Phát huy sản phẩm riêng có, bản địa thúc đẩy du lịch ở Ninh Bình

NDO -

Ngày 15-10, ngành Du lịch Ninh Bình vừa tổ chức chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút hơn 200 đơn vị lữ hành, cơ quan truyền thông và nhiều đại diện đơn vị quản lý Nhà nước về du lịch của 13 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự, nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu lần thứ 2 - "Việt Nam an toàn và hấp dẫn".

Khảo sát tuyến du lịch mới ở Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình).
Khảo sát tuyến du lịch mới ở Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình).

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành Du lịch Ninh Bình, khiến lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Theo Sở Du lịch Ninh Bình, gần 10 tháng qua, lượng khách đến Ninh Bình chỉ đạt 2,1 triệu lượt (giảm 68% so cùng kỳ), doanh thu ước đạt hơn 1.180 tỷ đồng (giảm 61% so cùng kỳ). Song, du lịch Ninh Bình vẫn nỗ lực vươn lên và đặt ra mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách trong năm 2020. Đồng thời, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức “Năm Du lịch quốc gia 2021”.

Hiện nay, xu hướng du lịch Ninh Bình đã có nhiều thay đổi, từ du lịch đại trà sang du lịch sinh thái, an toàn, tăng hàm lượng văn hóa, hòa lẫn các hoạt động hữu ích, thiết thực về thể chất, tinh thần nhằm gia tăng sức khỏe trên cơ sở khai thác sản phẩm đặc thù, riêng có, gắn với giá trị văn hóa bản địa như: Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An; cố đô Hoa Lư - nơi sở hữu hai bảo vật quốc gia là ‘‘Long sàng’’ bằng đá; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - mới được ghi nhận vào danh Lục Xanh của tổ chức danh Lục Xanh thế giới, du lịch homestay. 

Phát huy sản phẩm riêng, bản địa thúc đẩy du lịch ở Ninh Bình -0
Bảo vật quốc gia tại khu Di tích Lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. 

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội chia sẻ: “Bên cạnh việc làm mới trải nghiệm, dịch vụ, các doanh nghiệp tại Ninh Bình nên liên kết và xây dựng đồng loạt các gói giảm giá các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 5), vì lượng khách có thời gian và nhu cầu đi vào các ngày này khá ít. Đặc biệt, với đêm nghỉ thứ 2, đêm nghỉ thứ 3 của khách, khách sạn phải có chính sách giảm giá nhiều hơn nữa".

Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai cho biết: Các địa phương, đơn vị du lịch không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, làm mới sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, sản vật đặc hữu. Công tác liên kết sản phẩm giữa các địa phương cũng là giải pháp quan trọng để thu hút khách..

Một số đơn vị quản lý Nhà nước về du lịch cho rằng: Hưởng ứng chương trình kích cầu lần thứ 2 - "Việt Nam an toàn và hấp dẫn", các doanh nghiệp cần làm quen với môi trường mới. Đó là tập trung khai thác thị trường trong nước, xây dựng các nhóm liên minh kích cầu, tăng cường truyền thông và bán sản phẩm. Đây là kinh nghiệm thành công trong chiến dịch kích cầu lần thứ 1, đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, du khách có tâm lý e dè, vì thế, các địa phương cần tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến để tạo làn sóng đi du lịch đến các tỉnh, thành phố trên cả nước và Ninh Bình. 

Dịp cuối năm, lượng khách khu vực phía nam ra miền bắc khá lớn, vậy nên các tỉnh trong đó có Ninh Bình cần phải liên kết chặt chẽ để tạo ra sản phẩm khác biệt, phong phú, tránh trùng lặp. Du khách được trải nghiệm nhiều nơi, nhiều loại hình du lịch, được khám phá những nét văn hóa bản địa và thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc thù tất yếu họ sẽ lưu lại lâu hơn.

Tại Ninh Bình, sản phẩm du lịch "Bái Đính về đêm", thăm quan thú và động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Cúc Phương về đêm; tour khám phá văn minh người Việt cổ ở Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, ở động Thiên Hà thuộc huyện Nho Quan của tỉnh; hoặc tour khai thác tuyến đường hành hương kết nối cố đô Hoa Lư - chùa Bái Đính - chùa Tam Chúc (Hà Nam) - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); kết hợp khác thác nhiều sản phẩm du lịch về đêm như: Chợ đêm, phố ẩm thực đêm tại TP Ninh Bình, cũng có thể làm tăng thêm trải nghiệm độc đáo cho du khách, góp phần cho du lịch Ninh Bình tự làm mới mình để hướng tới phát triển du lịch trở thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia.

Thúc đẩy phát triển du lịch hậu Covid-19