Chuẩn bị phương án tốt nhất để đưa học sinh trở lại trường học

NDO -

Ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục với mục đích tìm giải pháp đưa học sinh trở lại trường sau Tết Nguyên đán.

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong 2 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động dạy và học để thích ứng với dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trường học. Với những nơi an toàn, trường học duy trì dạy học trực tiếp; nơi dịch phát sinh phức tạp thì chuyển sang dạy học trực tuyến, học trên truyền hình; nhiều nơi tổ chức một cách linh hoạt, dạy học kết hợp giữa các hình thức.

Sau thời gian dài trẻ không được đến trường hoặc đến trường rất ít, không chỉ ảnh hưởng chất lượng dạy học mà còn ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ và ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, kinh tế, cũng như những tác động nhiều mặt khác.

Hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine trên cả nước đã rất cao; điều kiện phòng, chống dịch cũng như hiểu biết và thích ứng của người dân được cải thiện, nâng cao; địa phương có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống, dịch. Với sự khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phân tích kinh nghiệm các nước, đây chính là lúc cần điều chỉnh trong mở cửa trường học một cách an toàn, như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Nghị quyết 128/NQ-CP.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo cần "khẩn trương, cương quyết, chu đáo" trong quá trình chuẩn bị đưa học sinh trở lại, kể cả học sinh trung học đã tiêm vaccine hay trẻ mầm non, tiểu hoc chưa tiêm. Trong đó, đưa học sinh đã tiêm vaccine trở lại trường sau Tết là một yêu cầu. "Không có phương án nào là hoàn toàn tuyệt đối, đáp ứng mọi khía cạnh nhưng cần phải chọn phương án tốt nhất", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo về thực trạng chỉ đạo việc học sinh đến trường trở lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đợt bùng phát lần thứ 4, toàn ngành có 130.014 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19. Đến nay, có khoảng 4.800 giá viên, học sinh đang điều trị. Trong khi đó, số học sinh và giáo viên được tiêm vaccine đạt tỷ lệ khá cao. Số học sinh từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine mũi 1 đạt hơn 90%; mũi 2 đạt 72,24%. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 đạt 82%; mũi 3 đạt 28,2%.

Đến ngày 15/1, có 43/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; có 46/63 tỉnh/thành phố cho học sinh tiểu học đến trường chiếm tỉ lệ 57,38% học sinh tiểu học/cả nước; 53/63 tỉnh/thành phố cho học sinh THCS, THPT (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp chiếm tỷ lệ 69% học sinh/cả nước. Dự kiến đến ngày 7/2, có thêm 8 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp.

Cùng với tiến độ tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới các hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần cập nhật, đánh giá mức độ dịch để quyết định linh hoạt việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Quang Hưng cho biết, trên thế giới, trước khi có vaccine thì việc học online là một giải pháp hoàn toàn phù hợp để giảm lây nhiễm trong cộng đồng. Khi tỷ lệ phủ vaccine của quốc gia đạt yêu cầu thì việc quay lại học trực tiếp là tất yếu để bảo đảm chất lượng giáo dục. Trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương với 26 nước có 65% mở cửa hoàn toàn; 35% còn lại mở cửa một phần, trong đó có Việt Nam). Theo khuyến cáo của UNICEF và UNESCO, trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng là trường học.