“Giải mã” trầm cảm tuổi học đường

NDO -

Với sự tham dự của nhiều chuyên gia về tâm lý tuổi học trò, tọa đàm trực tuyến “Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?” do báo Đại Đoàn Kết tổ chức ngày 7/4 đã góp phần làm rõ, tìm kiếm giải pháp đồng hành và chữa trị kịp thời đối với vấn đề trầm cảm tuổi học đường.

Toàn cảnh Tọa đàm “Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?”.
Toàn cảnh Tọa đàm “Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?”.

Buổi Tọa đàm mở đầu với lời đề dẫn đầy cảm xúc của Nhà báo Lê Anh Đạt, quyền Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết về những vụ việc đáng tiếc liên tục xảy ra trong những ngày qua ở lứa tuổi học sinh. Sự có mặt của các chuyên gia tại Tọa đàm là nhằm mục đích duy nhất: đưa ra nhìn nhận chung giữa gia đình, nhà trường và xã hội, gắn với niềm hạnh phúc cho mỗi học sinh.

Áp lực học đường lớn hơn chúng ta tưởng

Chia sẻ về những áp lực dẫn đến trầm cảm tuổi học đường, nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú, người được nhiều thế hệ học trò biết đến với tên gọi “anh Chánh Văn”, cho biết: “Khi còn gắn bó với chuyên mục “Gỡ rối tơ lòng” trên báo Hoa Học Trò, tôi nhận được rất nhiều phản ánh của các em học sinh. Tất cả đều là những áp lực không nhỏ, nhưng lại bị nhiều phụ huynh coi nhẹ”.

Theo đó, vô số lá thư của độc giả nhỏ tuổi gửi về cho “anh Chánh Văn” đã nói lên những nỗi buồn đau, bức xúc, sự cô độc mà người lớn thường bỏ qua. Ví dụ như 1 em học sinh chưa kịp đóng học phí cũng dễ dàng trở thành “chuyện lạ” trong lớp, hứng chịu những lời trêu chọc của bạn bè. Hoặc đơn cử như câu chuyện thành tích từ cả gia đình và nhà trường, thì con trẻ cũng luôn là mục tiêu hứng chịu mọi áp lực.

Đồng tình với ý kiến trên, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dẫn số liệu thống kê cho hay: có tới 10% trẻ vị thành niên bị trầm cảm, trong đó xấp xỉ 10% dẫn đến tự tử vì trầm cảm. 

“Tôi có 2 con đều thành đạt. Mới đây, khi tiếp cận mạng xã hội, tôi được biết con trai mình (PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu) ngày nhỏ rất ham đá bóng, còn con gái có những người bạn thân chơi từ nhỏ đến giờ. Cha mẹ không tạo áp lực, thì con cái mới được phát triển vui tươi”, vị GS đã 83 tuổi chia sẻ. 
Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Đinh Văn Đoàn thẳng thắn nhìn nhận: Covid-19 là cú sốc chưa từng có với toàn nhân loại. Thông thường, sau 1 biến cố tâm lý lớn, con người ta sẽ phải trải qua 1 quãng thời gian “tái khởi động” với lộ trình, liệu trình cụ thể. “Vậy vì lý do gì, công tác giáo dục và đào tạo sau đại dịch ở nhiều địa phương cứ phải gấp rút, cấp tốc, vội vã?”, ông nói.

Giải pháp nào cho trầm cảm học đường?

Cũng theo gợi mở của chuyên gia chương trình “Cửa sổ tình yêu”, thay vì thầy trò vừa gặp nhau đã “hò dô” học bằng 2, bằng 3 bình thường để đuổi chương trình, kịp chỉ tiêu, đạt thành tích... thì thầy trò hãy làm quen lại với mọi thứ tưởng như đơn giản nhất. Đầu tiên, nên chăng chỉ gặp nhau và cùng tham gia những trò chơi tập thể, tiếp theo là học 1 buổi, nghỉ 1 buổi rồi mới nghĩ tới chuyên tâm vào thời khóa biểu. 

Đóng góp ý kiến vào vấn đề này, nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú đặt câu hỏi về những thay đổi về lĩnh vực kinh tế để phù hợp với các tác động của đại dịch Covid-19, từ đó chiếu sang ngành giáo dục và đào tạo. 

Nhấn mạnh việc học sinh thi vào lớp 10 ở Thủ đô thời gian qua suýt chút nữa đã phải gồng mình đối mặt với 4 môn thi nếu không có sự phản ứng gay gắt của phụ huynh, anh bộc bạch: “Tôi không hiểu vì sao các nhà quản lý giáo dục lại khăng khăng bám chặt những mục tiêu như vậy, trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học?”.

Theo anh Hoàng Anh Tú, thầy cô và học trò những ngày này nên gặp nhau ở những “bữa tiệc” tựu trường sau thời gian dài xa cách, gián đoạn học tập. Các nhà quản lý giáo dục cũng cần hạ bớt chỉ tiêu, từ đó giảm áp lực trong dạy học cho giáo viên, tiếp theo là giảm áp lực cho học sinh.

Cũng là 1 người mẹ có con nhỏ trong độ tuổi đi học, diễn viên Nguyễn Thu Quỳnh tâm sự: “Hôm qua, tôi lần đầu tiên thấy nhiều nụ cười rạng rỡ trên gương mặt trẻ thơ trong ngày đến trường như thế. Đôi khi, chúng ta mưu cầu quá nhiều mà quên mất rằng, chỉ cần các con được vui mỗi khi tới lớp là đủ”.

Để các em nhỏ vượt qua trầm cảm học đường, nữ diễn viên chính của “Về nhà đi con” khẳng định, điều cần nhất chính là gia đình. Người lớn hãy tập thói quen dành thời gian riêng cho con thay vì quay cuồng trong công việc, từ đó vừa giảm bớt áp lực, vừa mang đến cho con và chính bản thân những trải nghiệm không dễ dàng có được trong cuộc sống.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định: không nên cấm đoán trẻ, thay vào đó cần hướng các em vào mục tiêu, mục đích sống. Để làm được điều này, bố mẹ phải làm gương để các con noi theo. Nếu bố mẹ chỉ lo kiếm tiền mà lơ là chăm sóc con, thì các em sẽ học theo những điều không lành mạnh. Nếu cả cộng đồng đều nêu gương tốt, thì trẻ em chắc chắn sẽ phát triển lành mạnh.