mạng cho trẻ. Vì thế cần đưa giáo dục trí thông minh kỹ thuật số vào nhà trường để giúp trẻ em làm chủ và bảo vệ an toàn cho bản thân, cũng như tối ưu hóa các cơ hội và khả năng của mình trong thế giới kỹ thuật số.

Giáo dục sớm sáng tạo và thích ứng trong giáo dục mầm non

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, Thạc sĩ Lưu Thị Minh Hường cho biết: Trẻ nhỏ từ 0 đến 3 tuổi, nhất là trong giai đoạn đầu đời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển toàn diện của mỗi con người. Song thực tế ở nước ta, trẻ giai đoạn này chỉ mới chú ý đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe mà chưa được quan tâm đến giáo dục sớm cho tuổi nhà trẻ. Vì vậy, theo Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, độ tuổi này cần một mô hình giáo dục nhà trẻ chất lượng cao đáp ứng tốt sự phát triển của trẻ. Từ đó, mô hình nhà trẻ Merbaby đã được ra đời để thực nghiệm các phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và đã đem lại những hiệu quả tích cực đối với trẻ, cha mẹ các cháu và đội ngũ giáo viên. 

Là cơ sở thực hành của Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, cô giáo Bùi Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non VSK Thăng Long (Tây Hồ, Hà Nội) đã chia sẻ kinh nghiệm mô hình đã áp dụng để thích ứng và tồn tại trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong thời gian nghỉ dịch, nhà trường đã gửi video hướng dẫn phụ huynh chơi học cùng con; gửi các mẫu bài tập để cha mẹ thực hành cùng con; có chương trình tương tác qua zoom cùng các bé hằng ngày (có thu phí). Việc làm này đã giúp đội ngũ giáo viên gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt toàn trường trên zoom để trao đổi tâm tư tình cảm, nguyện vọng; tạo điều kiện để giáo viên bán online những học cụ, học liệu do nhà trường sản xuất; hỗ trợ cho giáo viên theo chế độ chính sách bảo hiểm xã hội....