Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẵn sàng đón khách trở lại

NDO -

Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền TP Hồ Chí Minh và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… sẵn sàng đón khách trở lại.

Chăm sóc voi ở Thảo Cầm Viên (Ảnh: Mỹ Dung/Báo Thời Nay).
Chăm sóc voi ở Thảo Cầm Viên (Ảnh: Mỹ Dung/Báo Thời Nay).

Sau nhiều tháng trong tình trạng không có nguồn thu để chăm sóc động, thực vật do phải đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… sẵn sàng đón khách trở lại trong bối cảnh thành phố đang từng bước khôi phục các hoạt động tham quan, du lịch.

Theo anh Trương Ngọc Đăng, Trưởng Phòng Kỹ thuật thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Thảo Cầm Viên đã đóng cửa từ tháng 5/2021 đến nay để bảo đảm giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 nên không có nguồn thu. Trong khi đó, ước tính mỗi tháng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn phải chi khoảng 3-4 tỷ đồng để chăm sóc cho hơn 1.500 cá thể động vật cùng các loại thực vật.

Trước đó, để duy trì việc chăm sóc động, thực vật, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã sử dụng kinh phí dự trữ của những năm trước. Nhằm bảo đảm an toàn phòng dịch, 34 nhân viên thực hiện “3 tại chỗ” để chăm sóc động vật từ giữa tháng 5/2021 và kết thúc vào ngày 5/10/2021 vừa qua. Tất cả nhân viên đều không nhận tiền lương năng suất và tăng giờ lao động trong suốt khoảng thời gian này, cùng Thảo Cầm Viên vượt qua giai đoạn khó khăn.

Anh Lê Hữu Phúc, nhân viên Tổ chế biến, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn chia sẻ, trong thời gian Thảo Cầm Viên đóng cửa giãn cách, hằng ngày, các nhân viên thức dậy vào lúc 6 giờ 30 phút để ăn sáng và bắt đầu công việc lúc 7 giờ.

Hơn 30 nhân viên thay phiên nhau đảm nhiệm các vị trí như bảo vệ, quét lá, tỉa cây, chăm sóc động vật. Riêng việc chế biến, phân chia khẩu phần ăn và chuyển đến từng khu vực nuôi động vật phải được hoàn thành vào đúng 8 giờ 30 phút mỗi sáng. Cách ngày trong tuần có các chuyến xe chở thực phẩm tươi sống dùng làm thức ăn cho các loài động vật giao đến Thảo Cầm Viên.

Để bảo đảm khoảng cách và tránh tiếp xúc, người giao hàng chỉ ở trong xe, nhân viên Thảo Cầm Viên khử khuẩn và trực tiếp vận chuyển thực phẩm vào kho để bảo quản. Công việc tiếp tục được lặp lại vào buổi chiều, sau đó các nhân viên có thời gian ăn tối và sinh hoạt cá nhân. Buổi tối, mọi người nghỉ tại Phòng kỹ thuật của mỗi tổ.

Theo anh Phúc, việc chuẩn bị thức ăn cho các loài động vật là công đoạn chịu nhiều áp lực nhất trong thời gian thực hiện giãn cách. Mỗi ngày, động vật tại Thảo Cầm Viên cần 3,2 tấn cỏ, lá; gần 1 tấn rau củ quả và 120kg thịt, cá. Thảo Cầm Viên đóng cửa không đón khách, không có nguồn thu nhưng khẩu phần ăn của động vật không cắt giảm và vẫn phải duy trì như bình thường.

Do giãn cách, nhà cung cấp không thể đi lại thường xuyên và lượng thực phẩm cung cấp cũng không ổn định, Thảo Cầm Viên phải mua lượng lớn thức ăn và trang bị thêm tủ bảo quản để dự trữ trong nhiều ngày. Thức ăn củ quả, thịt cá sẽ được mua cho 1 tuần, thức ăn cho các loại chim, công được mua cho khoảng 5 ngày và rau cho 2 ngày.

“Để chuẩn bị bữa ăn cho gần 1.500 cá thể động vật, tôi cùng một đồng nghiệp nữa phải tăng khối lượng công việc gấp đôi so với ngày thường, do trước đây công việc này có 4 người đảm nhiệm nhưng giờ đây chỉ còn lại 2 người. Quy trình làm việc mỗi ngày cũng liên tục thay đổi, một nhân viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc.

Khẩu phần ăn cho các loài động vật cũng không chính xác như trước mà tùy theo số lượng thực phẩm được cung cấp. Trong trường hợp thức ăn bị thiếu loại nào thì bắt buộc phải tìm những loại tương đồng để thay thế, nếu không sẽ không bảo đảm được dinh dưỡng cho động vật, đặc biệt là với những loài đang vào mùa sinh sản,” anh Phúc tâm sự.

Anh Đỗ Thanh Hải, nhân viên Tổ trực tiếp chăn nuôi voi, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết: “Việc chăm sóc voi cũng như các loài động vật khác trong thời gian giãn cách vẫn thực hiện đầy đủ các quy trình, không khác gì so với lúc không có dịch, nhưng do nhân lực giảm hơn một nửa, công việc tăng lên nên chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi nhiều.

Dù vậy, các anh em đều cố gắng duy trì năng suất công việc để bảo đảm sức khỏe cho động vật. Sau khi thực hiện xong phần việc của mình, nếu còn thời gian nhân viên các tổ sẽ qua phụ giúp nhau hoặc quét dọn lối đi. Mùa này lá rụng nhiều, dù không có khách tham quan cũng phải giữ cho Thảo Cầm Viên sạch sẽ”.

Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết trước những khó khăn trên, Thảo Cầm Viên đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm và giảm các khoản chi phí, bao gồm cả tiền lương của các nhân viên trên tinh thần tự nguyện để duy trì hoạt động thường xuyên trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Theo dự toán, từ tháng 7-12/2021, chi phí chăm sóc động, thực vật của đơn vị này cần hơn 45,7 tỷ đồng, do đó, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh được hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng để thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng động vật và duy tu, bảo quản công viên cây xanh đến hết năm 2021. Hiện, thành phố đã chấp thuận đề xuất hỗ trợ của Thảo Cầm Viên và đang hoàn chỉnh thủ tục để cấp chi phí.

Theo ông Tân, đại dịch Covid-19 ập đến và kéo dài, không chỉ mình Thảo Cầm Viên gặp khó khăn mà người dân khắp nơi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Do vậy, Thảo Cầm Viên chủ trương không kêu gọi đóng góp từ cộng đồng mà xin hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, khi biết được thông tin Thảo Cầm Viên cần chi phí hỗ trợ, nhiều văn nghệ sĩ, tổ chức, cá nhân đã chủ động đăng tải các bài viết kêu gọi đóng góp đính kèm số tài khoản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn trên các trang mạng xã hội và nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo người dân.

Nhiều người dân đã lập tức chuyển các khoản ủng hộ trong khả năng của mình, có những người gửi tặng cả trái cây, thực phẩm dù những mặt hàng này trong mùa dịch không dễ mua. Tất cả đều hy vọng góp một phần sức giúp Thảo Cầm Viên vượt qua giai đoạn khó khăn.

Vào đầu tháng 10 này, Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng đã được một Trung tâm thương mại ở quận Tân Phú hỗ trợ mỗi tuần khoảng 400-500kg thực phẩm các loại cho động vật ăn. Số thực phẩm này chủ yếu là các loại thịt, cá, rau củ quả… quá hạn, đã hết tiêu chuẩn phục vụ khách nhưng vẫn bảo đảm điều kiện làm thức ăn cho động vật, không gây ảnh hưởng sức khỏe và được nhân viên Thảo Cầm Viên kiểm tra kỹ trước khi đưa vào sử dụng. Đơn vị này cho biết sẽ đồng hành với Thảo Cầm Viên trong thời gian dài sắp tới để bảo đảm lượng thức ăn ổn định cho các loài động vật và cũng giải quyết được thực phẩm thừa để bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng yêu mến, sự quan tâm từ phía các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thời gian qua. Dù đại dịch kéo dài khiến ai cũng khó khăn nhưng cộng đồng vẫn nhiệt tình hỗ trợ, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn. Đến nay, Thảo Cầm Viên đã cơ bản giải quyết được vấn đề thức ăn cho các loại thú. Chúng tôi đang kêu gọi các nhân viên khác đi làm trở lại, tân trang cảnh quan và chuẩn bị đón du khách tham quan khi nào thành phố cho phép”, ông Phạm Văn Tân chia sẻ.

Trước mắt, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có kế hoạch mở cửa gần nhất vào 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch năm 2022. Ban Quản lý Thảo Cầm Viên cho biết sẽ bố trí nước rửa tay sát khuẩn ở cổng vào, trước phòng soát vé, các khu phục vụ, nhà ăn để phục vụ khách tham quan. Khách tham quan phải chấp hành những quy định về phòng, chống dịch, phù hợp với trạng thái "bình thường mới" của thành phố.