Xây dựng môi trường văn hóa ở điểm du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Với du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch được tạo ra từ các giá trị của bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực, lối sống của cộng đồng cũng như các giá trị khác về cảnh quan thiên nhiên, các điều kiện tự nhiên chung quanh.

Việc xây dựng, khai thác các yếu tố, các giá trị của môi trường văn hóa trong phát triển du lịch đã và đang được triển khai tại nhiều cộng đồng địa phương.. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Việc xây dựng, khai thác các yếu tố, các giá trị của môi trường văn hóa trong phát triển du lịch đã và đang được triển khai tại nhiều cộng đồng địa phương.. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Việc xây dựng, khai thác các yếu tố, các giá trị của môi trường văn hóa trong phát triển du lịch đã và đang được triển khai tại nhiều cộng đồng địa phương.

Chúng ta đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng phát triển khá thành công ở một số địa phương vùng Tây Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Những mô hình này không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa của các cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương. Mô hình du lịch cộng đồng xóm Đá Bia (Đà Bắc, Hòa Bình) từng được nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN (năm 2019), cho thấy sự phát triển du lịch cộng đồng bài bản tại đây.

Tuy vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều nơi vẫn còn những hạn chế nhất định, như: mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa bảo đảm giữ gìn môi trường tự nhiên và văn hóa; việc quy hoạch cũng như các chính sách chưa rõ ràng và đồng bộ; tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên và có thể làm biến dạng văn hóa; sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn, trùng lặp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông chưa phát triển...

Ở một số nơi, du lịch cộng đồng phát triển quá "nóng", cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm giảm giá trị cảnh quan, môi trường và văn hóa bản địa. Đồng thời, mật độ xây dựng dày, tình trạng bê-tông hóa, kiến trúc lai căng, xuất hiện những loại hình giải trí không phù hợp... đã làm mai một bản sắc văn hóa địa phương. Vì vậy, du lịch cộng đồng chưa thật sự phát triển một cách bền vững.

Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, các cơ quan quản lý cần xây dựng và hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng. Tổng cục Du lịch đã được giao thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí này. Mới đây, tại Hội thảo "Xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển bền vững tại các điểm du lịch cộng đồng", Tổng cục Du lịch đã đưa ra nội dung dự thảo Bộ tiêu chí đo lường xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng.

Theo đó, Bộ tiêu chí dự kiến có hơn 50 tiêu chí được chia làm năm nhóm: Nhóm tiêu chí về xây dựng các thiết chế, cảnh quan văn hóa; Nhóm tiêu chí về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; Nhóm tiêu chí xây dựng các giá trị, chuẩn mực đạo đức, lối sống; Nhóm tiêu chí phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa; Nhóm tiêu chí đặc thù của du lịch.

Để hoàn thiện Bộ tiêu chí có tính khả thi cao, các chuyên gia đề nghị cần tạo thành bảng tiêu chí, có tỷ trọng cụ thể với các mức đánh giá khác nhau cùng hướng dẫn đánh giá cụ thể để có thể áp dụng rộng rãi; xây dựng môi trường văn hóa ở các điểm du lịch cộng đồng cần có những quy định về việc bảo vệ môi trường văn hóa tại cộng đồng gắn với phát triển du lịch. Các quy định này cần cụ thể, hướng vào việc điều chỉnh hành vi của cộng đồng địa phương và các bên liên quan trong đời sống hằng ngày cũng như trong hoạt động phát triển du lịch tại cộng đồng.

Cộng đồng địa phương và các bên liên quan cần được đào tạo, nâng cao nhận thức về môi trường văn hóa, xây dựng những chuẩn mực về lối sống, hành vi trong giao tiếp, trong ứng xử cũng như trong các hoạt động kinh doanh du lịch khác...

Ngành du lịch và chính quyền địa phương cần có các quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội, văn hóa bản địa, bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên...; tăng cường truyền thông và huy động sự tham gia của các bên liên quan trong việc xây dựng môi trường văn hóa, nhất là phát huy vai trò của chính quyền và người dân địa phương, trong đó có vai trò của người lãnh đạo chính quyền địa phương và những cá nhân có uy tín trong cộng đồng.