Ðào tạo nhân lực công nghệ thông tin theo nhu cầu doanh nghiệp

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một trong ba khâu đột phá phát triển đất nước. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng có vai trò quan trọng.

Sinh viên Trường đại học Tây Bắc (Sơn La) trong giờ tin học. Ảnh: ÐĂNG ANH
Sinh viên Trường đại học Tây Bắc (Sơn La) trong giờ tin học. Ảnh: ÐĂNG ANH

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), hiện nay cả nước có 236 trường đại học, trong đó có 50 trường đào tạo CNTT; hằng năm có khoảng 50 nghìn sinh viên CNTT ra trường. Tuy nhiên, số lượng sinh viên ra trường so với nhu cầu phát triển doanh nghiệp CNTT chưa nhiều. Mức độ tăng trưởng doanh nghiệp CNTT và nhu cầu việc làm rất lớn, năm 2020 cần 100 nghìn cử nhân CNTT có chất lượng. Tuy nhiên, khảo sát trong số 50 nghìn cử nhân CNTT chỉ có 30% làm việc được ngay và có việc làm đúng nghề, còn lại 70% phải đào tạo lại. PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nhu cầu nhân lực những năm qua tăng 47%/năm nhưng nguồn nhân lực CNTT chỉ tăng 8%/năm. Trong khi đó, chất lượng đào tạo nhân lực CNTT chưa đáp ứng được nhu cầu với tỷ lệ khi ra trường làm việc có 72% thiếu kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm... Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh Phí Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam đang có gần một triệu lao động làm việc trong ngành CNTT nhưng các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng có tỷ lệ tuyển đạt khoảng 10 đến 15% trên tổng số ứng viên. Nhân lực CNTT sau khi ra trường thường phải đào tạo lại ít nhất ba tháng mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một trong những bất cập trong đào tạo CNTT là do tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh đòi hỏi kỹ năng của người lao động phải thay đổi... Ðiều đó đặt ra thách thức cần cập nhật, cải tiến thường xuyên và có sự phối hợp đa dạng trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, vấn đề đặt ra với các trường cần gắn kết với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nhân lực CNTT. Các trường cần đổi mới thiết kế chương trình đào tạo xuất phát từ nhu cầu của thị trường với tinh thần phục vụ chứ không phải đưa ra những gì tự có. Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ, từ thực tế thị trường, các trường cần thiết kế chương trình đào tạo học suốt đời, thay đổi phương thức đào tạo theo hướng giảm bớt kiến thức hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, thực tế ở các doanh nghiệp CNTT. Trường đại học cần gắn kết với doanh nghiệp như hệ thống các trường đào tạo ngành y gắn kết với bệnh viện. Bộ GD và ÐT cũng như các cơ quan quản lý nhà nước liên quan có trách nhiệm đồng hành với doanh nghiệp, nhà trường, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những cơ chế, chính sách hợp lý. Vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường không phải là mới nhưng cần trở thành nhu cầu tự thân, tự nhiên của các bên. Trường cung cấp nguồn nhân lực; doanh nghiệp coi trường như bạn hàng, đối tác.

PGS, TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ cơ chế, chính sách để khơi thông hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp như ban hành quy định về cơ chế liên kết đào tạo nhà trường - doanh nghiệp; cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp có hoạt động hỗ trợ đào tạo; đầu tư tập trung vào một số trường đại học đào tạo và nghiên cứu khoa học hiệu quả... Theo Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh Phí Anh Tuấn, các trường cần cập nhật xu hướng công nghệ mới và cải tiến chương trình đào tạo chuyên đề phù hợp thực tế và gắn kết nhu cầu doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, cần gắn với cơ sở đào tạo để tiếp cận nguồn lao động trẻ đầy tiềm năng; đồng thời chia sẻ thông điệp nghề nghiệp, khởi nghiệp, xu hướng công nghệ và nhu cầu tuyển dụng đối với các cơ sở đào tạo, sinh viên.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để nâng cao chất lượng nhân lực CNTT, cần xác định đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần giải quyết được vấn đề: trường đã bám sát nhu cầu của doanh nghiệp chưa? Ngược lại, để có nhân lực tốt, doanh nghiệp đã tham gia cùng nhà trường trong đào tạo nhân lực chưa? Hay là nhà trường và doanh nghiệp vẫn rất xa nhau, đổ lỗi cho nhau? Vì vậy, cần có các tổ chức độc lập đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học, đánh giá tỷ lệ có việc làm cũng như mức lương qua các năm của sinh viên ra trường; xếp hạng các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Ðối với doanh nghiệp, cần xác định không chỉ là người sử dụng lao động mà còn phải là nơi liên tục đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực cho nên doanh nghiệp cần đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nhân lực.