Kết nối, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch

NDO -

Tại diễn đàn, đại biểu tập trung đánh giá về các sản phẩm du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.

Đại biểu tham dự diễn đàn kết nối du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu tham dự diễn đàn kết nối du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long.

Với chủ đề: “Hợp tác và hành động”, ngày 20/5, tại Đồng Tháp diễn ra Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2.

Những năm gần đây, sự liên kết về du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long được chú trọng hơn, nhằm phát huy vai trò kết nối về giao thông, thương mại, văn hóa, và du lịch. Việc liên kết hợp tác trong phát triển du lịch nhằm phát huy sản phẩm du lịch, chương trình liên kết du lịch, thế mạnh đặc trưng của mỗi địa phương thông qua việc phát huy vai trò của các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đánh giá, sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch chung đã có sự thay đổi. Du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa địa phương... là những xu hướng đang trở thành chủ đạo. Đây cũng là cơ hội để TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch nông nghiệp.

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, ông Dương Anh Đức đề xuất cần tập trung nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ để rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương; có chính sách kích cầu đầu tư, trong đó hỗ trợ lãi vay cho các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm OCOP bảo đảm chất lượng và nguồn cung ổn định...

Đồng thời, phối hợp xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo, chất lượng cao với các nhóm sản phẩm trọng tâm như du lịch giáo dục, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch cộng đồng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long sở hữu nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp. Kể từ khi chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với TP Hồ Chí Minh đã mở ra cơ hội để thúc đẩy du lịch đồng bằng sông Cửu Long nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá, du lịch nông nghiệp là một thế mạnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên việc khai thác thế mạnh cho sản phẩm du lịch này còn thiếu liên kết.

“Cần có những giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch, tiến tới đồng thuận trong xây dựng cơ chế, chính sách cũng như kiến nghị Trung ương hoạch định những chính sách đặc thù giúp cho TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long thực hiện hiệu quả cơ chế liên kết vùng về phát triển du lịch”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng khẳng định cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bền chặt, hiệu quả.