Chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học

Mặc dù ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) cùng các địa phương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh công tác thu, chi đầu năm học, nhưng tình trạng lạm thu vẫn tái diễn, gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và xã hội. Cơ quan quản lý giáo dục cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục vi phạm.

Muôn kiểu lạm thu

Chúng tôi đã có buổi trao đổi với đại diện Ban Giám hiệu một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội để làm rõ một số ý kiến bức xúc của những người có con vào lớp 1 khi phải đóng 1,7 triệu đồng tiền mua máy điều hòa không khí, máy tính xách tay, máy chiếu, phông chiếu. Hiệu trưởng Trường tiểu học này cho biết, trường chưa tổ chức họp phụ huynh cho nên chưa thu tiền. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra một số chứng cứ phụ huynh đã đóng tiền, cô hiệu trưởng nói không nắm được và cho kiểm tra lại.

Theo lãnh đạo trường tiểu học này, trường không yêu cầu hay tổ chức thu tiền mua máy điều hòa không khí, máy chiếu, máy tính xách tay, phông chiếu. Từ năm học 2017-2018, những phụ huynh nào tặng thì trường tiếp nhận, đấy là do phụ huynh hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đó tự nguyện tặng. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD và ÐT, các cơ sở giáo dục không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân đối với cha mẹ học sinh.

Việc trường "đổ lỗi" cho ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không hoàn toàn thuyết phục vì thực tế các lớp chưa tổ chức họp phụ huynh cho nên chưa bầu ra ban đại diện cha mẹ học sinh. Những lớp đã thành lập ban đại diện cha mẹ học sinh, theo quy định, không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như: mua máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học… Việc phụ huynh đóng tiền theo đề nghị của cô giáo chủ nhiệm đã diễn ra ở Trường tiểu này. Tuy vậy, đây có phải là chủ trương của trường này hay không, đề nghị Phòng GD và ÐT quận Cầu Giấy làm rõ.

Chung quanh việc Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (Ba Ðình, Hà Nội) thu tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu (10 nghìn đồng) của học sinh có bố mẹ làm trong lực lượng vũ trang, Hiệu trưởng Phạm Minh Thảo và kế toán nhà trường Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết: Việc thu này đã diễn ra nhiều năm nay, trong đó năm học 2016-2017 có 101 cháu phải nộp. Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội quận Ba Ðình khẳng định, việc trường thu tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu của học sinh như trên là sai, bởi không có quy định nào cho phép thu.

Ngoài ra, một số bậc cha mẹ cũng phản ánh Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương thu tiền bảo hiểm y tế (BHYT) của các khối lớp 2, 3, 4, 5 trước thời hạn ba tháng, không có biên nhận, gây nghi ngờ cho phụ huynh về việc thu trước để sử dụng tiền sai mục đích. Cô giáo Phạm Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương cho rằng, nhà trường không biết việc phụ huynh nộp tiền BHYT cho giáo viên chủ nhiệm. Ðến nay, trường mới thu tiền BHYT của khối lớp 1. Các khối lớp 2, 3, 4, 5 chưa thu, tháng 8 vừa qua mới chỉ thông báo số tiền phụ huynh cần nộp chứ chưa thông báo ngày phải nộp. Trường sẽ thu sau khi họp phụ huynh.

Ðề nghị Phòng GD và ÐT quận Ba Ðình kiểm tra, làm rõ số tiền BHYT phụ huynh đã nộp hiện nay ở đâu, được sử dụng vào mục đích gì? Liên quan đến thời gian nộp tiền BHYT của các lớp 2, 3, 4, 5, Phó Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Vũ Mạnh Chữ cho biết, việc thu tiền BHYT của những lớp này vào đầu năm học là sai trái, bởi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ GD và ÐT đã có chỉ đạo, hướng dẫn các trường không thu đầu năm nhằm giảm áp lực cho cha mẹ học sinh.

Việc lạm thu cũng xảy ra tại TP Hải Phòng, gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương. Ðầu tháng 9, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh 20 khoản thu của Trường THCS Minh Tân (huyện Thủy Nguyên) với tổng số tiền hơn 9,1 triệu đồng. Trong đó, có nhiều khoản thu cao như: học thêm hơn ba triệu đồng/học sinh, học thêm nhóm 1,6 triệu đồng/học sinh, đồng phục 750 nghìn đồng/học sinh, quỹ lớp 500 nghìn đồng/học kỳ…

Tại Trường tiểu học Ðặng Cương (huyện An Dương), trường thông báo 14 khoản thu đối với lớp 1 là hơn 10 triệu đồng/ học sinh; lớp 4: hơn 5,9 triệu đồng/học sinh; lớp 5: gần 6,2 triệu đồng/học sinh/năm... Trong số này, khoản ủng hộ cơ sở vật chất và câu lạc bộ hè năm 2017 gộp làm một với mức thu 2,65 triệu đồng; kỹ năng sống là một triệu đồng; tiếng Anh là hai triệu đồng; trải nghiệm sáng tạo là 640 nghìn đồng; ủng hộ giáo viên lớp 1 tham gia dạy học hè là 185 nghìn đồng. Chỉ cần nhìn danh mục các khoản thu của hai trường nêu trên cũng đủ để cha mẹ học sinh "choáng váng", nhất là ở các vùng nông thôn. Vậy mà trường còn yêu cầu phải đóng đầy đủ trong tháng 9.

Xử lý nghiêm các trường thu sai, thu gộp

Ngay sau khi có thông tin về tình trạng lạm thu tại Trường THCS Minh Tân, UBND huyện Thủy Nguyên đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với thầy giáo Nguyễn Hữu Ðạt, Hiệu trưởng nhà trường để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thu các khoản thu đối với học sinh, có dấu hiệu vi phạm và báo cáo, thông tin thiếu trung thực. Trong khi đó, UBND huyện An Dương thành lập ngay đoàn kiểm tra công tác quản lý thu, chi và các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh năm học 2017-2018; công tác quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại trường này. Ðồng thời, huyện tổ chức cuộc họp chấn chỉnh và rà soát việc thực hiện thu, chi tại tất cả 54 trường học thuộc quản lý của huyện từ mầm non đến THCS.

Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, Trường tiểu học Ðặng Cương đã thu một số khoản không đúng quy định như: ủng hộ giáo viên lớp 1 tham gia dạy học trong dịp hè; ủng hộ cơ sở vật chất và câu lạc bộ hè năm 2017; học kỹ năng sống và học tiếng Anh có yếu tố nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng... Quan điểm của hai huyện Thủy Nguyên và An Dương là yêu cầu các trường hoàn trả các khoản thu không đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, nhất là người đứng đầu.

Theo Sở GD và ÐT Hải Phòng, năm học 2017-2018, Sở có văn bản quy định, các trường học cần làm rõ ba nội dung thu để chuyển tải đến các phụ huynh học sinh, gồm: thu bắt buộc (học phí, bảo hiểm y tế); thu tự nguyện (bảo hiểm toàn diện, dạy thêm, học thêm, kỹ năng sống, ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, xã hội hóa giáo dục...); thu hộ (tiền mua sách giáo khoa, vở viết, đồng phục, quỹ lớp...). Trong đó, các khoản thu tự nguyện như: mua bảo hiểm toàn diện, tiền dạy thêm, học thêm, kỹ năng sống, ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, xã hội hóa giáo dục..., học sinh có quyền không tham gia. Các trường không được thu gộp các khoản đầu năm học, mà chia thành nhiều đợt trong năm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Theo Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD và ÐT Hà Nội) Ðào Hải Yến, để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, tại các quận, huyện đã công bố đường dây nóng. Từ ngày 28-8 đến 28-9, Sở GD và ÐT Hà Nội thành lập năm đoàn kiểm tra về công tác thu, chi. Qua kiểm tra thực tế tại một số quận, huyện cho thấy, một số cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng Quyết định số 51/2013/QÐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 22-11-2013 về thu, sử dụng các khoản thu khác trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Cụ thể, các cơ sở giáo dục mặc dù đã đưa ra một số khoản thu ở mức thu cao nhất, nhưng qua kiểm tra lại không có dự toán chi. Với các trường chưa họp cha mẹ học sinh đã thu tiền hoặc thu sai, thu gộp, thu bình quân đối với các khoản tự nguyện, thỏa thuận, Sở sẽ kiểm tra và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định.

Ðề nghị cấp có thẩm quyền bên cạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh, cần tăng cường kiểm tra việc thu, chi đầu năm học đúng quy định để bảo đảm quyền lợi của người học; xử lý nghiêm các trường học cố tình thu các khoản ngoài quy định dưới nhiều hình thức khác nhau, gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội.