Chương trình và sách cho giáo dục đại học

NDO - Sách (bao gồm sách giáo khoa, sách tra cứu, giáo trình tài liệu) và chương trình đào tạo ổn định được coi là nền tảng cơ bản cho giáo dục đại học. Ðào tạo theo tín chỉ đang được coi là bước đột phá trong đổi mới tư duy giáo dục đại học. Vậy giữa các chế độ học theo niên chế, chứng chỉ và tín chỉ đâu là cái chung và đâu là cái riêng, thực chất vấn đề này nằm ở đâu, thiết nghĩ cũng cần phải trao đổi để việc giáo dục đại học nước ta đi vào nền nếp ổn định, có chất lượng và hiệu quả.

Xác định đúng nền tảng của giáo dục đại học

Việc tổ chức dạy và học tập thường được chia thành một số loại chính: nội dung chương trình học được lượng hóa hoặc theo môn học và sắp xếp theo học kỳ (được gọi là đào tạo theo niên chế), hoặc theo vấn đề (như Vật lý đại cương, Toán giải tích, v.v.) được gọi là chứng chỉ (certificat), hoặc theo đơn vị thời gian nhất định (16 hoặc 30 giờ) gọi là tín chỉ (credit).

Việc công nhận tốt nghiệp, thí dụ như bằng cử nhân theo niên chế đủ năm thi tốt nghiệp, theo chứng chỉ phải thi đỗ đủ năm hay sáu chứng chỉ (trong tổng số 10 - 50 chứng chỉ), nếu nội dung đó phù hợp những quy định thì được cấp bằng, còn theo tín chỉ đòi hỏi tích lũy khoảng 120 - 150 tín chỉ bắt buộc và một số tín chỉ tự chọn. Việc đánh giá môn học hay khóa luận tốt nghiệp trên thế giới cũng theo quy định chung cho tất cả các hình thức tổ chức bao gồm: xuất sắc, khá giỏi, đạt và không đạt, và phần đông các nước dùng bảng điểm bằng số (hoặc 1-5, hay 1-10 hay 1-100 điểm), còn lại một số ít nước sử dụng bảng điểm chữ A, B, C và D.  

Sách (bao gồm sách giáo khoa, sách tra cứu, giáo trình tài liệu) và chương trình đào tạo được thiết kế ổn định và việc chỉ dạy và học một cách nhất quán được coi là nền tảng cơ bản cho giáo dục đại học, niên chế, chứng chỉ hay tín chỉ, đều chỉ coi là hình thức tổ chức.

Ðại học (ÐH) là bậc tự học và nghiên cứu có hướng dẫn, việc lựa chọn chế độ nào là tùy thuộc vào hình thức đào tạo, mục tiêu, và điều kiện cụ thể của từng nước. Thực tế, đến nay không có bất cứ một minh chứng nào khẳng định kiểu tổ chức theo tín chỉ tốt hơn niên chế, chứng chỉ và ngược lại.

Chưa bàn đến cơ sở thí nghiệm, nền tảng giáo dục đại học ở nước ta cần tiếp tục phải bàn sau hơn 25 năm đổi mới. Tại sao?

Thứ nhất, chương trình đại học thời gian đầu dựa theo chương trình của Ðại học Chiềng Mai (Thái-lan), kết quả chương trình khung làm đi làm lại ba bốn lần, chỉ có điều lần làm sau lại phủ quyết lần làm trước. Chúng ta đã tốn phí hàng triệu USD gần đây để đổi mới cách làm, sẽ không phải bắt chước nữa, mà thí điểm việc "nhập khẩu" chương trình giáo dục ở bên ngoài cho hơn 30 khoa trường ÐH ở nước ta. Thực tế việc nhập khẩu này là không hiệu quả, khó thành công, chưa nói là thất bại. Năm 1956, lúc hệ thống các trường đại học mới ra đời, chương trình giáo dục còn được "biếu không". Thí dụ, môn Toán  đối với Trường đại học Tổng hợp Hà Nội  (trước đây), bộ sách toán của tác giả Xmi-nốp được chọn, còn đối với Trường đại học Bách khoa Hà Nội (ÐHBK) bộ sách toán của Bơ-man là thích hợp hơn. Vấn đề là điều kiện và trình độ giáo dục đại học lúc đó mới chỉ có từ hai đến ba năm. Nghịch lý ở chỗ, ngày xưa, số lượng cán bộ có trình độ không đáng kể, còn hiện nay số lượng người có học vị TS, GS hàng vạn, lại được chỉ đạo phải "bắt chước" hay phải "nhập khẩu" từ bên ngoài theo chúng tôi là chưa hợp lý.

Thứ hai, sách được khoán trắng cho các trường tự lo, mạnh ai nấy làm là không khả thi về người viết và kinh phí in. Việc "đói sách học chay" triền miên suốt hơn 25 năm đổi mới là điều thật dễ hiểu. Theo số liệu chính thức trong những năm gần đây, tỷ số (số lượng sách đại học xuất bản trên số lượng sách phổ thông) chưa đến 1%. Ở bậc học phổ thông, học sinh lớp 1  có tới 80 cuốn sách, còn từ lớp 2 đến lớp 12, có từ 100 đến 500 cuốn sách, trong khi đó ở bậc ÐH không có bất cứ người có trách nhiệm nào khẳng định trong các trường mỗi môn học có một giáo trình!

Thứ ba, việc sao chép máy móc bảng điểm bằng chữ A, B, C và D thay cho bảng điểm bằng số theo truyền thống, gây "nhiễu" trong xã hội, làm hàng nghìn sinh viên bị thôi học, có thời điểm hàng trăm sinh viên ở Ðà Nẵng phải đổi lại bảng điểm bằng số để xin việc. Việc tổ chức thi giữa kỳ đã biến việc dạy và học ở bậc ÐH, tương tự như bậc học phổ thông cấp bốn, còn việc thi lại hay "học cải thiện điểm" gây nhiều rắc rối và tiêu cực trong nhà trường.

Giải pháp nào trong đổi mới giáo dục đại học?

Năm 1986, trước giai đoạn đổi mới, một số trường ÐH nước ta có mặt bằng đào tạo hệ từ năm đến sáu năm, theo kịp chuẩn mực quốc tế, và chương trình được chuẩn bị trong thời gian ngắn. Thí dụ, ở ÐH Tổng hợp Hà Nội (trước đây) chương trình này được hoàn thành trong vòng hai tháng và kinh phí đầu tư hầu như không có gì. Hơn 25 năm qua, chúng ta đã huy động hàng vạn cán bộ giáo dục, hàng nghìn cuộc họp từ cơ sở đến trung ương, nhưng đến nay chương trình giáo dục vẫn chưa xong. Qua việc kiểm tra 4.200 chương trình gửi về bộ, kết quả cho thấy, nội dung chương trình không cập nhật, không ít chương trình chưa phù hợp với tên ngành đào tạo, sao chép của nhau. Thí dụ, có trường ÐH mở ngành đào tạo quan hệ quốc tế nhưng nội dung chương trình lại về truyền thông; nội dung là kinh doanh (business) lại được gọi là kinh tế (economics), nội dung là kỹ thuật (engineering) lại được gọi là công nghệ (technology).

Việc in và phát hành sách ÐH được thả nổi để các trường tự lo, theo chúng tôi là bất cập lớn. Kiến thức dạy trong nhà trường là kiến thức cơ bản, ít thay đổi và sách có thể được dùng chung ở nhiều cơ sở đào tạo. Sự quản lý dựa vào nhận thức chuyên môn và biết "hạch toán" kinh tế, biết điều tiết giữa chỗ thừa sách ở phổ thông và chỗ thiếu sách ở ÐH, kế thừa những di sản (sách in ra cung cấp cho thư viện, sau mới cung cấp cho cửa hàng bán  sách) trước đây để lại, thành tựu của khoa học - kỹ thuật mới, vấn đề sách cho giáo dục ở phổ thông lẫn đại học có thể giải quyết hoàn toàn trong một năm với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Hiện nay nếu tính trung bình mỗi sinh viên phải bỏ ra tối thiểu 300 nghìn đồng/năm để phô-tô tài liệu học, thì tổng số tiền sinh viên các trường ÐH phải bỏ ra để phô-tô tài liệu học sẽ là 720 tỷ đồng/năm.

Khôi phục và kế tục cách làm chương trình và sách trước đây của Bộ trưởng, GS Tạ Quang Bửu, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, GS Nguyễn Văn Hiệu kiến nghị cách giải quyết một cách căn bản việc "đói sách học chay" ở bậc ÐH  bằng đường công văn tới Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo năm 2000, song kiến nghị này đã không được hồi âm. Thực tế hiện nay vẫn là  "sao chép" và "nhập khẩu" chương trình và sách từ bên ngoài. Sách ngoài luồng sẽ có dịp ồ ạt tràn vào và lấp chỗ trống. Thí dụ, từ năm 2000 đến 2002, chỉ một tổ chức bên ngoài đã tài trợ khoảng tám vạn cuốn sách đề cập 25 lĩnh vực khác nhau.

Ðiều đáng lưu ý các sách về khoa học - kỹ thuật, quy hoạch đô thị, kiến trúc xây dựng... rất cần thiết lại chỉ chiếm khoảng 0,07% đến 1,6% trong tổng số tám vạn cuốn kể trên. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, sách được đặt trong sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nhằm bảo đảm an ninh giáo dục và an ninh quốc gia. Rõ ràng, đây không còn là vấn đề kinh phí và khoa học, mà là độc lập hoạch định chính sách.