Ứng dụng công nghệ số đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng trẻ

NDO -

Là một trong những di tích đi tiên phong trong việc sáng tạo các sản phẩm du  lịch hấp dẫn công chúng, ngày 27/7, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức chương trình trưng bày “Thắp lửa yêu thương”. Chương trình này được trưng bày bằng nhiều hình thức, đặc biệt có mặt trên nền tảng Spotify và Apple Podcasts.

Triển lãm "Thắp lửa yêu thương" bằng hình thức phát thanh miễn phí trên nền tảng Spotify (Ảnh: Chụp màn hình)
Triển lãm "Thắp lửa yêu thương" bằng hình thức phát thanh miễn phí trên nền tảng Spotify (Ảnh: Chụp màn hình)

Đây là lần đầu Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ứng dụng chuyển đổi số trên nền tảng Spotify và Apple Podcasts, hai nền tảng số phát nhạc “khổng lồ” và phổ biến trong giới trẻ, nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông, đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Chương trình “Thắp lửa yêu thương” được thể hiện qua 2 nội dung: “Mạch nguồn yêu thương” và “Lửa thiêng cháy mãi”. Trong đó, “Mạch nguồn yêu thương” tái hiện cuộc sống lao tù khắc nghiệt của các chiến sĩ cách mạng yêu nước. Để cải thiện đời sống, các chiến sĩ cách mạng đã liên tục tổ chức những cuộc đấu tranh tuyệt thực với các khẩu hiệu yêu cầu nhà cầm quyền cho ăn uống đủ tiêu chuẩn và bảo đảm vệ sinh… Dù bị kẻ địch đàn áp dã man, các chiến sĩ vẫn không sờn lòng, nhụt chí. Sức mạnh đấu tranh đã kết thành làn sóng, khiến cho kẻ địch khiếp sợ và phải chấp nhận nhượng bộ giải quyết yêu cầu của các tù nhân.

Phần “Lửa thiêng cháy mãi” giới thiệu về những hình ảnh thế hệ hôm nay đã và đang tiếp nối truyền thống của cha anh, chung tay lan tỏa ngọn lửa yêu thương, tình tương thân tương ái trong xã hội. Ngọn lửa thiêng ấy đã góp phần thắp lên niềm tin, tạo động lực to lớn, để mọi người cùng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống,  xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Ứng dụng công nghệ số đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng trẻ -0

Khu bể tắm hình bát giác được phục dựng theo kích thước nguyên mẫu (Ảnh: Fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò) 

Trong không gian trưng bày, lần đầu tiên du khách được trải nghiệm Khu bể tắm hình bát giác được phục dựng theo kích thước nguyên mẫu - nơi các nam tù nhân thường ra tắm tập thể và phòng thăm nuôi, tiếp tế của tù nhân và Không gian trưng bày, các tài liệu, hiện vật quý gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò.

Cùng với việc trưng bày tại di tích Nhà tù Hỏa lò, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng giới thiệu các hoạt động trưng bày trên fanpage: https://www.facebook.com/hoaloprisonrelic.

Bằng cách tiếp cận gần gũi, tạo hứng thú cho cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng, hiện nay fanpage của di tích đã thu hút hơn 60.000 lượt yêu thích. Đây là lần đầu tiên một kênh truyền thông về lịch sử Việt Nam lại thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ như vậy.

Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tiên phong ứng dụng chuyển đổi số để lần đầu tiên giới thiệu trực tuyến kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify và Apple Podcasts, giúp mọi đối tượng công chúng tiếp cận và tìm hiểu lịch sử một cách dễ dàng, thú vị và mới mẻ hơn.

Ứng dụng công nghệ số đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng trẻ -0
Triển lãm "Thắp lửa yêu thương" bằng hình thức phát thanh miễn phí trên ứng dụng Apple Podcast (Ảnh: Fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò) 

Với nội dung hấp dẫn và hệ thống âm nhạc, giọng đọc đầy cảm xúc, kênh phát thanh trên hai nền tảng số “khổng lồ” này thực sự đưa người nghe vào một không gian chân thực, như ngược về quá khứ đau thương nhưng đầy hào hùng của các chiến sĩ cách mạng.

Trên trang fanpage của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, phần đông phản hồi về chương trình phát thanh trên Spotify và Apple Podcasts là từ các bạn trẻ. Chỉ trong 20 giờ sau khi đăng tải giới thiệu chương trình phát thanh trên Apple Podcasts, fanpage của Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã nhận được hơn 1,4 nghìn lượt bày tỏ yêu thích. Các bạn trẻ đều bày tỏ sự xúc động với cách làm sáng tạo của Ban Quản lý Di tích cũng như sự háo hức mong chờ các phần tiếp theo của “Thắp lửa yêu thương”.

Có thể thấy, phản ứng tích cực, sự đón nhận của đối tượng khách là những người trẻ với thử nghiệm của Di tích Nhà tù Hỏa Lò trên ứng dụng Spofity và Apple Podcasts chính là tín hiệu lạc quan cho bước chuyển đổi số trong hoạt động của các di tích và bảo tàng trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với việc tổ chức nội dung phong phú, sáng tạo, ứng dụng công nghệ không chỉ giúp lan tỏa được hình ảnh và câu chuyện của các di tích nói riêng mà còn đưa lịch sử Việt Nam nói chung đến gần hơn với mọi đối tượng công chúng. Đó cũng là bước chuẩn bị cần thiết để du khách quay lại thăm quan thực tế khi dịch được kiểm soát.