Bỏ chấm điểm lớp 1- Giải pháp mang tính hình thức

NDO - NDĐT - Bộ Giáo dục- Đào tạo đang dần triển khai việc bỏ chấm điểm cho học sinh lớp 1 vì cho rằng điểm số đã tạo nên sức ép không đáng có đối với các em. Tuy nhiên bỏ chấm điểm học sinh lớp 1 có phải là giải pháp triệt để đang là câu hỏi đặt ra đối với nhiều người.

Bỏ chấm điểm mới xử lý phần nổi

Vấn đề không phải là bản thân điểm số mà là cách nhìn nhận điểm số như thế nào. Chị Hương, có con từng học lớp 1 ở tiểu học Dịch Vọng A chia sẻ chuyện bé Hải Anh nhà chị khoe với mẹ: Hôm nay cô giáo chấm điểm, con có điểm rồi đấy! Mở vở con ra, chị tròn xoe mắt với điểm hai của con. Tuy nhiên thấy bé hào hứng chị đã động viên con: “Khởi đầu như thế là tốt rồi con ạ.” Niềm vui của em liệu có tắt ngấm khi mẹ thở dài hay thất vọng. Hoặc khi chính cô giáo căn cứ vào điểm hai để xem em là một trong những bé học kém và buộc phải ngồi trong lớp chép lại bài trong giờ giải lao, khi mà các bạn điểm tốt hơn được vui chơi, chạy nhảy.

Với các em mới bắt đầu vào lớp 1, ngoài việc môi trường lớp học, bạn bè mới, điểm số cũng là một trong những điều mới mẻ. Cái nhìn của các em còn rất trong sáng về điểm và về kết quả học tập. Chính cách nhìn nhận đánh giá của phụ huynh, của giáo viên mới ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Sự kỳ vọng của bố mẹ, sức ép thi đua của giáo viên, của nhà trường đã tạo nên áp lực cho chính tâm hồn non nớt này, chứ bản thân điểm số không có lỗi.

Các năm trước, hầu hết học sinh lớp 1 đều có hai hệ thống vở: Vở chép bài, làm bài để luôn ở lớp và vở tập chép được đưa về nhà. Nhà trường đưa lý do là để học sinh không phải mang nhiều sách vở đến lớp, nên những vở dùng thường xuyên sẽ để sẵn ở lớp. Nhưng quyển vở đưa về nhà thực chất là vở luyện tập, khi nào viết chuẩn, viết đẹp và làm bài đúng thì sẽ trình bày ở vở trên lớp. Vì vậy mà vở ở lớp là những quyển vở được cô rèn cẩn thận, các con cực kỳ nắn nót. Mục đích chính là để thi đua chấm vở sạch chữ đẹp. Nếu so sánh hai hệ thống vở thì sẽ thấy là những điểm cao luôn xuất hiện ở các quyển vở được giữ lại ở lớp. Chính áp lực thi đua thành tích của cô giáo, của trường đã làm cho các em phải học cách đối phó ngay từ khi mới bước chân vào trường học.

Vậy liệu bỏ chấm điểm có giải quyết được tình trạng các em gặp nhiều áp lực ngay từ năm lớp 1, hay đó chỉ là hình thức. Việc kiểm tra xử lý giáo viên có chấm điểm hay không vô cùng đơn giản. Nhưng tuyên truyền, vận động giáo viên, nhà trường và phụ huynh không nên coi trọng điểm số để gây sức ép cho các em mới là điều khó khăn hơn.

Trông chờ vào nhận xét của giáo viên

Mặc dù ủng hộ việc không nên tạo áp lực cho các con ngay từ khi mới đi học lớp 1, tuy nhiên nhiều phụ huynh rất băn khoăn và lo lắng với chủ trương bỏ chấm điểm. Lần đầu tiên có con vào lớp 1, không chỉ con phải làm quen với trường học mà cả phụ huynh cũng đang học cách song hành cùng với con trong đoạn đường mới mẻ này. Chị Lê Thị Hiền có con học ở trường tiểu học Mai Dịch chia sẻ: “Cháu là con đầu lòng, tôi cũng chưa có kinh nghiệm về việc học ở trường lớp. Tất cả chỉ dựa vào điểm số để xem xét lực học của con mà hướng dẫn thêm. Giờ mà trường không chấm điểm thì phụ huynh chúng tôi biết căn cứ vào đâu mà cũng cố kiến thức cho con”.

Với sĩ số lớp học thường từ 50-60 học sinh, làm sao giáo viên có thể theo sát từng bé để uốn nắn kịp thời. Trong giai đoạn này, các em rất cần sự phối hợp của gia đình và nhà trường. Liệu các em có nhớ hết những lời nhận xét của cô giáo ở lớp để về nhà truyền đạt cho bố mẹ? Nếu có điểm số, bố mẹ sẽ nhận ra ngay là phần nào con chưa hiểu và tập trung vào hướng dẫn cho con.

Không chấm điểm cho học sinh lớp 1, phụ huynh chỉ trông chờ vào nhận xét của cô giáo. Tuy nhiên, việc tăng cường nhận xét của giáo viên ở lớp cũng không được Bộ GD-ĐT đề cập cụ thể về tần suất. Thông thường, bố mẹ nhận được bản nhận xét của giáo viên vào cuối mỗi kỳ học, khi họp phụ huynh. Nhận xét của giáo viên tập trung vào hạnh kiểm, học lực, tình hình sinh hoạt và tính cách của từng em. Tuy nhiên, một năm chỉ có hai lần nhận xét thì liệu phụ huynh có kịp điều chỉnh và theo sát con được không?

Ngoài ra, nếu không chấm điểm hằng ngày, giáo viên chỉ căn cứ vào lần kiểm tra cuối năm để đánh giá học lực của các em. Các em không được làm quen với thi cử trong quá trình học nhưng lần thi đầu tiên lại buộc phải lấy điểm làm căn cứ quyết định học lực cả một năm học. Liệu như thế có công bằng cho các em?.