8 giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề khu vực miền núi phía bắc

NDO -

Chiều 28/4, tại thành phố Lào Cai, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực miền núi phía bắc, tại thành phố Lào Cai, chiều 28/4.
Hội nghị Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực miền núi phía bắc, tại thành phố Lào Cai, chiều 28/4.

Tham dự có lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái.

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương thống nhất 8 giải pháp, cần được thực hiện đồng bộ, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, ở các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực phía bắc.

Trong đó, tập trung vào hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp; truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp; chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.  

8 giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề khu vực miền núi phía bắc -0

Con em đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, vào làm việc ở Công ty cổ phần MDF Bảo Yên sản xuất ván ép, gỗ thanh xuất khẩu.

Theo các đại biểu tại Hội nghị, các tỉnh miền núi phía bắc cần đột phá mạnh vào chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp.

Mục tiêu đề ra là: Thu hút 50-55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 40% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 50%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%; khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia; phấn đấu có khoảng 90 trường chất lượng cao, trong đó: 6 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 12 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Đại diện các tỉnh cũng nêu giải pháp giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Cụ thể, tập trung thực hiện 6 nội dung, đó là xây dựng các mô hình đào tạo nghề như: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo nghề; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ người lao động thuộc vùng dân tộc thiểu số để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm việc; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.