Bàn các giải pháp tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

NDO -

Ngày 11/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện các tỉnh, thành phố chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Tiếng Anh (Tiểu học, Trung học cơ sở); môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp Trung học phổ thông. Tinh giản biên chế 10% theo lộ trình 5 năm gây khó khăn đối với ngành Giáo dục và Đào tạo vì biên chế viên chức đang thiếu...

Nhiều nơi, nhất là các địa phương vùng khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm... còn thiếu, một số trường chưa có phòng học bộ môn; nhiều trường thiết bị dạy học không đầy đủ, không đồng bộ do điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn của địa phương chưa thể đáp ứng kịp thời.

Về lựa chọn sách giáo khoa, một số địa phương cho biết chưa thực hiện bố trí kinh phí, chế độ cho việc lựa chọn sách giáo khoa; không có giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật tham gia chọn sách giáo khoa… Có địa phương gặp khó khăn trong biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương…

Tại hội nghị, những đề xuất, kiến nghị của địa phương được đại diện lãnh đạo các cục, vụ liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi, giải đáp.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định: Các địa phương đã rất vào cuộc, rất thấu hiểu, ngành Giáo dục cũng đã rất quyết tâm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là điều đáng ghi nhận.

Để chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo sở Giáo dục và Đào tạo có những tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022-2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo. Ngay từ bây giờ, các địa phương phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các điều kiện khác cho tới năm học 2024-2025, năm triển khai ở các lớp cuối cùng để có tham mưu cụ thể, tránh thấy việc tới đâu mới tham mưu tới đó.

Liên quan đến lựa chọn sách giáo khoa, Bộ trưởng lưu ý, tinh thần chung là cố gắng bảo đảm sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, phát huy được tiếng nói của người trực tiếp dạy học; đồng thời phát huy được ý nghĩa của việc có nhiều bộ sách giáo khoa thông qua việc giáo viên có thể chọn một bộ để sử dụng nhưng tham khảo nhiều sách.

Trước thực tế thiếu giáo viên được nhiều địa phương nêu ra tại cuộc họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để có được chỉ tiêu; rà soát các chính sách, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho tuyển dụng giáo viên.

Về phía các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ đó có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng, đến bố trí dạy liên trường… để bảo đảm có giáo viên dạy các môn học trong chương trình mới.

Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng đề nghị địa phương dùng các biện pháp tổng lực để xử lý. Riêng về việc mua sắm thiết bị dạy học, Bộ trưởng giao các đơn vị chuyên môn của Bộ tham mưu làm việc với Bộ Tài chính để lên một khung giá thiết bị trong danh mục trang thiết bị mà Bộ quy định. Đây là việc cần làm sớm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong mua sắm thiết bị dạy học, phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông.