Bình Dương thiếu phòng học, giáo viên

NDO - Bình Dương đang chịu áp lực về giải quyết chỗ học cho hàng chục nghìn học sinh các cấp, chủ yếu là con em người nhập cư. Hiện tại, chính quyền và ngành giáo dục địa phương đang chạy đua với thời gian xây phòng học mới, tuyển giáo viên. Tuy nhiên về lâu dài, cần có dự báo để tránh bị động trước năm học mới.

Học sinh tăng đột biến

Những năm học gần đây, số học sinh (HS) các lớp đầu cấp liên tục tăng, chủ yếu là HS tiểu học. Nếu như các năm trước số lượng HS chỉ tăng dao động từ chín đến mười nghìn/năm, thì năm học 2012-2013, toàn tỉnh tăng 22 nghìn HS các cấp; dự kiến năm học 2013-2014, tăng khoảng 24 nghìn HS, chủ yếu là ở cấp mầm non và tiểu học. Các huyện, thị xã có áp lực tăng nhiều là thị xã Thuận An tăng gần 6.000 HS, huyện Bến Cát tăng khoảng 5.000 HS... Nếu tính trung bình 1.000 HS/trường, 40 em/lớp, thì mỗi năm Bình Dương phải xây thêm từ 20 đến 25 trường, tương đương khoảng 500 phòng học mới và cần có khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự báo những năm tới số học sinh sẽ còn tiếp tục tăng. Phường Thuận Giao (thị xã Thuận An) có hai trường tiểu học, sức chứa khoảng 500 em, nhưng năm nay có thể phải đáp ứng chỗ học cho khoảng 700 đến 800 em. Tương tự, Trường tiểu học Dĩ An (thị xã Dĩ An) có quy mô 10 lớp 1 (khoảng 350 HS), nhưng năm nay ngoài tăng thêm sĩ số, còn phải tăng thêm năm lớp, nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Do đó, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) tỉnh phải điều tiết HS sang các trường lân cận.

Số lượng học sinh tăng đột biến, nhưng đội ngũ giáo viên, phòng học lại thiếu nhiều. Chánh Văn phòng Sở GD và ÐT Bình Dương Nguyễn Văn Thuận cho biết, theo nhu cầu biên chế hiện nay, tỉnh thiếu 2.247 giáo viên các cấp, trong đó gần 1.000 giáo viên dạy tiểu học; 466 giáo viên THCS và 578 giáo viên mầm non... Hiện tại ngành GD và ÐT Bình Dương đang phối hợp Sở Nội vụ gấp rút tuyển dụng, điều động giáo viên chuẩn bị để kịp thời giảng dạy trong năm học mới.

Bài toán khó giải hơn cả là số phòng học xây mới từ đầu năm 2013 đến nay là 269 phòng, đáp ứng cho hơn 11 nghìn học sinh các cấp, số còn lại khoảng 15 nghìn học sinh phải chờ đến học kỳ II mới sắp xếp được. Như vậy cần tới một nửa số học sinh tăng phải học ghép, hoặc học trong lớp có sĩ số cao hơn so với quy định của Bộ GD và ÐT. Ngoài ra, còn hàng chục dự án đang xây dựng dở dang, nhiều dự án trường học còn nằm trên giấy, thậm chí đã được phê duyệt, nhưng thiếu vốn, thiếu đất chưa thể khởi công xây dựng. Như vậy tình trạng thiếu phòng học tại Bình Dương vẫn chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Sở dĩ có tình trạng tăng HS đột biến, thiếu phòng học, thiếu cả giáo viên là do tại Bình Dương những năm qua tập trung phát triển công nghiệp, lượng dân nhập cư gia tăng, kéo theo đó là nhu cầu học tập tăng cao. Ðây là quy luật tất yếu của sự phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thống kê đến nay cho thấy, Bình Dương có hơn 850 nghìn lao động là người nhập cư đến làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp. Bình quân mỗi năm tỉnh thu hút thêm từ 45 đến 50 nghìn lao động, phần lớn là lao động trẻ đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều người đã chọn vùng đất này để an cư, lập nghiệp, đây là lý do Bình Dương rơi vào tình trạng quá tải về giáo dục và các vấn đề xã hội khác.

Cần giải pháp căn cơ lâu dài

Tính đến tháng 8-2013, Bình Dương đã xây dựng thêm 38 trường mới (trong đó mầm non tăng 11 trường, tiểu học tăng 15 trường, THCS tăng 11 trường và THPT tăng một trường). Tuy nhiên, trước tình hình HS tăng đột biến, và áp lực bảo đảm tất cả các em đều được đến trường, kể cả HS là con em người nhập cư, ngành GD và ÐT tỉnh Bình Dương phải chọn giải pháp trước mắt là tăng sĩ số HS, từ 45 đến 50 em/lớp, thay vì từ 35 đến 38 em/lớp như quy định; giảm các lớp bán trú, chỉ học một buổi, không học hai buổi/ngày. Sự thay đổi này sẽ hạn chế thời gian vui chơi của các em và giáo viên cũng phải làm việc vất vả hơn. Chọn giải pháp này, đồng chí Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD và ÐT tỏ ra lo lắng, vì nếu không quản lý tốt, giáo viên không nỗ lực sẽ khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy, học và chất lượng của ngành giáo dục nói chung. Ðó là chưa nói nguy cơ phá vỡ hệ thống trường chuẩn quốc gia.

Hiện nay, Bình Dương đang "thúc" các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng 365 phòng học mới để cuối năm 2013 sẽ đưa vào sử dụng. Ðến năm 2015, sẽ đầu tư xây dựng, cải tạo 333 công trình trường học, với tổng vốn đầu tư là 8.500 tỷ đồng, trong đó có hơn 80 công trình là xây dựng mới. Về lâu dài, Sở GD và ÐT Bình Dương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã tiếp tục nâng cấp, mở rộng các trường công lập và dành quỹ đất để xây dựng mới trường học, phục vụ phát triển giáo dục; thường xuyên chăm lo đội ngũ nhà giáo, có chính sách, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, kể cả giáo viên các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, với tốc độ học sinh tăng đột biến như hiện nay, thì dù cố gắng nhưng Bình Dương vẫn khó đáp ứng được nhu cầu, khi chưa dự báo được sự gia tăng của người nhập cư và con em của họ.

Cũng có kiến nghị cho rằng, để chủ động giải quyết chỗ học cho HS theo hướng căn cơ, lâu dài và tránh bị động như hiện nay, bên cạnh việc quy hoạch các KCN, khu dân cư, tỉnh Bình Dương cần dành diện tích quỹ đất phát triển giáo dục theo mức độ tương ứng. Có cơ chế mở cho phép các doanh nghiệp có quỹ đất được xây dựng nhà giữ trẻ cho công nhân, mà không cần điều chỉnh lại mục đích sử dụng đất và xã hội hóa giáo dục đối với ngành học mầm non, thậm chí cả tiểu học.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung thẳng thắn cho rằng, mặc dù hằng năm tỉnh vẫn ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thời gian tới, tỉnh sẽ cấp đủ kinh phí để ngành giáo dục duy tu, sửa chữa các phòng học cũ xuống cấp và đẩy nhanh tiến độ xây trường học mới, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ học sinh, theo quy định của Bộ GD và ÐT. Tỉnh cũng sẽ rà soát lại diện tích đất công, đất dự án không triển khai, thậm chí sẵn sàng đền bù... để giải quyết đất sạch cho xây trường học. Tỉnh cũng chấp nhận xã hội hóa giáo dục cấp tiểu học, nếu cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục bảo đảm theo tiêu chuẩn của Bộ GD và ÐT.