PGS Phan Đức Chính - người “ươm trồng” nhiều tài năng toán học trẻ

Hạ tuần tháng 7-2007, tại Hà Nội đã diễn ra Olympic Toán Quốc tế lần thứ 48 (viết tắt theo tiếng Anh là IMO 2007). Đây là IMO lớn nhất trong nửa thế kỷ qua.

Đại diện của 96 nước và vùng lãnh thổ tới Hà Nội, trong số đó có 93 nước và vùng lãnh thổ cử đoàn học sinh chính thức dự thi. Đoàn Việt Nam ta đạt kết quả cao, lọt vào “top ten”: xếp thứ ba toàn đoàn, chỉ sau LB Nga và Trung Quốc, trước Hàn Quốc, Mỹ, Ukraine, Nhật Bản, Triều Tiên, Bulgaria, Đài Loan...

Với sáu học sinh dự thi, ta giành ba vàng, ba bạc.

Điều ít ai chú ý là: Trong số ba em giành huy chương vàng, thì hai em là học sinh khối THPT chuyên toán - tin Trường đại học Khoa học tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Rõ ràng, khối này là “thửa vườn ươm” nổi tiếng nhất ở nước ta - và không riêng ở nước ta - đã, đang và sẽ “ươm trồng” nên nhiều tài năng toán học.

Được vậy, trước tiên là do Khối có nhiều thầy giáo toán tài ba và tâm huyết mà người tiêu biểu nhất là PGS, TS Phan Đức Chính.

Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
 

Tôi muốn mượn hai câu thơ Tố Hữu trong bài Việt Bắc để nói lên tâm trạng của mình hôm trở lại thăm Khối THPT chuyên toán - tin vào một ngày cuối đông lạnh cóng, khi Khối vừa được Nhà nước ta tặng Huân chương Độc lập cùng với danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Nhìn “con sông” cuồn cuộn chảy hôm nay, tôi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu cách đây hơn bốn thập niên, trong những năm chống Mỹ, cứu nước vô vàn khó khăn, khi Khối mới là một “mạch nguồn” róc rách giữa rừng xanh Đại Từ, Thái Nguyên - nơi một thời bệnh sốt rét rừng hoành hành đến mức đi vào ca dao: “Những người lử khử lừ khừ/ không ở Đại Từ cũng ở Thái Nguyên”!

PGS, TS Phan Đức Chính là người đã gắn bó với Khối này từ những “ngày đầu rừng rú”, “khi lửa mới nhen”...

- Mấy chục năm đã trôi qua! Tôi đã dạy hàng nghìn học sinh chuyên toán - thầy Chính kể lại. - Học trò nhiều quá, lại ra công tác ở rải rác khắp ba miền, tôi không sao nhớ hết! Tuy nhiên, có hai người rất thành đạt, khiến tôi cảm thấy rất tự hào. Đó là GS, TSKH Đào Trọng Thi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; và GS, TSKH Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Phan Đức Chính tốt nghiệp đại học năm 1956, khi vừa tròn 20 tuổi. Ông thuộc thế hệ các nhà khoa học được đào tạo ngay sau ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), cùng thời với các nhà vật lý Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Đàm Trung Đồn, các nhà sử học Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, các nhà toán học Phan Đình Diệu, Hoàng Hữu Đường, Nguyễn Thừa Hợp, Nguyễn Bác Văn, Đoàn Quỳnh, Văn Như Cương...

Xuất thân từ một gia đình có công nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật ngay trong lòng Hà Nội bị địch tạm chiếm, năm 1961, Phan Đức Chính được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Đại học Lomonosov danh tiếng. Mấy năm ở Mátxcơva, ông vừa viết luận án tiến sĩ, vừa cùng thầy là Giáo sư G. E. Shylov biên soạn cuốn sách chuyên khảo Độ đo, tích phân, đạo hàm trong không gian tuyến tính. Đó là cuốn sách toán đầu tiên mà người Việt Nam là đồng tác giả được xuất bản tại Liên Xô. Trở về nước năm 1965, ông giảng dạy tại Khoa Toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội về các chuyên đề: tích phân Stieltjes, nhóm Lie, đại số Lie, nhóm Abel hữu hạn, nhóm Galois, v.v.

Bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo những tài năng trẻ, nhất là tài năng toán học. Từ giữa những năm 1960, Thủ tướng đã chỉ  ra:

 “Nhiều ngành khác thường phải bạc đầu mới thành bác học. Toán học không phải bạc đầu đâu, ta có thể đi nhanh”.

Làm thế nào để “đi nhanh”? Thủ tướng nêu phương hướng rất rõ ràng:

“Nếu trong tất cả các trường phổ thông từ cấp I lên cấp II, ta có cách gì phát hiện phần lớn và đừng bỏ sót những em có năng khiếu đặc biệt, rồi ta có cách dạy (...), nâng đỡ cho các em phát huy tài năng của chính các em thì rồi đây ta sẽ có những nhà toán học trẻ có tài năng ghê gớm. Đối với ngành toán, phải làm như vậy mới kịp người ta”.

 

Trưởng Đoàn học sinh Việt Nam Phan Đức Chính
(người đứng thứ ba từ trái sang) tại IMO 1997
ở Buenos Aires, Argentina.
   

Thủ tướng muốn mở những lớp chuyên ngay từ cấp II và, dạo ấy, đã từng có nhiều lớp chuyên ở cấp II, như các lớp chuyên toán của Hà Nội đặt tại Trường Trưng Vương, được các thầy Tôn Thân, Lê Mộng Ngọc, Vũ Hữu Bình... dạy toán, bồi dưỡng nên những “mầm non” toán học về sau khá nổi tiếng như Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hoà, Nguyễn Thị Thiều Hoa, Lê Hồng Vân, Ngô Bảo Châu...

Tiến sĩ Phan Đức Chính trở về nước đúng vào lúc Mỹ đánh phá rộng khắp miền bắc Việt Nam. Nhưng, cũng đúng vào những tháng ngày gian nguy ấy, GS Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, và TS Hoàng Tụy, Chủ nhiệm Khoa Toán, nói với TS Phan Đức Chính:

- Thủ tướng vừa chỉ thị: Dù chiến tranh ác liệt đến đâu, trường ta vẫn phải đi đầu mở các “lớp toán đặc biệt” dành cho những học sinh cấp III có năng khiếu toán rõ nét. Anh hãy giúp một tay...         

Thế là, ngoài việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học, từ đấy, thầy Chính còn được giao thêm nhiệm vụ dạy các em học sinh cấp III chuyên toán, một công việc “lắt nhắt”, quỹ thời gian bị “xé vụn”, không còn có thể đêm ngày tập trung đầu óc để miệt mài nghiên cứu, giải quyết những vấn đề toán học “mới toanh”, đầy hấp dẫn mà anh từng ấp ủ từ những ngày còn ở Mátxcơva! Làm sao còn viết nổi những công trình nổi tiếng để công bố trên các tạp chí toán học chuyên ngành hàng đầu thế giới? Thôi thì vì nhiệm vụ, đành hy sinh “cao vọng” riêng tư!

- Đầu năm học 1965-1966, vượt qua những chặng đường bom đạn, các em học sinh cấp III dạo ấy mới 15-16 tuổi từ nhiều tỉnh, thành phố trên miền bắc nước ta tập trung về bãi Phúc Xá ngoài đê sông Hồng, rồi được đưa lên nơi trường chúng tôi sơ tán ở Đại Từ (Thái Nguyên) - thầy Chính kể.

- Lớp học của các em là ba gian nhà tranh, vách nứa nằm giữa xóm Đình, gần Khoa Toán và Hiệu bộ. Các khoa trong trường cử những thầy giáo ở trình độ cao lại giàu nhiệt huyết đến dạy các em. Thầy vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm về giáo trình, phương pháp. Trò học rất vui, thật say mê. Đến khóa 2, đội tuyển học sinh chuyên toán Tổng hợp đoạt 9 trong tổng số 10 giải của kỳ thi học sinh giỏi toán miền bắc. Thật là một thành công quá mức mong đợi! Ngoài việc học, các em “toán con” còn phải vào rừng chặt nứa vác về sửa sang lớp học, đốn củi nộp cho nhà bếp, không khác gì các anh chị sinh viên “toán lớn”, to khỏe hơn. Giờ đây nhớ lại, tôi cảm thấy thương các em quá chừng! Còn bé bỏng thế, mà đã phải sống xa nhà, làm lụng vất vả!... 

Dưới tán rừng Đại Từ, chẳng mấy chốc mọc lên hàng trăm lớp học cho các anh chị “toán lớn” sinh viên các khoa, và cả cho các em “toán con” bé nhỏ còn học phổ thông. Rồi phòng thí nghiệm, thư viện, nhà ở, nhà ăn. Những lý thuyết khoa học hiện đại được giảng dạy trong mấy dãy “nhà lá ba gian/ nứa ghép hàng đôi làm bàn học/ chống trả mấy mùa mưa ngàn, mấy mùa gió lốc...”.

Cả một thế hệ sinh viên đại học và học sinh cấp III chuyên toán đã trưởng thành từ những năm tháng ấy để rồi rất lâu về sau:

                   Đi khắp nơi vẫn nhớ về thung lũng
                   Nhớ dốc dựng hò nhau vác nứa
                   Ném cho nhau quả bứa
                   Chia nhau bông hoa rừng.
                   Đêm về ngọn đèn chung
                   Quyển sách chung
                   Cái rét cũng chung.
                   Nhớ mưa rừng
                   Thầy giáo giảng bài trong tiếng lũ...

Chính trong mấy năm sống và học giữa thung lũng Đại Từ, bên dãy Tam Đảo và dãy Cù Vân, những học sinh chuyên toán Tổng hợp vừa trau dồi kiến thức toán học, vừa học được nhiều điều quý báu trong môn học khó nhất trong đời là... “môn học làm người”. 

Đầu năm 1973, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Các trường đại học lần lượt trở về Hà Nội.  

Mùa hè 1974, khi đất nước còn chưa thống nhất, ngành giáo dục nước ta đã “mạo hiểm” cử một đội tuyển gồm năm học sinh (nếu đủ, đội tuyển năm đó phải gồm tám học sinh) đi dự IMO 16 tại Berlin, CHDC Đức, do Thầy giáo Lê Hải Châu và TS Phan Đức Chính lãnh đạo. Năm 1973, lần đầu tiên đội tuyển Cuba dự IMO 15 ở Mátxcơva, chỉ được tặng một tấm bằng khen, thế mà bạn đã vui vẻ lắm rồi. Sang năm 1974, Việt Nam ta dự IMO 16, với niềm hy vọng mong manh giành được một tấm huy chương đồng. Thế nhưng, kết quả vượt quá dự kiến! năm học sinh dự thi thì bốn đoạt huy chương: Hoàng Lê Minh (vàng), Vũ Đình Hòa (bạc), Đặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng (đồng). Nguyễn Quốc Thắng cũng chỉ thiếu một điểm thì giành huy chương đồng (bị trượt IMO năm ấy, nhưng về sau, anh Quốc Thắng vẫn trở thành tiến sĩ, phó giáo sư toán học, hiện công tác tại Viện Toán ở Hà Nội).

Từ mùa hè 1974, khi nước ta bắt đầu dự IMO, đến mùa hè năm 2005, khi Khối được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, các bạn học sinh trong Khối đã mang về cho đất nước 58 huy chương. Và điều còn khó hơn rất nhiều là: Trong số 58 tấm huy chương vừa kể có tới 20 huy chương vàng, bằng chứng của đỉnh cao. Dự thi toán quốc tế hai năm liền (khi học lớp 11, rồi lớp 12), bốn học sinh trong Khối này đã giành được mỗi người hai huy chương vàng: Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn và Lê Hùng Việt Bảo. Đó là điều mà không một trường THPT nào khác ở nước ta đạt tới. Năm 2007, Đào Hải Long và Lê Hùng Việt Bảo đã về Hà Nội tham gia Hội đồng chấm thi toán quốc tế.

Nhiều năm sau, Việt Nam mới dự thi Olympic Tin học Quốc tế. Từ 1989 đến 2005, các học sinh trong Khối Toán - Tin đã đoạt 26 huy chương; riêng Nguyễn Ngọc Huy hai năm liền đoạt hai huy chương vàng tin học quốc tế. 

Trong báo cáo tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc tháng 10-2005, TS Nguyễn Vũ Lương, Chủ nhiệm Khối, cho biết: 400 học sinh cũ của Khối đã trở thành tiến sĩ; 30 người khác đạt học vị cao hơn: tiến sĩ khoa học. Nhiều người đã trở thành giáo sư, nhà khoa học có tiếng như Đào Trọng Thi, Trần Văn Nhung, Nguyễn Đông Anh, Hoàng Ngọc Hà, Lê Hồng Vân, Nguyễn Thị Thiều Hoa, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Ngô Bảo Châu, Ngô Đắc Tuấn... Đối với một trường THPT không nhiều học sinh, đó quả là thành tựu nổi bật. Vậy mà số tiền Nhà nước đầu tư cho Khối chẳng đáng là bao...

Dồn hết tâm huyết cho việc “ươm trồng” những tài năng toán học trẻ, Phan Đức Chính không còn đủ thì giờ để viết những công trình toán học cho riêng mình, do vậy, sau mấy chục năm, ông chỉ “đứng” ở chức danh “phó giáo sư”, mà chưa được “thăng” lên “giáo sư”.

Thế nhưng, cuộc đời rốt cuộc cũng không đến nỗi đánh mất mọi sự công bằng: Vào dịp kỷ niệm 100 năm Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà trường đã lựa chọn và vinh danh 100 nhà giáo tiêu biểu của trường, trong đó có PGS, TS­ Phan Đức Chính do ông có công lao to lớn trong việc đào tạo các tài năng toán học trẻ cho đất nước ta.