Áp lực kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 tại hầu hết các địa phương được tổ chức trong tháng 7, chậm hơn một tháng so với mọi năm. Để giảm áp lực cho thí sinh và xã hội, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) điều chỉnh thời gian ôn tập, lịch thi, giảm môn thi, giảm mức độ khó đề thi. Thời điểm này, các trường đang nỗ lực tổ chức ôn tập, hệ thống kiến thức, ổn định tâm lý, giúp học sinh bình tĩnh, tự tin khi bước vào kỳ thi.

Giờ ôn tập của học sinh Trường THCS Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội).
Giờ ôn tập của học sinh Trường THCS Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội).

Ða dạng hình thức ôn tập

Hiện nay, học sinh lớp 9 các địa phương đã hoàn thành kiểm tra học kỳ II và bước vào giai đoạn ôn tập "nước rút". Mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài, nhưng các trường THCS vẫn "dồn sức" để ôn tập, hệ thống kiến thức cho học sinh. Em Nguyễn Thị Anh Ngọc, Trường THCS Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, thời điểm này, các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn kỹ năng làm bài và ôn tập kiến thức trọng tâm. Trong khi đó, tại Trường THCS Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội), các thầy giáo, cô giáo tập trung ôn tập kiến thức cho học sinh thông qua hình thức luyện đề và hướng dẫn cách chọn bút chì, kỹ năng khoanh các câu trả lời trong bài thi trắc nghiệm. Thí dụ, thông qua luyện đề thi môn Tiếng Anh, giáo viên nắm được một số học sinh còn hổng kiến thức và đã có kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng cho các em. Ngoài việc giúp học sinh nắm chắc kiến thức, giáo viên môn Tiếng Anh còn giúp các em nắm chắc kỹ năng làm bài để hạn chế những lỗi có thể mất điểm; biết cách phân bổ thời gian làm bài hợp lý, biết chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau.

Cô giáo Phạm Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Bi cho biết, nhà trường đã chia các lớp ôn tập theo năng lực, trình độ học sinh. Học sinh ôn tập vào các buổi sáng và ba buổi chiều. Do các lớp không có điều hòa, học sinh ôn tập trong thời tiết nắng nóng vất vả, nhà trường đã trang bị mỗi lớp thêm ba quạt mát, nước mát; thường xuyên nhắc nhở học sinh đội mũ, nón khi đi học để bảo đảm sức khỏe. Nhà trường đã quán triệt giáo viên, thông báo cha, mẹ học sinh lịch, thời gian ôn tập; cập nhật thông tin; lưu ý học sinh giờ giấc ôn tập, nghỉ ngơi bảo đảm sức khỏe. Theo cô giáo Phùng Thị Minh Liễu, Hiệu trưởng Trường THCS Dương Xá, nhà trường đã hoàn thành chương trình giảng dạy các môn khối 9 từ ngày 6-6, hoàn thành kiểm tra học kỳ II và đang tổ chức các lớp ôn tập. Học sinh ôn tập từ thứ 2 đến thứ 6, nội dung bám sát chỉ đạo của Sở GD và ÐT trong việc tinh giản chương trình dạy học, ôn tập. Cô giáo Vũ Hạnh Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, công tác ôn tập được thực hiện từ đầu năm, nhưng giai đoạn này tập trung vào những kiến thức cơ bản. Một trong những điểm mới khác biệt năm nay là triển khai "Thực đơn ôn tập". Theo đó, ngoài việc học, ôn tập tại lớp, nhà trường thường xuyên soạn các đề thi, giao bài tập và hướng dẫn học sinh kỹ năng tự học, làm bài ở nhà có sự tham gia phối hợp của cha mẹ học sinh. Mỗi bài kiểm tra, cha mẹ học sinh đôn đốc, giám sát việc làm bài của con mình. Việc giúp học sinh tự học là một trong những giải pháp của kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với đặc thù thời kỳ dịch Covid-19.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, cô giáo Nguyễn Cẩm Mỹ, Hiệu trưởng Trường THCS Khai Quang (TP Vĩnh Yên) cho rằng, địa phương bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học thời gian khá dài. Ðể khắc phục khó khăn, ngành giáo dục tăng cường dạy học trực tuyến, cho nên công tác dạy học và ôn tập nhìn chung bảo đảm tiến độ, đáp ứng yêu cầu. Việc ôn tập cho học sinh lớp 9 đã đi tới những chặng đường cuối, các em được trang bị những kiến thức trọng tâm, cơ bản. Nhà trường tổ chức thi thử hai lần để phân loại học lực của học sinh, từ đó tổ chức các lớp ôn tập phù hợp.

Giảm môn thi và độ khó của đề thi

Theo Sở GD và ÐT Hà Nội, để giảm áp lực cho học sinh do ảnh hưởng dịch Covid-19, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên năm nay, học sinh sẽ thi ba môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) thay vì bốn môn như năm học trước; môn Ngoại ngữ chỉ thi trắc nghiệm, bỏ phần thi tự luận. Dự kiến, toàn thành phố có hơn 107 nghìn học sinh xét tốt nghiệp THCS, trong đó, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT công lập chiếm 62%. Số học sinh còn lại sẽ được phân luồng học ở các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo Trưởng phòng GD và ÐT Tây Hồ (Hà Nội) Lê Hồng Vũ, để giảm áp lực cho học sinh, ngay từ đầu năm học, phòng đã quan tâm công tác phân luồng, hướng nghiệp. Trong tổng số 1.730 học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn quận Tây Hồ có 340 em đăng ký vào các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1.390 em đăng ký dự thi vào lớp 10. Nhờ công tác hướng nghiệp tốt đã giải quyết bài toán không gây áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.

Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD và ÐT Vĩnh Phúc) Nguyễn Lê Huy cho biết, thực hiện yêu cầu giảm tải chương trình trong dạy học, ôn tập của Bộ GD và ÐT, nội dung đề thi năm nay được xây dựng theo hướng giảm mức độ khó ở phần đề thi chung, nhưng tăng độ khó đối với phần thi để xét tuyển vào các trường THPT chuyên. Năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào trường THPT chuyên và kỳ thi tuyển sinh vào trường THPT công lập không chuyên được tổ chức thành một kỳ thi, các em chỉ cần hoàn thành bài thi chung trong một kỳ thi. Cách thức tổ chức này giảm chi phí đi lại, ăn ở cho các em học sinh khi không phải tới TP Vĩnh Yên - nơi có trường THPT chuyên để thi, đồng thời giảm chi phí do không thành lập hội đồng thi riêng. Theo kế hoạch, thí sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT không chuyên sẽ thi ba bài: Toán, Ngữ văn và bài thi Tổ hợp (Tiếng Anh, Vật lý, Ðịa lý); thi vào trường THPT chuyên, ngoài ba bài thi như học sinh THPT không chuyên, thí sinh làm thêm bài thi môn chuyên…

Giám đốc Sở GD và ÐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến cho biết, để bảo đảm tính khách quan, trung thực, nghiêm túc cho kỳ thi, Sở triển khai các văn bản hướng dẫn tổ chức, quy chế thi cho các trường; tập huấn nghiệp vụ tuyển sinh cho cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi; tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất cùng những vấn đề cần thiết nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ thi. Cùng với đó, yêu cầu lực lượng công an hỗ trợ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ các điểm coi thi, chấm thi, hội đồng ra đề thi, sao in và công tác vận chuyển đề thi, bài thi. Các ngành: Y tế, điện lực, tài chính, thông tin truyền thông… phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc chuẩn bị các điều kiện về chăm sóc sức khỏe, bảo đảm nguồn điện, nguồn kinh phí, giữ vững thông tin liên lạc để phục vụ tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.