70 năm thành lập Hội truyền bá quốc ngữ

NDĐT -  Tại Hà Nội, sáng nay, 25-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội truyền bá quốc ngữ (25-5-1938 - 25-5-2008)

Được linh mục Alexandre de Rhodes người Pháp đưa vào Việt Nam từ thế kỷ 17, tới đầu thế kỷ 20, chữ quốc ngữ đã trở thành chữ viết chính thống của quốc gia Việt Nam.
Để thứ chữ này trở thành chữ viết được hoàn chỉnh như ngày nay, phải kể đến công lao đóng góp to lớn của lớp trí thức đầu thế kỷ như các học giả Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Nguyễn Văn Tố...

Năm 1907, trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập và đã xây dựng được một phong trào học chữ quốc ngữ khá rầm rộ ở Hà Nội, Hà Đông. Nhưng chỉ mấy tháng sau, lo sợ trước ảnh hưởng của phong trào, thực dân Pháp đã ra lệnh đình chỉ và khủng bố những người chủ trì.

Trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh (1930- 1931), phong trào học chữ quốc ngữ phát triển mạnh ở các vùng Xô Viết để chống nạn thất học gắn với nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng.

Năm 1937, báo chí tiến bộ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp đã nhiều lần nêu lên sự cần thiết phải lập một Hội chống mù chữ, vừa để mang ánh sáng văn hóa, vừa để vận động giác ngộ quần chúng lao động. Các nhân sĩ trí thức bàn bạc việc thành lập một tổ chức công khai chống nạn thất học, nâng cao dân trí, dự thảo bản điều lệ Hội và đề cử một ban trị sự lâm thời.

Tối ngày 25-5-1938, một cuộc diễn thuyết lớn nhất cổ động cho Hội truyền bá quốc ngữ được tổ chức trọng thể tại Hội quán thể thao An Nam.

Ngày 29-7-1938, Thống sứ Bắc Kỳ công nhận sự hợp  pháp của Hội. Tuy nhiên, Hội truyền bá quốc ngữ lấy ngày 25- 5 -1938 làm ngày thành lập chính thức.

Từ năm 1938- 1945, Hội truyền bá quốc ngữ đã thành lập được Hội cả ba miền đất nước; đã biên soạn được phương pháp mới dạy vần quốc ngữ thích hợp với người lớn, một số sách tập đọc, sách thường thức, mở được một số thư viện bình dân; giúp khoảng 7- 8 vạn người thoát nạn mù chữ. Sau cách mạng tháng Tám- 1945, Bình dân Học vụ được thành lập, Hội truyền bá quốc ngữ đã giao toàn bộ sách và các học cụ cho tổ chức này.

Kế tục sự nghiệp của Hội truyền bá quốc ngữ, Bình dân Học vụ đến Bổ túc văn hóa và ngày nay là Giáo dục thường xuyên đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ chỗ đầu thế kỷ 20, Việt Nam có tới 95% số người mù chữ, đến đầu thế kỷ 21, đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học với 94% số người biết chữ (năm 2000).

* Cũng tại buổi lễ, các đại biểu nghe tiểu sử tóm tắt và dành thời gian tưởng niệm cụ Nguyễn Văn Tố, Nguyên Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ, nguyên chủ tịch Quốc hội khóa I.